阮輝濡
LÔ
HOA TRƯỢNG (1)
Hào kiệt sinh lai ấu tiện kì
Lô hoa kì trượng kiến uy nghi
Sơn hà chính thống khai tân mạc
Thiên cổ Viêm bang đệ nhất nhi
NGUYỄN HUY NHU (2)
Dịch nghĩa
CỜ HOA LAU
Bậc hào kiệt sinh ra ngay từ nhỏ đã lạ kì
Lấy hoa lau làm cờ, nhìn thấy rất uy nghi
Sơn hà chính thống đã mở ra một triều đại mới
Ngàn năm trong chốn Viêm bang này, là đứa bé nổi danh bậc
nhất
Dịch thơ
CỜ HOA LAU
Hào kiệt sinh ra đã lạ kì
Cờ lau tập trận hiện uy nghi
Giang sơn chính thống thêm triều mới
Sử Việt ngàn năm đệ nhất nhi.
Chú của người
dịch
(1)- Lô hoa trượng
蘆花杖: cờ hoa lau.
Ở Đại Việt sử kí toàn thư bản
chữ Hán, Bản kỉ toàn thư,
quyển 1 tờ 1 a – b chép rằng:
Tiên Hoàng Đế tính Đinh huý Bộ Lĩnh, Đại
Hoàng Hoa Lư động nhân, Hoan Châu Thứ sử Đinh Công Trứ chi tử dã. Tước bình sứ
quân tự lập vi Đế, tại vị thập nhị niên, vi nội nhân Đỗ Thích sở thí nhi băng,
thọ ngũ thập lục, táng Trường An sơn lăng. Đế tài minh quá nhân, dũng lược cái
thế, tảo tận quần hùng, thống tự Triệu Vũ. Nhiên thất ư dự phòng, bất bảo kì
chung. Tích phù.
先皇帝姓丁諱部領, 大黃華閭洞人, 驩州刺史丁公著之子也. 削平使君自立為帝, 在位十二年, 為內人杜釋所弒而崩, 壽五十六, 葬長安山陵. 帝才明過人, 勇略盖世, 掃盡群雄, 統緒趙武. 然失於預防, 不保其終. 惜夫.
Tiên
Hoàng Đế họ Đinh huý Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư châu Đại Hoàng, con của Thứ sử
Hoan Châu là Đinh Công Trứ. Ông dẹp yên các sứ quân tự lập làm Đế, trị vì 12
năm, bị nội nhân là Đỗ Thích giết hại mà qua đời, thọ 56 tuổi, an táng ở sơn
lăng Trường An (Yên). Đế tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược trùm đời,
quét sạch quần hùng, nối tiếp chính thống của Triệu Vũ. Nhưng do bởi không đề
phòng nên không giữ được mình đến trọn đời. Đáng tiếc thay.
(Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1998)
Cũng trong Đại Việt sử kí toàn thư, (bản dịch
và chú thích của Ngô Đức Thọ), mục Kỉ nhà Đinh có chép.
….. Vua
mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động.
Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự
biết kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn làm trưởng. Phàm khi chơi đùa,
thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước
như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác,
đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi thổi cơm.
Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: “Đứa
bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, bọn ta nếu không theo về, ngày
sau hối thì đã muộn”. Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào
Áo. Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ vua còn ít tuổi,
thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu Đàm Gia Nương Loan, cầu gãy,
vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua,
nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ
đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng
Vương.
(tập 1,
trang 303, 304, nxb Văn hoá thông tin, 2003)
(2)- Nguyễn Huy
Nhu 阮輝濡 (1887 – 1962): còn gọi là Nghè Nhu, là một danh sĩ Nho học và nhà giáo
dục Việt Nam
đầu thế kỉ 20. Ông là người làng Vạn Lộc, tổng Thượng Xá, huyện Nghi Lộc, phủ
Hưng Nguyên (nay là phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò) tỉnh Nghệ An. Nguyên quán
ông ở xã Bột Thái, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá, tổ tiên dời vào Nghệ An.
Ông đỗ
Cử nhân khoa Kỉ Dậu 1909, sau đó được sung chức Giáo thụ phủ Quảng Ninh, Huấn đạo
hạng nhất. Năm 1916, ông đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn, dưới triều vua Khải Định
khi mới 30 tuổi.
Bia Văn
miếu Huế chép ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, đứng thứ 5 trong số 7
Tiến sĩ của khoa này. Về sau ông làm quan đến Hàn lâm viện tu soạn, Đốc học Quảng
Ninh.
Khi Viện
đại học Huế thành lập năm 1957, ông được mời làm giáo sư môn Hán văn.
Ông qua
đời năm 1962.
Ở trang
đầu trong nguyên tác ghi là:
Lư Phong Nguyễn Huy Nhu Bính Thìn Tam
giáp Tiến sĩ Lễ bộ tá lí.
山盧(*)峯阮輝濡丙辰三甲進士礼步佐理
(Chữ “Lư” này gồm bộ 山
bên trái và chữ 盧 bên phải)
Bài Lô hoa trượng là bài thứ 3 trong 11 bài Vịnh sử 咏史 ở tập
Bí viên thi thảo 賁園詩草 của Lư Phong
Nguyễn Huy Nhu.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 29/9/2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật