Dịch thuật: Vài nét về bộ "Hán thư"

VÀI NÉT VỀ BỘ “HÁN THƯ”

          Hán thư 漢書 là bộ trứ tác lịch sử nổi tiếng nối tiếp sau bộ Sử kí 史記.  Tác giả Ban Cố 班固 (năm 32 – năm 92) tự Mạnh Kiên 孟堅, người An Lăng 安陵 Phù Phong 扶風 thời Đông Hán (nay là phía đông của Hàm Dương 咸阳 Thiểm Tây 陝西) là nhà sử học nổi tiếng.
          Năm 58, Ban Cố bắt đầu biên soạn Hán thư tại nhà, Hán Minh Đế biết được, gán cho tội tự sửa đổi quốc sử, lệnh bắt giam vào ngục. Em trai Ban Cố là Ban Siêu 班超 dâng thư, nói rõ ý đồ trứ thuật Hán thư của ông, Minh Đế mới cho thả ra. Minh Đế hâm mộ tài năng của ông giao ông nhậm chức Lan Đài lệnh sử 蘭臺令史 (vị quan giữ việc hiệu đính sách vở, trị lí văn chương), đồng thời ra lệnh cho ông tiếp tục biên soạn bộ Hán thư. Trải qua hơn 20 năm, cơ bản hoàn thành bộ trứ tác này. (Bộ phận chưa hoàn thành là Bát biểuThiên văn chí. Sau khi Ban Cố mất, em gái của ông là Ban Chiêu 班昭 và Mã Tục 馬續 tiếp tục biên soạn và hoàn thành).
          Năm 89, Ban Cố theo Đại tướng Đậu Hiến 竇憲xuất chinh đánh Hung Nô, giữ chức Trung hộ quân 中護軍. Sau khi quân Hung Nô đại bại, lúc lên núi Yên Nhiên 燕然, Ban Cố làm bài minh cho khắc vào đá để ghi công. Năm 92, việc mưu phản của Đậu Hiến bại lộ, Ban Cố có liên luỵ nên bị bãi quan. Về sau Lạc Dương lệnh là Trùng Cạnh 种競 (1) gièm pha, Ban Cố bị bắt giam vào ngục và chết ở trong ngục, năm đó Ban Cố 61 tuổi.
          Ban Cố viết Hán thư, phàm lịch sử từ thời Hán Vũ Đế trở về trước, cơ bản là căn cứ theo Sử kí, chỉ bổ sung thêm một số và có sự thay đổi một ít về văn tự; còn từ Hán Vũ Đế trở về sau thì trên cơ sở 65 thiên Hậu truyện 後傳do phụ thân là Ban Bưu 班彪 viết, trải qua việc thu thập sử liệu, sưu tập những điều nghe thấy khác, Ban Cố đã gia công chỉnh lí lại mới để hoàn thành. Toàn sách tổng cộng 100 thiên, bao gồm 12 đế kỉ, 8 biểu, 10 chí, 70 liệt truyện. Kí sự bắt đầu từ Hán Cao Tổ nguyên niên (năm 206 trước công nguyên), và dừng ở năm Địa Hoàng 地皇 thứ 4 thời Vương Mãng 王莽 (năm 23), nó là bộ lịch sử đồng đại đầu tiên của Trung Quốc.
          Xuất phát từ quan niệm chính thống, Hán thư của Ban Cố đã thuật lại đồng thời đánh giá những nhân vật lịch sử, nó không giống Sử kí có tinh thần chiến đấu và quan điểm tiến bộ. Mặt khác tác giả cũng đã tôn trọng sự thật lịch sử khách quan, nhìn chung đã đạt đến “thực lục”, đó là hiện thực xã hội lúc bấy giờ được phản ánh một cách khách quan, từ đó đã bộc lộ mâu thuẫn xã hội cùng với sự hủ bại và tội ác của giai cấp thống trị. Một số thiên đã phản ánh nỗi thống khổ của nhân dân, đối với nhân dân biểu thị một sự đồng tình nhất định, đây cũng là điều đáng để khẳng định.
          Ngôn ngữ trong Hán thư tinh luyện, kết cấu chặt chẽ, nhân vật được miêu tả kĩ lưỡng, cho nên một số văn nhân trong quá khứ thường khen chung  Hán thưSử kí. Đối với sử học đời sau, Hán thư có tác dụng mẫu nhất định, đối với văn học truyện kí cũng có ảnh hưởng nhất định.
          Những người chú Hán thư xưa nay rất nhiều; cuối thời Đông Hán có Phục Kiền 服虔, Ưng Thiệu 應劭 đã chú qua âm nghĩa. Bộ Hán thư thông hành hiện nay có chú bản của Nhan Sư Cổ 顏師古 đời Đường và bộ Hán thư bổ chú 漢書補注 của Vương Tiên Khiêm 王先謙 đời Thanh.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Nguyên tác của Vương Lực dùng chữ phồn thể,  như vậy chữ (bên cạnh có bính âm là chóng) ở đây, không phải là dạng giản thể của chữ .
          Khang Hi tự điển 康熙字典ghi rằng:
(chóng):
          “Quảng vận”  trực cung thiết 直弓
          “Tập vận”, “Vận hội” trì trung thiết 持中
          Tịnh âm trùng. Trĩ dã. Hựu tính, Hậu Hán Tư đồ Trùng Cảo
          “廣韻”  直弓 .
           集韻”,  韻會 持中切
          並音蟲. 稚也. 又姓, 後漢司徒种暠
          Ở “Quảng vận” phiên thiết là “trực cung”.
          Ở “Tập vận”, “Vận hội” phiên thiết là “trì trung”
Đều có âm là “trùng”, có nghĩa là thơ bé, non trẻ. Cũng là một họ. Thời Hậu Hán có quan Tư đồ là Trùng Cảo.
(trang 811, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003)
Như vậy, chữ ở đây đọc là “trùng”.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                             Quy Nhơn 27/9/2013

Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
Previous Post Next Post