TINH THẦN “NHÂN VĂN”
TRONG VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG TRUNG QUỐC
Sự sản
sinh tinh thần “nhân văn” 人文 cổ đại Trung Quốc đồng
bộ với diễn tiến của lịch sử Trung Quốc. Thời Viêm Hoàng đã bao hàm sự manh nha
tinh thần “nhân văn”. Trải qua các thời đại Hạ, Thương, Chu đến cuối thời Xuân
Thu, tinh thần “nhân văn” mới xuất hiện dưới hình thức một hệ thống lí luận hoàn chỉnh. Điều này quy công cho Khổng Tử 孔子, đại giáo dục gia, đại tư tưởng gia cuối thời Xuân
Thu. Khổng Tử đã kế thừa tinh thần “nhân văn” của thời Thương Chu và đã có sự
phát triển sáng tạo. Sau Khổng Tử, không chỉ ở học phái Nho gia, mà còn ở các học
phái khác và các lĩnh vực khoa học, tinh thần “nhân văn” đã có sự phát triển và
sáng tạo mới.
Tinh thần
“nhân văn” trong văn hoá truyền thống Trung Quốc mang đặc trưng coi trọng sự tu
dưỡng đạo đức con người, chủ trương con người thông qua sự tu dưỡng và học tập
của bản thân để trở thành con người cao thượng, con người có lí tưởng. Do đó
tinh thần “nhân văn” cổ đại rất coi trọng hình thức lễ nghi, đề xướng đức trị,
ra sức làm cho các đẳng cấp xã hội hoà mục. Để duy trì sự ổn định xã hội, tinh
thần “nhân văn” cổ đại đặc biệt coi trọng gia đình - tế bào của xã hội, quy định
các thành viên gia đình phải tuân thủ những quy phạm đạo đức, vì gia đình có
hài hoà, xã hội mới có sự cân bằng và ổn định. Tinh thần “nhân văn” cổ đại còn
đề xuất mô thức một xã hội lí tưởng của tương lai, mong cầu xây dựng một thế giới
“thiên hạ vi công”, trong hoàn cảnh đó, con người mới thể hiện hết tài năng của
mình. Tinh thần “nhân văn” đã bồi dưỡng mĩ đức của dân tộc: tích cực tiến thủ,
kiên trì nhẫn nại, kính lão dưỡng lão, cứu giúp người cô quả tàn tật, cần kiệm
trị gia trị quốc. Những mĩ đức này là tài sản tinh thần quý giá, và cũng là sự
kết tinh tinh hoa trong tinh thần “nhân văn” cổ đại.
Nhưng lịch
sử vốn phức tạp, tinh thần “nhân văn” trong lịch sử cũng xuất hiện qua khúc
quanh, hoặc giả một số mặt nào đó của nó bị dẫn đến phiến diện hoá và tuyệt đối
hoá. Ví dụ như do bởi quá cường điệu tác dụng của gia đình, do đó mà về phương
diện cuộc sống xã hội và giá trị quan, đã đem quan hệ huyết thống giữa các
thành viên trong gia đình đẩy đến địa vị trọng yếu. Và như do bởi quá cường điệu
tác dụng của đạo đức mà coi nhẹ chế độ và pháp trị, đem đạo đức nhân cách hoá,
tức tạo ra cái gọi là “thánh nhân”, “thánh nhân” được miêu tả như một người
không có gì là không biết, là một vị “thần” toàn năng, không gì là không làm được,
từ đó mà coi nhẹ sự cống hiến của cả chỉnh thể xã hội đối với sự phát triển xã
hội.
Ngày
nay, việc giới thiệu văn hoá truyền thống Trung Quốc, trọng điểm là bình luận
và giới thiệu văn hoá truyền thống ưu tú từ chính diện, để mọi người nhận được
sự giáo dục và gợi mở, còn như trong đó có một số điểm yếu không phù hợp với cuộc
sống hiện đại, cần phải phân tích đồng thời nói rõ thực tế để mọi người hiểu được,
từ đó mà bỏ đi.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 21/9/2013
Nguyên tác Trung văn
“NHÂN VĂN” TINH THẦN
“人文”精神
Trong quyển
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật