TIÊU CHÍ TÔNG THẤT HOÀNG GIA TRIỀU THANH
Triều
Thanh là vương triều phong kiến được kiến lập bởi chủ thể quý tộc Mãn Châu. Năm
Vạn Lịch 万历 thứ 29 nhà Minh, trên cơ sở biên chế truyền thống của
Nữ Chân, Nỗ Nhĩ Cáp Xích 努尔哈赤 đã sáng lập “tứ
kì” 四旗 gồm: chính hoàng 正黄,
chính bạch 正白, chính hồng 正红, chính lam 正蓝. Năm Vạn Lịch thứ 43,
Tương thử tứ sắc tương chi vi bát sắc,
thành bát cố sơn (bát kì).
将此四色襄之为八色, 成八固山 (八旗)
(Đem 4 sắc này viền thêm làm 8 sắc, thành bát cố sơn
(bát kì))
Mãn
Châu chính hoàng, chính bạch, chính hồng, chính lam, tương hoàng, tương bạch,
tương hồng, tương lam, bát kì chính thức kiến lập. Về sau Hoàng Thái Cực 皇太极 kế vị, lại lập thêm Mông Cổ bát kì, Hán quân bát kì,
tổng cộng thành 24 kì.
Bát kì
là lực lượng trung kiên của triều Thanh, tinh nhuệ mạnh mẽ, công thành hãm trận,
thế như chẻ tre. Lúc đầu kiến lập các kì, Nỗ Nhĩ Các Xích sợ đại quyền suy yếu,
cho nên kì chủ của các kì đều do con cháu thân thích của ông đảm nhiệm. Trước
khi vào trung nguyên, lập “tứ đại bối lặc” 四大贝勒, 4 người đó là Đại Thiện 代善, A Mẫn 阿敏, Mãng Cổ Nhĩ Thái 莽古尔泰, Hoàng Thái Cực 皇太极. Họ không chỉ là
kì chủ của các kì, mà còn đối với chính vụ trong nước cũng đều do 4 người này
thay phiên hàng tháng nắm giữ, là cánh tay trái tay phải của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Về
sau lại có 8 vị Hoà thạc bối lặc 和硕贝勒 cùng chung trị quốc.
Các đại thần khác họ, cho dù quân công to lớn cũng rất khó bước vào tập đoàn thống
trị tối cao, đối với các kì chủ họ chỉ biết cúi đầu nghe theo, nếu không, sẽ rước
lấy hoạ vào thân.
Sau khi
vào trung nguyên, địa vị của thành viên hoàng thất càng tiến xa, và có sự bảo vệ của pháp luật tương ứng, đồng
thời căn cứ vào thân thích xa gần mà phân biệt thành viên tông thất, khu biệt đối
đãi. Quy định là: con cháu trực hệ của phụ thân Nỗ Nhĩ Cáp Xích gọi là “tông thất”
宗室, buộc dây lưng màu vàng kim, gọi là “hoàng đới tử” 黄带子; con cháu bàng hệ của anh em thúc bá ông ta gọi là
“giác la” 觉罗, buộc dây lưng màu đỏ, gọi là “hồng đới tử” 红带子. Đem “tông thất” phân làm 12 tước vị, lần lượt là:
- Hoà
thạc thân vương 和硕亲王
- Đa la
quận vương 多罗郡王
- Đa la
bối lặc 多罗贝勒
- Cố
sơn bối tử 固山贝子
- Phụng
ân Trấn quốc công 奉恩镇国公
- Phụng
ân Phụ quốc công奉恩辅国公
- Bất
nhập bát phân Trấn quốc công 不入八分镇国公
- Bất
nhập bát phân Phụ quốc công 不入八分辅国公
- Trấn
quốc tướng quân 镇国将军
- Phụ
quốc tướng quân 辅国将军
- Phụng
quốc tướng quân 奉国将军
- Phụng
ân tướng quân奉恩将军
Cùng
chung tông thất lại phân ra là “cận chi tông thất” và “viễn chi tông thất”. Cận
chi tông thất đều có thế hệ. Hàng thế hệ con cháu dưới Khang Hi 康熙 là: Duẫn 允 Hoằng 弘 Vĩnh 永 Miên 绵 Dịch 奕 Tải 载. Năm Đạo Quang 道光
thứ 7 nối thêm 4 chữ: Phổ 溥 Dục 毓 Hằng 恒 Khải 启. Năm Hàm Phong 咸丰
thứ 7 lại thêm: Đào 焘 Duyệt 阅 Tăng 增 Kì 祺, nhưng chưa kịp sử dụng
triều Thanh đã mất, con cháu đời sau rất ít theo phả hệ này để đặt tên. Cận chi
tông thất còn có “theo thiên bàng” và “không theo thiên bàng”, ví dụ như: Dịch
Trữ 奕言宁, Dịch Hân 奕訢, thiên bàng đều có
bộ “ngôn” 言; Tải Tuân 载洵, Tải Đào 载涛, thiên bàng đều có bộ “thuỷ” 氵;
Phổ Nghi 溥仪, Phổ Vĩ 溥伟, Phổ Kiệt 溥傑, thiên bàng đều có
bộ “nhân” 亻. Thế hệ chữ “Dục” 毓,
thiên bàng đều có bộ “sơn” 山 như Dục Sùng 毓崇, đây đều là tông thất gần nhất. Còn Khánh Thân Vương
Dịch Khuông 奕劻, tuy thuộc hàng chữ “Dịch” 奕,
nhưng không phải chi gần nhất nên không dùng bộ “ngôn” mà dùng bộ “lực” 力 để khu biệt (chi phủ Khánh Thân Vương là do chi phái
của Càn Long truyền ra). Và như Tải Chấn 载振
thuộc hàng chữ “Tải” 载, thiên bàng không
dùng bộ “thuỷ” 氵 mà dùng bộ “thủ” 扌;
Phổ Thuyên 溥銓 thuộc hàng chữ “Phổ” 溥,
thiên bàng không dùng bộ “nhân” 亻 mà dùng bộ “kim” 金; Dục Vận 毓运 thuộc hàng chữ “Dục”
毓, thiên bàng không dùng bộ “sơn” 山 mà dùng bộ “sước” 辶,
đều thuộc tình hình như vậy. Có thể thấy, đẳng cấp tông thất triều Thanh rất
nghiêm nhặt.
Để tiến
hành quản lí thành viên tông thất một cách có hiệu quả, năm Thuận Trị 顺治 thứ 9 lập Tông nhân phủ. Tông nhân phủ nắm giữ các sự
việc tông thất, nội bộ hoàng tộc. Mọi việc trong các tộc như sinh con, kế tự,
cưới gã, phong tước, thụ chức, thăng chuyển, giáng cách, tử vong … đều phải tấu
báo Tông nhân phủ, để Tông nhân phủ ghi chép vào sổ sách. Phàm “tông thất” đăng
nhập “hoàng sách” 黄册, “giác la” kí nhập “hồng sách” 红册. Người còn sống thì dùng bút đỏ viết, người đã mất
thì dùng bút đen viết. Cứ cách 10 năm thì tu soạn “ngọc điệp” 玉牒 (tức tộc phả của hoàng tộc” một lần, phương pháp biên
soạn là lấy Đế làm “thống” 统, lấy trưởng ấu làm
“tự” 序.
Tông
nhân phủ triều Thanh đứng trên lục bộ, vị cao quyền trọng, nhân đó đã nâng cao
giá trị thân phận của các thành viên hoàng tộc. Đời Thanh, thành viên hoàng thất
được ưu đãi, đa số giữ những chức vụ quan trọng. Phàm tông thất, giác la,đều có
trợ cấp ngân lượng. Gặp việc hôn tang, còn được ban thêm. Thành viên tông thất
cho dù bị tội, thì việc xử phạt cũng nhẹ hơn rất nhiều so với dân thường, thậm
chí ngay cả giết người không phải bị tội chết. Chính vì sự nhân nhượng bao che
của vương triều Thanh mà các thành viên hoàng thất có người hoành hành bá đạo, ức
hiếp lương dân.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 28/9/2013
Nguyên tác Trung văn
HOÀNG GIA TÔNG THẤT TIÊU CHÍ
皇家宗室标志
Tác giả: Tào Liên Minh 曹连明
Trong quyển
CUNG QUY LỄ TỤC THÁM U
宫规礼俗探幽
Chủ biên: Thôi Trắc 崔陟
Trung Quốc văn sử xuất bản xã, 2006.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật