NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THƯ TỊCH
Thư tịch
cổ đại Trung Quốc xuất hiện từ lúc nào, đến nay vẫn chưa xác định chắc chắn thời
gian. Tương truyền thời thượng cổ đã có sử quan nắm giữ việc trứ tác. Ba bộ cổ
thư hiện đang lưu truyền: Thượng thư 尚书, Thi kinh 诗经, Dịch kinh 易经 nhiều người cho là dựa vào những văn kiện sử
thời thượng cổ mà biên định.
Thư tịch
trong thời kì này, thực tế là những hồ sơ do sử quan ghi chép. Lưu truyền đến
ngày nay chỉ còn là một bộ phận rất ít. Chất liệu của những thư tịch này chưa
phải bằng giấy mà là bằng những thứ khác nhau. Nhìn từ thời đại của những vật
thực hiện tồn, đầu tiên là giáp cốt, theo sau đó là đồ đồng, sau nữa là có đá,
trúc, gỗ. Do bởi chất liệu khác nhau nên hình thái của thư tịch cũng khác nhau.
Phương pháp viết dựa theo chất liệu khác nhau mà cũng có sự khác nhau. Văn tự
trên giáp cốt, đồ đồng, đá đều là dùng dao khắc. Sách bằng trúc, gỗ nhìn từ những ghi chép hiện tồn và những vật thực khi
khai quật phát hiện, đều viết bằng tay. Còn về văn tự thì phức tạp rối rắm, dị thể
khác hình, biến hoá vô cùng. Thời kì này chủ yếu chỉ trước thời Xuân Thu.
Thư tịch
chính thức sớm nhất của Trung Quốc là được làm bằng thẻ trúc hoặc thẻ gỗ. Gọi
là thư tịch chính thức chính là chỉ vật trứ tác đem văn tự viết lên hoặc in lên
một chất liệu chuyên dụng có hình thái nhất định, mục đích cung cấp cho người đọc.
Loại dùng trúc làm thành gọi là “giản sách” 简策,
loại dùng gỗ làm thành gọi là “bản độc” 版牍.
Một thẻ trúc gọi là “giản” 简, nhiều giản kết hợp
lại gọi là “sách” 策. Một tấm gỗ gọi là “bản” 版,
tấm gỗ có chữ viết gọi là “độc” 牍. Giản sách chính là
hình thức thư tịch sớm nhất của Trung Quốc.
Thời kì
này còn xuất hiện một loại sách với hình thức mới, đó là “bạch thư” 白书. “Bạch” 帛 là từ gọi chung những
sản phẩm được dệt từ sợi tơ, “bạch thư” chính là sách mà được viết trên những sản
phẩm dệt từ sợi tơ. Bạch thư vào thời Xuân Thu tuy đã ứng dụng nhưng không được
thông hành lắm, đến thời Chiến quốc mới được dùng phổ biến. Bạch thư được dùng
song song với trúc mộc giản, mãi cho đến thời Đông Hán.
Giản
sách được dùng làm chất liệu để viết, khuyết điểm lớn nhất của nó là nặng. Dùng
“bạch” thay thế “giản”, tuy có nhiều ưu điểm, nhưng lại đắt, không dễ sử dụng
phổ biến. Văn hoá lúc bấy giờ ngày càng phát triển, việc đọc sách, viết sách
ngày càng tăng, cần phải có một loại rẻ dễ có dùng để viết, vừa giữ được ưu điểm
của “giản sách” và “bạch”, lại tránh được những khuyết điểm của chúng, và giấy
đã được phát minh. Việc phát minh ra giấy đã khiến cho thư tịch tiến vào một thời
đại mới.
Sau khi
giấy được phát minh từ sợi thực vật, giá giấy rẻ, lại nhẹ, tính năng dễ viết
ngày càng được thể hiện, cuối cùng nó đã thay thế giản bạch, trở thành một chất
liệu viết duy nhất thông hành. Thời Đông Hán, giản, bạch, giấy được dùng song
song, và giản bạch vẫn phổ biến nhất. Từ thời Tam quốc về sau, sách được làm bằng
giấy tăng nhiều, đến thời Tấn thì thịnh hành. Sau thời Đông Tấn, giấy hoàn toàn
trở thành loại chất liệu chủ yếu thường dùng hàng ngày của thư tịch và thư tín.
Hình thức
viết trên giấy ở thời kì đầu hoàn toàn mô phỏng theo bạch thư. Đem giấy cuộn
thành quyển dài, dùng một khúc gỗ làm trục, lấy đó làm trung tâm cuộn thành một
bó, gọi là “quyển trục” 卷轴. Nhưng đến giữa thế
kỉ thứ 9 (cuối đời Đường), chế độ của quyển trục đã có sự thay đổi lớn, từ quyển
trục dần quá độ hướng đến trang.
Sách cuốn
có khi dài đến mấy trượng, khi mở ra cuốn lại đều nhọc công. Nếu muốn kiểm tra
một chữ, một câu ở giữa hoặc ở cuối, phải trải ra toàn bộ, rồi sau đó lại cuốn
lại, khi kiểm tra sách tham khảo càng bất tiện, mà sách tham khảo lúc bấy giờ
đã tương đối nhiều. Nhu cầu kiểm tra câu chữ trong thư tịch cũng nhân sự phát
triển của trứ tác mà càng tăng thêm. Vì vậy có người đã đem 1 khổ giấy cứ xếp một
mặt sấp một mặt ngửa trở thành một tệp có hình chữ nhật. Trước và sau tệp giấy
đó cho thêm bìa cứng để bảo vệ. Đây là một hình thức thư tịch mới xuất hiện, gọi
là “kinh chiết trang” 经折装, hoặc “Phạm giáp
trang” 梵夹装, đây có thể là ảnh hưởng hình thức “bối diệp kinh” 贝叶经 của Ấn Độ. Sử dụng hình thức này so với quyển trục tiện
lợi hơn nhiều. Muốn tra đọc một trang nào không cần phải mở hết toàn quyển.
Nếu đem
những trang sách đơn lẻ kết hợp với loại xếp thành tệp, sẽ là một hình thức thư
tịch mới, hình thức đem những trang rời đóng lại thành sách bắt đầu xuất hiện.
Khi mọi người nghĩ đến cách này, kĩ thuật in ấn ra đời càng thúc đẩy hình thức
này phát triển. Vì vậy, sách vở của Trung Quốc đã tiến vào một thời đại mới, thời
đại in ấn.
Từ thế
kỉ thứ 9, thư tịch in ấn của Trung Quốc đã xuất hiện, từ đó, kĩ thuật in ấn đã
trở thành phương pháp chủ yếu để làm ra thư tịch, đồng thời từ Trung Quốc truyền
ra thế giới.
Kĩ thuật
in ấn là phương pháp đem văn tự chế thành bản in, bên trên bôi một lớp mực rồi
in xuống giấy, cũng chính là kĩ thuật dựa vào nguyên cảo văn tự (hoặc hình vẽ)
chế thành tác phẩm in ấn. Có 2 loại kĩ thuật in ấn cơ bản: kĩ thuật in khắc bản
và kĩ thuật in chữ rời. Khắc bản cũng gọi là kĩ thuật in chỉnh bản, đó là cách đem
văn tự khắc ngược lên một tấm gỗ hoặc chất liệu khác, rồi bôi mực lên bản khắc
đó. Còn kĩ thuật in chữ rời trước tiên khắc ngược thành từng chữ đơn lẻ, rồi dựa
theo tác phẩm đem các chữ đó xếp lại thành một bản hoàn chỉnh, sau đó bôi mực
lên. Những chữ đơn lẻ này gọi là “hoạt tự” 活字
(chữ rời). In chữ rời là phương chủ yếu của in ấn hiện đại.
Địa điểm
khắc sách thời kì đầu là ở khắp vùng Tứ Xuyên, Hoài Nam ,
Giang Nam .
Tứ Xuyên dường như trở thành trung tâm khắc sách. Điều không may là những bản
khắc thời Đường bảo tồn đến hiện nay còn quá ít. Thời Ngũ đại, không những có
kinh điển do nhà nước khắc mà trong giai tầng sĩ đại phu cũng có người bỏ tiền
ra để khắc. Đồng thời, nghề khắc sách của dân gian và của tín đồ Phật giáo cũng
phát triển. Khắc bản thời Đường, khắc bản thời Ngũ đại lưu truyền đến nay cũng
rất ít. Mấy loại tồn tại đều phát hiện tại Đôn Hoàng 敦煌,
nhưng đều là khuyết bản. (còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 30/9/2013
Nguyên tác Trung văn
THƯ TỊCH ĐÍCH NGUYÊN LƯU
书籍的源流
Trong quyển
CỔ NGOẠN THU TÀNG CHỈ NAM
古玩收藏指南
Biên soạn: Long Tùng 龙松,
Kỉ Bình 纪平
Hà Bắc nhân dân xuất bản xã, 1994.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật