Dịch thuật: Nguồn gốc Totem

NGUỒN GỐC TOTEM

          Từ “Totem” (tiếng Hán là “đồ đằng” 图腾) đến từ người Áo Kiệt Bái 奥杰拜 (Ojibways) ở Bắc Mĩ, ý nghĩa là “huyết thống của tôi”, “chủng tộc”. Từ “Kabang” (Khoa bàng 科旁) của bộ lạc thổ dân ở Australia đồng nghĩa với nó. Từ “Totem” biểu đạt nội hàm trung tâm sùng bái Totem: nó đem động vật, thực vật trong giới tự nhiên, hoặc những vật tự nhiên khác, hoặc hiện tượng tự nhiên dẫn làm “thân tộc” huyết thống của mình, tin tưởng vào đối tượng sùng bái hoặc xem như là tổ tiên của mình, hoặc đã giao lưu qua huyết thống với tổ tiên của bổn tộc, hoặc căn nguyên sinh mệnh và sinh dục của thành viên bổn tộc ở đó. Do bởi Totem và người sùng bái có quan hệ như thế, cho nên Totem đã là đối tượng sùng bái, lại có thể lấy làm danh xưng, huy hiệu hoặc tiêu chí của tộc, đồng thời cũng là vị thần bảo hộ của bổn tộc. Trước thôn, mọi người dựng trụ Totem, nơi nhà ở, trên các dụng cụ sinh hoạt khắc vẽ Totem, thậm chí xăm mình để làm tiêu chí, tất cả những việc làm này đều nhằm để biểu hiện thần linh Totem luôn ở bên cạnh bổn tộc, che chở mọi người, đồng thời từ đó phát triển thành nghệ thuật totem.
          Từ một ý nghĩa nào đó, có thể nói sự sùng bái Totem là một loại văn hoá mang tính thế giới, nhân đó đối với việc thảo luận về nó cần phải tiến hành trên phạm vi thế giới. Về nguồn gốc của Totem, trước mắt, những ý kiến mang tính quyền uy của giới học thuật Trung Quốc cũng tức là cách nhìn tương đối phổ biến, cho rằng: sự sùng bái Totem, từ đối tượng trực tiếp sùng bái mà nói, là vật tự nhiên hoặc động thực vật; từ quan niệm sùng bái mà nói, có nội dung sùng bái tổ tiên, nhân đó, sự sùng bái Totem là “một tôn giáo nguyên thuỷ kết hợp sùng bái tự nhiên và sùng bái tổ tiên lại với nhau” (1) trên cơ sở sùng bái tự nhiên phát triển ra. Cũng có người từ góc độ kinh tế giải thích sự phát sinh và phát triển của sự sùng bái Totem, đề xuất đoàn thể Totem chính là đoàn thể sản sinh từ thực vật, động vật nào đó bắt được lúc săn bắn. Về thời gian phát sinh sự sùng bái Totem, nhìn chung đa số chủ trương ở vào lúc xã hội thị tộc mẫu hệ. Căn cứ của của chủ trương đó là: hiện tượng trong một tập đoàn cùng tin theo một Totem không thể thông hôn với nhau, cũng tức là nguyên tắc của chế độ thị tộc ngoại hôn; mà trong thần thoại Totem, đặc trưng chỉ có mẹ không có cha chính là đặc trưng trong xã hội thị tộc mẫu hệ chỉ biết mẹ mà không biết cha.
          Từ thời gian phát sinh sự sùng bái Totem mà bàn luận, hiện tượng mà những lập luận trên dựa vào chỉ là: sau khi xã hội phát triển đến chế độ thị tộc, sự sùng bái Totem không thể không mang dấu ấn nguyên tắc thị tộc. Kì thực, quan niệm hạt nhân của sự sùng bái Totem là: căn bản không cho rằng việc mang thai là kết quả của nam nữ tính giao, chỉ cho rằng đó là duyên cớ vật Totem tiến vào hoặc tác dụng vào mẫu thể. Cho nên, khi đoàn thể Totem được tổ chức đồng thời cùng thị tộc, nội bộ đoàn thể sùng bái Totem đồng nhất sẽ cùng hỗ tương “cấm kị” không được thông hôn, đồng thời không phải sự sùng bái Totem khiến cho như thế mà là yêu cầu căn bản của chế độ ngoại hôn ở xã hội thị tộc; đặc trưng trong xã hội thị tộc chỉ biết mẹ mà không biết cha, cũng là kết quả của xã hội thị tộc mẫu hệ thực hành quần hôn ngoài tộc. Đám con trai của tộc A kết hôn với đám con gái của tộc B, tính chất quần hôn khiến đứa con sinh ra chỉ có thể biết mẹ mà không có cách nào biết được cha, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc không tồn tại một người nam nào đó là cha. Cho nên, đặc trưng trong thần thoại Totem một tộc nào đó là hậu duệ của một loại động thực vật, hoặc giả là bà tổ do vì ăn một một loại động thực vật, hoặc cảm ứng với một hiện tượng tự nhiên mà sinh con, cùng với khái niệm chỉ biết mẹ mà không biết cha được hình thành bởi sự quần hôn ngoài tộc ở xã hội mẫu hệ tiền kì là có sự khác nhau về bản chất, không thể trộn lẫn được.
          Nói sự sùng bái Totem là sản vật của sự kết hợp giữa sùng bái tự nhiên với sùng bái tổ tiên cũng không thoả đáng. Đối tượng được sùng bái trong Totem, bề ngoài đương nhiên là động thực vật hoặc vật tự nhiên khác, nhưng vấn đề cốt lõi nhất của sự sùng bái này không phải ở chỗ lực lượng siêu tự nhiên trong vật tự nhiên mà là ở chỗ tin rằng: nó là căn nguyên của sự sinh sôi phồn thực của bổn tộc. Cho nên, nó hoàn toàn không phải lấy sự sùng bái tự nhiên làm tiền đề mà nó có mối quan hệ trực tiếp với cách nhìn của con người về hiện tượng mang thai sinh sản. Sự sùng bái Totem cùng với sự sùng bái tự nhiên có khởi nguồn khác nhau, không thể không khu biệt.
          Những năm 20 - 30 của thế kỉ 20, cách giải thích sự phát sinh và phát triển của Totem từ giác độ kinh tế của một số học giả Trung Quốc và Liên Xô cũng không thoả đáng. Ví dụ như, nếu cho rằng “vật Totem trong chế độ Totem là vật đối tượng săn bắt được của những người săn bắn trong hiện thực”, một đoàn thể Totem nào đó chính là đoàn thể sinh sản của một loại động vật nào đó có được từ săn bắn (2), thế thì, hổ, gấu … những dã thú hung hãn xưa nay lại đều không trở thành nội dung kinh tế chủ yếu của một đoàn thể chuyên săn bắn; các loài chim nhỏ, chim ưng hoặc những mãnh cầm khác, cũng không trở thành nguồn chủ yếu của cuộc sống con người. Nhưng, những động vật không có giá trị kinh tế bao nhiêu với một số động thực vật được xem là nguồn thức ăn chủ yếu đã được nhiều bộ lạc có văn hoá Totem ở các nơi trên thế giới lấy làm Totem cho mình. Có thể thấy đoàn thể Totem hoàn toàn không phải là đoàn thể sinh sản từ một loại động thực vật nào đó có được khi săn bắn, nếu chỉ từ đối tượng săn bắn mà giải thích nguồn gốc của Totem là không thông.     (còn tiếp)

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Chu Thiên Thuận 朱天顺: Nguyên thuỷ tôn giáo 原始宗教, trang 57, Thượng Hải nhân dân xuất bản xã, 1978.
(2)- Sầm Gia Ngô 岑家梧: Đồ đằng nghệ thuật sử 图腾艺术史, trang 3, Học Lâm xuất bản xã, 1986.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 10/9/2013

Nguyên tác Trung văn
ĐỒ ĐẰNG ĐÍCH KHỞI NGUYÊN
图腾的起源
Trong quyển
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN MINH ĐÍCH THÁM SÁCH
中国古代文明的探索
Tác giả: Vương Chấn Trung 王震中
Vân Nam nhân dân xuất bản xã, 2005.
Previous Post Next Post