KHÁI QUÁT LỊCH SỬ ĐỜI NGUYÊN
(tiếp theo)
Đối với
lợi ích của quý tộc Mông Cổ, Hốt Tất Liệt vẫn luôn bảo hộ. Dưới sự thống trị của
ông, quý tộc Mông Cổ vẫn luôn hưởng được đặc quyền, một số chế độ của thời nước
Mông Cổ như chế độ “tứ đẳng nhân” 四等人, chế độ “đầu hạ
phân phong” 投下分封, chế độ “khiếp tiết” 怯薛
luôn được bảo tồn, và còn được tăng cường ở một số phương diện nào đó.
Chế độ
“tứ đẳng nhân” là đem cư dân trong cả nước dựa vào dân tộc, khu vực mà phân
thành 4 đẳng cấp: gồm Mông Cổ 蒙古, Sắc mục 色目, Hán nhân 汉人, Nam nhân 南人, sự đãi ngộ chính trị đối với mỗi loại có khác nhau.
Mông Cổ và Sắc mục được hưởng các loại ưu đãi; Hán nhân và Nam nhân bị kì thị, nhất là Nam nhân.
Phạm vi của người Sắc mục rất
rộng, chủ yếu có Hồi Hồi 回回 (người A Rập, người
Ba Tư, người Đột Quyết theo đạo Islam đến từ Trung Á, Tây Nam Á), Uý Ngột Nhi
(tiên dân của tộc Duy Ngô Nhĩ ngày nay), Thổ Phồn (tiên dân của tộc Tạng ngày
nay), Đảng Hạng 党项 (nguyên là hậu duệ của Tây Hạ).
Hán nhân chỉ các tộc gồm Hán
tộc, Khất Đan, Nữ Chân thuộc khu vực thống trị của triều Kim, cùng với cư dân ở
Tứ Xuyên, Vân Nam (hai vùng này quy thuộc Mông Cổ tương đối sớm).
Chế độ “đầu hạ phân phong” là nhà nước sẽ ban cho quý
tộc, công thần một số nhân khẩu của một khu vực nào đó. Những nhân khẩu được
đem tặng sẽ nộp cống thuế nhất định cho người nhận phân phong, hình thành mối
liên hệ lệ thuộc. Người nhận phân phong (tức “đầu hạ chủ” 投下主) luôn hướng đến các hộ tăng cường các loại nghĩa vụ.
“Khiếp
tiết” là hộ vệ quân của Đại Hãn do Thành Cát Tư Hãn kiến lập, chủ yếu là con em
quý tộc và tướng lĩnh, chia nhóm thay phiên nhau trực. Về sau, “khiếp tiết”
trên thực tế trở thành thị tùng bên cạnh Đại Hãn và Hoàng đế, tham dự chính vụ,
rất được sủng tín, hưởng các quyền lợi đặc thù.
Ngoài
ra, Hoàng đế có lúc còn ban thưởng hậu hĩ cho quý tộc, công thần, vượt qua năng
lực mà họ đảm nhiệm.
Thời gian
Hốt Tất Liệt tại vị rất dài (1260 – 1294). Sau khi ông mất, có miếu hiệu là Thế
Tổ 世祖. Những người kế vị tiếp theo gồm
- Thành Tông Thiết Mục Nhĩ 成宗铁穆耳 (1294 – 1307)
- Vũ Tông Hải Sơn 武宗海山 (1307 – 1311)
- Nhân Tông Ái Dục Lê Bạt Lực
Bát Đạt 仁宗爱育黎拔力八达 (1311 – 1320)
- Anh Tông Thạc Đức Bát
Thích 英宗硕德八剌 (1320 – 1323)
- Thái Định Đế Dã Tôn Thiết
Mộc Nhĩ 泰定帝也孙铁木耳 (1323 – 1327)
- Minh Tông Hoà Thế 明宗和世 (1329) (*)
- Văn Tông Đồ Thiếp Mục Nhĩ 文宗图帖睦尔 (1328 – 1331) (1).
- Ninh Tông Ý Lân Chất Ban 宁宗懿璘质班 (1332)
- Thuận Đế Thoả Hoàn Thiếp Mục
Nhĩ 顺帝妥懽帖睦尔 (1333 – 1368)
Tổng cộng 9 đời. Từ Thành Tông trở xuống, về cơ bản đều
theo các chế độ do Thế Tổ định ra. Nguyên Thành Tông tôn sùng Khổng Tử, Nguyên
Nhân Tông cử hành khoa cử, có những tiến bộ về việc thực hành “Hán pháp”. Nhưng
tập đoàn thống trị triều Nguyên không ngừng tranh đoạt vương vị, quý tộc Mông Cổ,
Sắc mục quan liêu, hoành hành bất pháp, chính trị hủ bại, hối lộ một cách công
khai, tạo nên những tệ nạn kinh tế, gánh nặng của bách tính không ngừng nặng
thêm. Thêm vào đó, nữa đầu thế kỉ 14 tai hoạ thiên nhiên liên tiếp, khiến quảng
đại quần chúng mấp mé bên lằn ranh sống chết. Thiên tai nhân hoạ, cuối cùng đã
dẫn đến cuộc chiến tranh nông dân với quy mô cả nước vào giữa thế kỉ 14. Trải
qua hơn 10 năm, Chu Nguyên Chương 朱元璋 quật khởi ở phương
Nam đã kiến lập được triều Minh, năm
1368 đánh chiếm được Đại Đô, từ đó kết thúc sự thống trị của triều Nguyên.
Bắt đầu
từ Hốt Tất Liệt mới có quốc hiệu là “Nguyên” 元,
trước đó xưng là Đại Mông Cổ Quốc. Nhưng lịch sử của Đại Mông Cổ Quốc không thể
tách rời lịch sử triều Nguyên. Lịch sử Đại Mông Cổ Quốc là một bộ phận tổ thành
không thể thiếu của lịch sử triều Nguyên. Vì vậy, niên đại của triều Nguyên nên
tính từ năm 1206 khi Thành Cát Tư Hãn kiến lập Đại Mông Cổ Quốc, đến năm 1368
khi quân Minh công chiếm thủ đô của Triều Nguyên là Đại Đô (nay là Bắc Kinh), tới
đó triều Nguyên diệt vong, tổng cộng 126 năm. Trong lịch sử Trung Quốc, thời
gian thống trị của triều Nguyên không dài, nhưng chính trị, kinh tế, văn hoá của
thời kì này đều có đặc điểm riêng. Những đặc điểm này có ảnh hưởng rất lớn đối
với phong tục lúc bấy giờ.
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Văn Tông Đồ Thiếp Mục Nhĩ và Minh Tông Hoà Thế Lạt đều là con của Vũ Tông Hải Sơn. Năm 1328,
Thái Định Đế mất ở Thượng Đô, Đồ Thiếp Mục Nhĩ tại Đại Đô tự lập làm Đế. Năm
sau, Đồ Thiếp Mục Nhĩ thoái vị, từ phương bắc đón người anh là Hoà Thế Lạt xuống
phía nam lên ngôi. Hoà Thế Lạt trên đường đến Thượng Đô bị trúng độc chết, Đồ
Thiếp Mục Nhĩ lại lên ngôi trở lại.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(*)- Ở phần chú của nguyên tác là Minh Tông Hoà Thế Lạt (chữ “Lạt” gồm bộ “ngọc” 王 với chữ “lạt” 剌).
Trong Hiện đại Hán ngữ từ điển 现代汉语词典 do Thương vụ
ấn thư quán xuất bản năm 2005 cũng ghi là “Hoà Thế Lạt”.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 12/8/2013
Nguyên tác Trung văn
NGUYÊN ĐẠI LỊCH SỬ GIẢN THUẬT
元代历史简述
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC THÔNG SỬ
NGUYÊN ĐẠI QUYỂN
中国风俗通史
元代卷
Tác giả: Trần Cao Hoa 陈高华,
Sử Vệ Dân 史卫民
Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã, 2001.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật