Dịch thuật: Truyền thuyết Bàn Cổ vùng Triết Giang Trung Quốc

TRUYỀN THUYẾT BÀN CỔ
VÙNG TRIẾT GIANG TRUNG QUỐC

          Từ thuở xa xưa lúc trời đất còn hỗn độn, chỉ có một đường tiếp giáp nhau. Không biết từ lúc nào, bên ngoài trời có một con chim lớn đỏ rực như lửa bay đến đẻ một cái trứng ngay chỗ tiếp giáp trời và đất. Qua nhiều năm, trứng đó thành tinh linh, hoài thai Bàn Cổ 盘古. Sao lại gọi là “Bàn Cổ”? Do bởi ở trong trứng, hai tay ông ta ôm lại, hai chân co lại, giống như đang cuộn mình, cho nên mới gọi là “Bàn Cổ”.
          Bàn Cổ trong trứng dần lớn lên, lớn quá chịu không nỗi nên dùng miệng dần phá vỡ vỏ trứng chui ra ngoài. Bàn Cổ có tướng mạo rất kì quái: đỉnh đầu nhô lên giống như bướu lạc đà, miệng và mũi giống như mỏ chim, trên vai còn có đôi cánh, hai tay hai chân rất dài. Vỏ trứng sau khi mổ xong bị Bàn Cổ ăn hết, Bàn Cổ gặp gió liền lớn nhanh hơn. Chân đạp đất, đầu đội trời, thế mà lưng hãy chưa thẳng được. Bàn Cổ chê chỗ tiếp giáp trời đất chật hẹp nên dùng đầu đẩy trời lên, dùng chân đạp đất xuống, hai tay đẩy hai bên. Đội một cái, trời cao thêm một trượng; đạp một cái, đất sâu thêm một trượng; đẩy một cái, hai bên rộng thêm một trượng. Bàn Cổ luôn đội trời, đạp đất, thế mà lưng vẫn còn chưa thẳng, Bàn Cổ không cam tâm, tiếp tục đội, đạp và đẩy. Cứ như thế qua một vạn tám ngàn năm, trời cực cao, đất cực sâu, trời và đất được phân khai. Nhưng Bàn Cổ đã dùng hết khí lực, chẳng bao lâu thì mất, cho nên nói Bàn Cổ sống một vạn tám ngàn năm.
          Sau khi Bàn Cổ chết, linh hồn bay lên trời biến thành thần sấm. Các bộ phận thân thể của Bàn Cổ biến thành mặt trời, mặt trăng, sao, gió mây, núi sông, ruộng đất, cỏ cây (1).

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Thiệu Hưng thị cố sự quyển 绍兴市故事卷, Trung Hoa dân gian văn nghệ xuất bản xã, 1989.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 15/8/2013

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC ĐIỂU TÍN NGƯỠNG
中国鸟信仰
Tác giả: Trần Cần Kiến 陈勤建
Học Phạm xuất bản xã, 2003.
Previous Post Next Post