Dịch thuật: Khái quát lịch sử đời Nguyên

KHÁI QUÁT LỊCH SỬ ĐỜI NGUYÊN

          Triều Nguyên là hoàng triều phong kiến do tộc Mông Cổ kiến lập. Tộc Mông Cổ là một dân tộc thiểu số ở phía bắc Trung Quốc, sống cuộc sống du mục trên thảo nguyên. Từ cuối thế kỉ 12 đến đầu thế kỉ 13, trên thảo nguyên phương bắc phân bố rất nhiều bộ lạc du mục có quy mô lớn nhỏ khác nhau, giữa các bộ lạc này luôn xảy ra chiến tranh, lớn lấn hiếp nhỏ. Thủ lĩnh bộ Mông Cổ là Thiết Mộc Chân 铁木真 tài trí hơn người, anh dũng thiện chiến, lần lượt đánh bại các đối thủ. Năm 1206, Thiết Mộc Chân kiến lập chính quyền, lấy Mông Cổ làm quốc hiệu, xưng là Đại Mông Cổ Quốc 大蒙古国, tự mình xưng hiệu là Thành Cát Tư Hãn 成吉思汗. Từ năm 1211, đối với triều Kim , Mông Cổ liên tiếp đánh bại, bức triều Kim dời đô thành Trung Đô 中都 (nay là Bắc Kinh 北京) đến Biện Kinh 汴京 (nay là Khai Phong 开封Nam 河南). Từ năm 1219, Thành Cát Tư Hãn phát động tây chinh, chiếm lĩnh một khu vực Trung Á rộng lớn. Năm 1227, khi quân Mông Cổ diệt Tây Hạ 西夏, Thành Cát Tư Hãn bị bệnh và qua đời. Con là Oa Khoát Đài 窝阔台 kế vị. Thời gian Oa Khoát Đài Hãn tại vị (1229 – 1241), Mông Cổ diệt Kim, khống chế khu vực nông nghiệp rộng lớn phương bắc, tiếp tục bắt đầu cuộc chiến tranh với Nam Tống. Mặt khác, Oa Khoát Đài phát động cuộc tây chinh lần thứ 2, quân Mông Cổ công chiếm Oát La Tư 斡罗思 (nay là nước Nga), xâm nhập Bột Liệt Nhi 孛烈儿 (Ba Lan), Mã Trát Nhi 马札儿 (Hungary), khiến cả châu Âu chấn động.
          Sau Oa Khoát Đài, người kế tục Đại Hãn của Đại Mông Cổ Quốc là Quý Do 贵由 (1246 – 1248) và Mông Ca 蒙哥 (1251 – 1259). Quý Do là con của Oa Khoát Đài, thời gian tại vị của ông rất ngắn, mất vì bệnh. Lúc này mâu thuẫn nội bộ của tập đoàn thống trị Mông Cổ đã trở nên gay gắt. Mông Ca là con của Đà Lôi 拖雷, mà Đà Lôi là con của Thành Cát Tư Hãn. Theo thông lệ, Đại Hãn Mông Cổ phải trải qua sự tuyển chọn của Hốt lí đài 忽里台 (đại hội của vương công quý tộc). Chính thê của Thành Cát Tư Hãn có 4 người con: Truật Xích 术赤, Sát Hợp Đài 察合台, Oa Khoát Đài 窝阔台, Đà Lôi 拖雷. Oa Khoát Đài kế thừa Hãn vị, 3 người con còn lại mỗi người có phân địa và thuộc dân riêng. Sau khi Quý Do mất, trong số hậu duệ của Oa Khoát Đài không có ai xuất sắc, con trưởng của Đà Lôi là Mông Ca lợi dụng Hốt lí đài để lên ngôi, do đó đã phát sinh mâu thuẫn trường kì giữa nhánh Đà Lôi với nhánh Oa Khoát Đài, nhánh Sát Hợp Đài. Sau khi Mông Ca lên ngôi, lệnh cho người anh em của mình là Hốt Tất Liệt 忽必烈 quản lí “Hán địa” 汉地 (nguyên là khu vực nông nghiệp dưới sự thống trị của triều Kim), đồng thời xuất chinh nước Đại Lí 大理 (nay ở khu vực tỉnh Vân Nam 云南); một người anh em khác là Húc Liệt Ngột 旭洌兀 xuất chinh Ba Tư. Năm 1253, Hốt Tất Liệt đánh chiếm được đô thành nước Đại Lí (nay là Đại Lí 大理 Vân Nam 云南), ban sư về bắc, xây dựng một toà thành mới tại châu Kim Liên 金莲 (nay là khu vực Chính lam kì 正蓝旗 ở Nội Mông), đặt tên là Khai Bình开平, làm vùng cơ sở để kinh doanh “Hán địa”. Năm 1257, Mông Ca cất binh đánh Tống, chia quân làm 2 lộ, tự mình thống lĩnh quân tây lộ tấn công Tứ Xuyên 四川, quân đông lộ tấn công Kinh Tương 荆襄 và lưỡng Hoài . Dưới sự thống lĩnh của Tông vương Tháp Sát Nhi 塔察儿, quân đông lộ tiến chậm, Mông Ca cải mệnh Hốt Tất Liệt tiến lên chỉ huy. Tháng 7 năm 1259, Mông Ca bị chết trong trận chiến dưới núi Điếu Ngư 钓鱼 ở Tứ Xuyên, tin tức lan ra, người em đang trấn thủ thảo nguyên phía bắc là A Lí Bất Ca 阿里不哥 tự xưng làm Hãn. Hốt Tất Liệt nghe tin vội quay về bắc, triệu tập cuộc họp Hốt lí đài tại Khai Bình, lên ngôi Hãn. Hai anh em binh nhung dàn trận mấy năm, đến năm 1264, A Lí Bất Ca đầu hàng. Tiếp sau đó, Hốt Tất Liệt bắt đầu dụng binh đối với Nam Tống. Năm Chí Nguyên 至元 thứ 10 (năm 1273), đánh chiếm Tương Phàn 襄樊, một trọng trấn quân sự giữa hai miền Giang, Hán. Năm Chí Nguyên thứ 11, quân Nguyên cử đại binh tiến xuống phương nam, thế như chẻ tre. Năm Chí Nguyên thứ 13 (năm 1279), quân Tống chiến bại tại Nhai sơn 崖山 (nay trong khu vực Hải Châu 海珠 Quảng Đông 广东) triều Nguyên thực hiện công cuộc thống nhất toàn quốc. Sau khi triều nguyên thống nhất, cương vực được mở rộng, “phía bắc vượt qua Âm sơn 阴山, phía tây đến Lưu Sa 流沙, phía đông đến tận Liêu tả 辽左, phía Nam đến Hải biểu 海表(1), đây là điều trước đây chưa từng có trong lịch sử. Sự thống nhất đất nước, khiến cho mối liên hệ giữa hai miền nam bắc, giữa khu vực biên cương với trung nguyên được tăng cường, sự giao lưu giữa các dân tộc cũng càng mật thiết hơn trước.
          Thời kì 4 vị Đại Hãn trước của Mông Cổ, “võ công điệt hưng, văn trị đa khuyết” 武功迭兴, 文治多阙 (võ công thay nhau hưng thịnh, nhưng văn trị lại có nhiều khiếm khuyết) (2). Các chế độ tương đối hỗn loạn. Trước khi Hốt Tất Liệt lên ngôi, đối với “Hán pháp” 汉法 tức phương pháp thống trị vốn có của khu vực trung nguyên đã rất hưng thịnh. Khi theo lệnh quản lí “Hán địa” của Mông Ca, Hốt Tất Liệt đã tiến hành một số “Hán pháp” tại Hà Nam và Quan Trung đạt được hiệu quả tương đối rõ nét, nhưng sau nhân vì có người phản đối nên bãi bỏ. Khi lên ngôi thống trị, ông càng ra sức “thu nạp những lời của chư Nho cố lão, khảo sát tìm tòi những điển chế của các đời trước, lập triều đình và dựng phủ quan” (3). Với sự thống nhất của cả nước, các chế độ ngày càng hoàn thiện. Tại trung ương, ông thiết lập Trung thư sảnh 中书省 phụ trách hành chính sự vụ, Xu mật viện 枢密院 quản lí quân chính, Ngự sử đài 御史台 nắm giữ giám sát; tại các địa phương thì đặt Hành sảnh 行省 được xem là cơ quan hành chính cao nhất. dưới Hành sảnh có hạt lộ 辖路, phủ , châu , huyện , chia nhau xử lí chính sự. Ngoài ra, một bộ phận khu vực trực thuộc Trung thư sảnh, gọi là “phúc lí” 腹里. Khu vực Thổ Phồn 吐蕃 mà tộc Tạng cư trú được phân làm 3 lộ Tuyên Uý 宣慰, Tư Nguyên 司元, Soái Phủ 帅府, tại trung ương thiết lập Tuyên chính viện 宣政院 để tiến hành cai quản. Quân đội cũng tiến hành điều chỉnh và cải tổ, dân quân phân trị, quân quyền tập trung vào tay Hoàng đế. Tiếp thu và thi hành những kiểu sản suất nông nghiệp phát triển, khuyến khích khẩn hoang, chăm lo thuỷ lợi. Đem việc trưng thu thuế khoá chế độ hoá lại, mô phỏng biện pháp của các triều đại trung nguyên đặt quốc hiệu và niên hiệu. Đem đô thành từ thảo nguyên dời đến khu vực nông nghiệp, phía tây bắc Trung Đô nguyên là đô thành triều Kim xây dựng một toà thành mới đặt tên là Đại Đô 大都 (tiền thân của Bắc Kinh ngày nay); đem Khai Bình đổi tên lại là Thượng Đô 上都, làm nơi tránh nóng vào mùa hạ, Hoàng đế mỗi năm đều lui tới hai nơi này, đó gọi là chế độ “lưỡng đô tuần hạnh” 两都巡幸. Đây vừa phản ánh cuộc sống du mục của tộc Mông Cổ, đồng thời cũng để thích ứng với nhu cầu quản lí bao quát thảo nguyên và khu vực nông nghiệp trong một đất nước rộng lớn. Sử dụng Nho sinh, xây trường học các cấp, bồi dưỡng nhân tài. Những điều thực thi này là “lập quốc quy mô” 立国规模 (4) của Hốt Tất Liệt, trở thành chế độ của triều Nguyên. 
                                                                                        (còn tiếp)

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- “Nguyên sử” quyển 58 “Địa lí chí nhất”. Trung Hoa thư cục điểm hiệu bản.
 “元史58 “地理志一. 中华书局点校本.
(2)- “Nguyên điển chương” quyển nhất “Chiếu lệnh nhất – Thế Tổ Hoàng Đế đăng bảo vị chiếu”. Đài Bắc Cố Cung Bác vật viện ấn ảnh nguyên san bản.
元典章卷一诏令一 - 世祖皇帝登宝位诏. 台北故宫博物院印影元刊本.
(3)- “Kinh thế đại điển tự lục – Quan chế”, “Quốc triều văn loại”. “Tứ bộ tùng san” bản 
经世大典序录”, “国朝文类”. “四部丛刊.
(4)- Hứa Hành “Lập quốc quy mô”, “Nho Trai di thư” “儒斋遗书” quyển 7, “Bắc Kinh Đồ Thư Quán cổ tịch trân bản tùng san” bản.
许衡 立国规模”, “儒斋遗书”, 7, “北京图书馆古籍珍本丛刊

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 11/8/2013

Nguyên tác Trung văn
NGUYÊN ĐẠI LỊCH SỬ GIẢN THUẬT
元代历史简述
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC THÔNG SỬ
NGUYÊN ĐẠI QUYỂN
中国风俗通史
元代卷
Tác giả: Trần Cao Hoa 陈高华, Sử Vệ Dân 史卫民
Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã, 2001.
Previous Post Next Post