Dịch thuật: Cơ Tử

CƠ TỬ

          Cơ Tử 箕子, không rõ năm sinh năm mất. Tể tướng thời Trụ vương 纣王. Một trong những hiền tướng triều Thương. Theo truyền thuyết, sau khi nhà Thương bị diệt vong, Cơ Tử dẫn một bộ phận di dân của nhà Thương vượt biển đến Triều Tiên 朝鲜. Trước tác có các thiên như: “Hồng phạm” 洪范 và “Cở Tử tháo” 箕子操, “Mạch tú” 麦秀. Mất vị bệnh, an táng trên núi Mẫu Đơn 牡丹 ngoại ô thành phố Bình Nhưỡng 平壤 của Triều Tiên.

          Cơ Tử là em của Thương vương Đế Ất 帝乙, chú của Trụ vương, nhân được phong ở đất Cơ (nay là phía đông bắc huyện Thái Cốc 太谷 tỉnh Sơn Đông 山东) nên gọi là Cơ Tử. Tài năng chính trị và học thức văn hoá của ông rất cao, tương truyền ông từng viết bộ sách Hồng phạm 洪范 (gần đây có người người cho là tác phẩm thời Chiến quốc), bộ sách ghi chép về chính trị của đời Thương cùng các chế độ điển chương về phương diện văn hoá, có triết lí rất sâu sắc. Thời Trụ vương ông giữ chức Thái sư lo việc triều chính.
          Có một lần, Trụ vương sai thợ làm ra đôi đũa bằng ngà để sủng cơ Đát Kỉ dùng. Cơ Tử than rằng:
Cuộc sống từ xa xỉ chuyển sang tiết kiệm rất khó, nhưng từ tiết kiệm chuyển sang xa xỉ lại rất dễ. Đã có đũa bằng ngà, thì sẽ muốn dùng chén bằng sừng tê, li bằng bạch ngọc, tiếp đó phải dùng sơn trân hải vị, rồi truy cầu trang phục lộng lấy, cung điện hào hoa. Đây là việc khiến mọi người lo lắng.
Về sau, cuộc sống của Trụ vương quả không ngoài những gì Cơ Tử dự liệu, ngày càng xa xỉ, đối đãi quần thần ngày càng tàn bạo, khiến triều chính hỗn loạn, tiếng oán than đầy đường. Cơ Tử lo cho sự an nguy của triều Thương, thường cùng với vương tộc Tỉ Can 比干, Vi Tử 微子 bàn luận đối sách, nhiều lần khuyên can Trụ vương, nhưng Trụ vương không nghe, chấp mê bất ngộ.
Một lần nọ, Tỉ Can khuyên Trụ vương không nên tàn sát bách tính vô tội. Trụ vương nghe qua nổi giận, bảo rằng:
Bên ngoài nói khanh là thánh nhân. Trẫm nghe nói tim của thánh nhân có 7 lỗ. Trẫm muốn xem thử tim của khanh có giống như thế không.
Bèn cho moi tim Tỉ Can, Tỉ Can chết. Cơ Tử nghe được hung tin, bi phẫn vào cung can gián, nhưng bị Trụ vương ngăn lại ngoài cung, còn ra lệnh phạt Cơ Tử làm nô lệ, bắt cầm tù. Cơ Tử vô cùng đau xót, trong tù viết khúc ca Cơ Tử tháo 箕子操, vừa đàn vừa hát, thổ lộ nỗi thống khổ và bi phẫn. Về sau, sợ bị Trụ vương giết chết, Cơ Tử bèn giả điên, đầu bù tóc rối, nói năng bậy bạ để qua mắt Trụ vương, thoát được cái hoạ diệt thân.
Sau khi Chu Vũ Vương 周武王 diệt nhà Thương, nghe biết Cơ Tử là vị hiền sĩ, liền phái Thiệu Công 召公 phóng thích ông, Vũ vương đích thân đến cửa hướng đến Cơ Tử xin thỉnh giáo cách trị nước. Cơ Tử trình bày tỉ mỉ về đạo lí trong thiên Hồng phạm, khiến Vũ Vương vô cùng kính phục, mời ông ra làm quan phục vụ cho nhà Chu.Vì triều Thương nước mất vua chết, Cơ Tử đã cự tuyệt ra làm quan cho nhà Chu.
Chẳng bao lâu, Cơ Tử dẫn một bộ phận di dân của triều Thương vượt biển đi về phía đông. Truyền thuyết kể rằng ông đã đến một bán đảo phì nhiêu, dựng nhà lập nghiệp, còn dạy cho dân nơi đó cách cày cấy dệt vải, dựng nhà, chế tạo y phục, làm đồ gốm, đào giếng lấy nước, lại còn đặt ra pháp luật và chế độ đơn giản. Vùng đất đó theo truyền thuyết chính là bán đảo Triều Tiên, bờ sông mà Cơ Tử đến gọi là sông Hán .
Vũ Vương sau khi nghe được tin tức liền phái sứ giả đến Triều Tiên sách phong cho Cơ Tử. Để giữ mối liên hệ với tổ quốc, Cơ Tử nhận sách phong, đồng thời hai năm sau trở về tổ quốc triều kiến thiên tử nhà Chu. Khi đi ngang qua kinh đô cũ Triều Ca 朝歌 của nhà Thương (nay là trấn Triều Ca 朝歌 phía bắc huyện Cấp tỉnh Hà Nam 河南), thấy cung điện ngày trước biến thành ruộng đồng xanh mướt, hồi tưởng sự hưng vong của triều Thương, trong phút chốc cảm thấy đau lòng, liền ngâm bài thơ có tên là Mạch tú 麦秀:
Mạch tú tiệm tiệm hề,
Hoà thử du du.
Bỉ giảo đồng hề,
Bất dữ ngã hảo hề!
麦秀渐渐兮
禾黍油油
彼狡童兮
不与我好兮
          Ý nói tên “giảo đồng” 狡童 (thằng nhỏ giảo hoạt) là Trụ vương kia không chịu nghe lời khuyên can, khiến cho cung điện biến thành ruộng lúa mạch.
          Sau khi triều kiến Chu Vũ Vương về lại Triều Tiên, ông càng siêng năng chính sự và yêu mến nhân dân.
          Về sau Cơ Tử mất ở Triều Tiên, đến nay trên núi Mẫu Đơn 牡丹 ngoại ô thành phố Bình Nhưỡng 平壤 vẫn còn ngôi mộ của Cơ Tử, truyền thuyết nói rằng đây chính là nơi an táng Cơ Tử sau khi ông qua đời, và đã trở thành đại cổ tích của Triều Tiên.
         Tại Triều Tiên cũng có truyền thuyết liên quan đến Cơ Tử, điều này phản ánh vào thời viễn cổ, tiên dân hai nước Trung Triều đã có sự qua lại với nhau.
  
                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 1/8/2013

Nguyên tác Trung văn
CƠ TỬ
箕子
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post