Dịch thuật: Chu Công (tiếp theo)

CHU CÔNG
(tiếp theo)

          Chu Công lại thực hành phong bang kiến quốc, đem các thành viên của vương thất cùng các đại thần có công phong các nơi, kiến lập thành các nước chư hầu, mục đích là để làm phên giậu cho nhà Chu. Trước sau phân phong được 71 nước, bao gồm 55 nước thuộc vương thất cùng tính (trong đó có 15 anh em), 16 nước khác tính. Bản thân Chu Công được phong tại Lỗ (nay thuộc khu vực Sơn Đông). Do bởi Chu Công nhậm chức Thái sư, phải phụ tá Thành Vương, không thể rời xa nên để cho người con là Bá Cầm 伯禽 thay ông đến nơi đó. Khi Bá Cầm lên đường, Chu Công dặn rằng:
          Ta là con của Văn Vương, em Vũ Vương, cũng là thúc phụ của đương kim thiên tử, địa vị không là thấp. Nhưng ta vẫn thường một lần tắm ba lần vấn tóc, một lần ăn ba lần nhả ra để đón tiếp người hiền. Mặc dù như thế ta vẫn sợ mất người hiền trong thiên hạ. Con đến nước Lỗ, nhất định phải khiêm tốn cẩn thận!
          Bá Cầm từ nhỏ đã được Chu Công giáo dục rất nghiêm khắc, được học bên cạnh Thành Vương, mỗi khi Thành Vương bướng bỉnh càn quấy, Chu Công thân là nhiếp chính liền trách đánh Bá Cầm để dạy Thành Vương. Bá Cầm cũng rất nghe lời Chu Công, đến nước Lỗ, quả nhiên không kiêu căng không hấp tấp, luôn chăm lo chính sự.
          Chu Công tiến hành chế độ tỉnh điền ở các nước chư hầu, thống nhất quy hoạch đất đai, củng cố và tăng cường cơ sở kinh tế của Tây Chu.
          Chu Công còn đề xướng kiến lập chế độ lễ trị, lấy “lễ kinh quốc gia, định xã tắc” 礼经国家, 定社稷, tức lấy lễ trị nước. Quy định Chu thiên tử là cộng chủ của chính trị thiên hạ, nắm giữ quân đội và chính quyền của cả nước. Chư hầu chỉ là thần thuộc của thiên tử, chư hầu và thần dân phải tuyệt đối phục tùng thiên tử, chư hầu phải định kì triều cống thiên tử, cung cấp thế khoá quân đội và nguồn lao động. “Lễ” lại phân chia mọi người thành các đẳng cấp, “để phân biệt tôn ti, làm rõ sang hèn” nhằm bảo vệ trật tự thống trị. Nếu ai vi phạm, có những hành động vượt lễ phải chịu sự trừng phạt của thiên tử. Chế độ lễ trị trở thành tư tưởng thống trị của vương triều Chu, có ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội cổ đại Trung Quốc.
          Những biện pháp của Chu Công, từ chính trị, tư tưởng, kinh tế đã củng cố vương triều Tây Chu, tạo điều kiện phát triển cho kinh tế, văn hoá thời Tây Chu, khiến Tây Chu trở thành thời kì đỉnh thịnh của xã hội nô lệ và là một đại quốc nổi tiếng khắp nơi, được nhiều bang quốc kính phục. Theo truyền thuyết, ngay cả họ Việt Thường 越裳 ở nơi xa nghe tiếng cũng đến triều cống, dâng bạch trĩ. Chu Công nhiệt tình tiếp đãi, đem bạch trĩ  dâng lên tông miếu, và tặng lại 5 cỗ xe ngựa.
          Do bởi công lao to lớn và khí tiết cao nhã, Chu Công đã được mọi người xưng tụng, trong lịch sử đã xem Chu Công như thánh nhân xếp cùng với Nghiêu , Thuấn , Vũ , Thang , Văn , Vũ , Khổng , Mạnh .
          Thời kì cuối của Thành Vương nắm chính quyền, Chu Công tại huyện 
Phong ( nay thuộc huyện Hộ tỉnh Thiểm Tây 陕西, thời Văn vương là đô thành) bị bệnh nặng. Trước khi mất, Chu Công dặn rằng:
          Nhất định phải chôn ta tại Thành Chu, để bày tỏ lòng ta không dám xa rời Thành Vương.
          Sau khi Chu Công mất, Thành Vương rất đau buồn. Do vì Chu Công là thúc phụ, lại có công với thiên hạ, nên Thành Vương không dám gọi Chu Công là bề tôi, và đã an táng Chu Công gần với Văn Vương, đặt tên thuỵ là “Văn” , dùng nghi lễ thiên tử tế Chu Công nơi Thái miếu, đặc biệt cho phép Lỗ Công nối đời dùng lễ thiên tử để tế Chu Công.
         Bắt đầu từ thời Xuân Thu Chiến quốc, có người đã đề xuất những đánh giá khác về Chu Công, họ cho rằng Chu Công muốn soán đoạt ngôi vị nên đã đem Quản Thúc là người đúng ra sẽ kế vị ngôi vị theo chế độ “huynh chung đệ cập” 兄终弟及 (anh mất sẽ đến lượt em) điều ra khỏi Hạo kinh 镐京, sau đó đoạt lấy ngôi vị của Thành Vương, đội miện thiên tử, quay mặt về nam. Về sau nhân gặp phải sự hoài nghi của Thiệu Công, Thành Vương, cùng sự bất mãn của Quản Thúc, Thái Thúc, Hoắc Thúc, thiên hạ lại liên tục phản đối nên Chu Công một mặt ra sức giải thích với Thành Vương, Thiệu Công, mặt khác xuất binh dẹp các cuộc phản kháng, xử tử Quản Thúc, sau đó để tỏ rõ sự “thanh bạch” mới trả chính quyền về cho Thành Vương. Chu Công lại lôi kéo Thiệu Công cùng phân chia đại quyền, mỗi người cai quản hai phía đông tây, lại đem con thứ của mình cho ở lại triều đình để tiện nối đời cùng nắm giữ chính sự. Như vậy, sau khi soán ngôi bất thành, thế đang xuống dốc phải nhường lại ngôi vị, Chu Công đã dùng một hình thức khác vừa đoạt lấy quyền lợi to lớn vừa có được mĩ danh. Sự nhiếp chính của Chu Công là việc làm vì toàn đại cục hay là sự bộc lộ dã tâm soán ngôi đến nay vẫn còn là một bí ẩn trong lịch sử.
Những ngôn luận của Chu Công được chép ở các thiên Đại cáo 大诰, Đa sĩ 多士, Vô dật 无逸, Lập chính 立政  trong Thượng thư 尚书.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 27/8/2013

Nguyên tác Trung văn
CHU CÔNG
周公
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post