Dịch thuật: Truyền thuyết Thiết Quải Lí

TRUYỀN THUYẾT THIẾT QUẢI LÍ

          Thiết Quải Lí 铁拐李 dân gian gọi là “Lí Thiết Quải” 李铁拐. Thiết Quải Lí mặt đầy râu, một chân bị què, chống cây gậy sắt nặng, đó là hình tượng của người ăn xin.
          Truyền thuyết kể rằng, Thiết Quải Lí vốn họ Lí tên Huyền , có thuyết nói là họ Lí tên Hồng Thuỷ 洪水, người Thiểm Tây 陕西, do bởi chống cây gậy sắt nên tục gọi là Lí Thiết Quải. Cũng theo truyền thuyết, ông vốn là một vị đạo sĩ tướng mạo đường hoàng, thân thể khôi ngô, từng gặp được Thái Thượng Lão Quân rồi đắc đạo. Cũng có thuyết cho rằng, sau khi Thiết Quải Lí tu luyện đắc đạo, một ngày nọ bỗng cao hứng để cho linh hồn xuất khiếu đi tìm Thái Thượng Lão Quân đánh cờ, chỉ lưu lại thân xác trong sơn động. Chẳng may một con mãnh hổ trán trắng chộp lấy thân thể của Lí Huyền làm bữa điểm tâm. Khi linh hồn của Lí Huyền trở về, tìm không thấy “gia  môn” 家门, không biết làm sao, đành phải bay trên không trung, bỗng thấy dưới chân núi có một cái xác của một người ăn mày què chân, bèn mượn xác hoàn hồn, thành ra có bộ dạng như thế. Cũng có truyền thuyết khi Lí Huyền đắc đạo, thần hồn thường bay đi học đạo, nghe Thái Thượng Lão Quân đến Hoá sơn 华山, liền để hồn bay đến cầu học, trước khi đi dặn đệ tử rằng: “Nếu hồn đi 7 ngày mà không về thì hoá xác”. Sau khi hồn Lí Huyền bay đi, đệ tử giữ xác, đến trưa ngày thứ 7, thấy hồn của thầy chưa về nhập xác, để cấp báo bệnh tình nguy kịch của bà mẹ thầy, đệ tử không dám chậm trễ, liền thiêu xác của thầy để thầy về nhà lo việc hiếu. Khi hồn Lí Huyền quay về, không thấy xác đâu, vì không có chỗ nhập vào, hồn đành phải bay vào rừng. Bỗng thấy trong rừng có xác một người ăn mày bị chết đói bèn nhập hồn vào và hoàn dương. Từ đó thân xác thay đổi, đầu bù tóc rối, râu rậm mắt to, chống gậy đi khập khiểng, hình dạng vô cùng xấu xí. Đương lúc gặp nạn như thế, Lão Quân điểm đạo không cốt ở ngoại hình, mà chỉ cần tâm chân tính thiện thì có thể trở thành tiên, vì thế, đã ban cho ông một cây gậy sắt, một cái vòng kim cô. Từ đó Lí Thiết Quải ngày càng nổi tiếng, chuyên trị bệnh cứu người.
          Trong dân gian còn có một truyền thuyết khác, cho Lí Huyền là vị thần thượng cổ, từng cai trị nhân thế 300 năm. Về sau đổi tên là Lí Ngưng Dương 李凝阳, tu đạo ở động Đãng Sơn 砀山, muốn cùng Lão Tử xuất hồn đi chơi ở Hoá sơn 华山, vì thế xảy ra câu chuyện mượn thây hoàn hồn. Sau khi nhập vào xác chết đói, uống vào một viên linh đơn, từ trong hồ lô phát ra vầng kim quang, chiếu rọi thân thể mới phát hiện ra tướng mạo xấu xí, Lão Tử ban cho một vòng kim cô, một cây gậy sắt. Trên lưng Thiết Quải Lí thường vác chiếc hồ lô lớn, tương truyền đựng một số linh đơn trị được bách bệnh, nhưng lại không trị khỏi cái chân của mình. Những truyền thuyết này có nguồn gốc từ Lịch đại thần tiên thông giám 历代神仙通鉴 do Từ Đạo 徐道 đời Minh biên soạn, Bát tiên xuất xử đông du kí 八仙出处东游记 do Ngô Nguyên Thái 吴元泰 đời Minh biên soạn.
          Trong Bát tiên toàn truyện 八仙全传 của Vô Cấu Đạo Nhân 无垢道人 đời Thanh, khi viết về việc Lí Huyền mượn thây hoàn hoàn đã miêu tả như sau:
          Lí Huyền vội đến dưới gốc cây nhắm mắt một lát, hoá ra là xác một người ăn mày vừa đen vừa xấu, một chân dài một chân ngắn. Lí Huyền bất giác rùng mình khom người xuống lấy tay ấn thử, xác lạnh như băng, rõ ràng là đã chết từ rất lâu. Lí Huyền thấy thế thân của mình vừa dơ vừa xấu như thế, trong lòng không vui. Văn Thuỷ 文始 từ phía sau chạy đến, thấy Lí Huyền đang ngơ ngác liền cười nói rằng:
Thân là thần tiên còn băn khoăn về tướng mạo sao?
 Lí Huyền trầm ngâm rồi đáp:
Thần tiên lấy đạo pháp làm tông, rong chơi bên ngoài trời đất, đương nhiên không cần diện mạo thanh tú. Nhưng giống như cái xác xấu xí này, một mai công hạnh có được, không thể không theo các sư huynh gặp kim tiên của chư thiên, tam giới chân thần, ai nấy đều xinh đẹp, chỉ riêng tiểu đệ tướng mạo như vầy, đừng nói mọi người chê tiểu đệ bẩn thỉu, ngay cả tiểu đệ cũng tự xấu hổ với chính mình. Sư huynh! Có thể nghĩ cách rời bỏ xác này, cho tiểu đệ một xác người thanh tuấn để thế thân, không biết có được hay không?
 Văn Thuỷ cười lớn và nói rằng:
Sư đệ, không phải tôi nói đệ không biết chuyện. Đệ cũng là người tu hành đắc đạo, nhưng nói những lời không giống với người đắc đạo. Đệ biết rằng điều quan trọng nhất của tiên gia là chữ “duyên”. Duyên đã kết thì không ai có thể tách ra được. Như hôm nay, tôi và đệ, vì có duyên mới có thể gặp nhau. Nếu không như thế, dù đệ có mời tôi cũng không thể mời được …
Lí Huyền nghe xong, hướng đến Văn Thuỷ cúi chào cảm tạ rồi đi, hồn nhập vào thây, thây đứng dậy, tay cầm cây gậy mà Văn Thuỷ tặng cho, khéo xứng với chân dài chân ngắn. ….. Nhìn khắp thân mình lượt nữa, thấy đen như thiếc, cả người không thấy một chút trắng. Lí Huyền tự mình bật cười nói rằng:
          Xác người ăn mày vốn là hắc chủng, ta nay là hắc nhân, phải đặt một biệt hiệu phụ vào với họ gọi là Thiết Quải Lí.
          Lại xem qua cây gậy gỗ đào mà Văn Thuỷ tặng, thấy sắc vàng tươi như gậy mới, liền cười nói:
          Thân đen thui mà gậy lại láng bóng xinh đẹp.
          Vì thế Lí Huyền há miệng thổi vào một làn hơi, cây gậy biến thành đen giống với màu da của ông. Lúc này ông mới gật đầu nói rằng:
          Bộ dạng này mới hợp với 2 chữ “thiết quải”, danh xứng với thực.
          Và Lí Huyền nhanh chóng xuống vùng Thái An 泰安.
          Thiết Quải Lí tuy bộ dạng gầy gò tàn tật, nhưng hình tượng của ông đã gợi mở cho mọi người rất nhiều, điều mà gọi là:
Đắc đạo chi nhân, bất khả câu nệ vu ngoại tượng
得道之人, 不可拘泥于外象
(Người đắc đạo không thể câu nệ vào hình dáng bên ngoài)
          Lại có một thuyết khác cho Thiết Quải Lí là người đời Tuỳ, tên là Hồng , thường hành khất ở chợ, mọi người đều chê. Sau ông lấy cây gậy quăng lên không trung, gậy hoá thành con rồng, và ông cưỡi rồng đi mất.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 18/7/2013

Nguyên tác Trung văn
THIẾT QUẢI LÍ ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT
铁拐李的传说
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI BÁT TIÊN TẠO HÌNH NGHỆ THUẬT
中国历代八仙造型艺术
Biên soạn: Trịnh Quân 郑军, Lưu Đông Vân 刘冬云
Nhân dân mĩ thuật xuất bản xã, 2007.
Previous Post Next Post