TRUYỀN THUYẾT HOA ĐỖ QUYÊN
(Kì 2)
Trung Quốc là nước trồng hoa Đỗ Quyên sớm nhất trên thế giới, có thể
truy lên đến tận thời Đường. Lúc bấy giờ hoa Đỗ Quyên được gọi là “Sơn Thạch Lựu”
山石榴, “Ánh Sơn Hồng” 映山红,
“Hồng Trịch Trục” 红踯躅… Hoa Đỗ Quyên cùng với Báo Xuân hoa 报春花, Long Đảm hoa 龙胆花
hợp xưng là “Trung Quốc tam đại danh hoa”, trong đó Đỗ Quyên xếp vị thứ đầu.
Tại
Trung Quốc có nhiều truyền thuyết liên quan đến hoa Đỗ Quyên, lại thêm qua nhiều
đời, các văn nhân mặc khách làm thơ ca ngợi, càng làm cho hoa Đỗ Quyên phủ thêm
sắc màu kỳ ảo. Bạch Cư Dị 白居易 đã viết:
Hồi khan Đào Lý đô vô sắc,
Ánh đắc Phù Dung bất thị hoa. (1)
回看桃李都无色
映得芙蓉不是花
(Nhìn lại, thấy hoa Đào hoa Lý dường như không có sắc,
Đỗ Quyên đẹp đến nỗi thấy Phù Dung không còn là hoa)
Đây là những câu thơ ca ngợi cao độ hoa Đỗ Quyên.
Vậy thì
tên gọi Đỗ Quyên từ đâu mà có?
Truyền
thuyết kể rằng: Ngày xưa tại núi Hoàng Hạc 黄鹤
phía nam thành phố Trấn Giang 镇江 thuộc tỉnh Giang Tô 江苏hiện nay có một ngôi làng, trước làng có một dòng sông
xinh đẹp chảy thông đến Trường Giang. Dân trong làng sống bằng nghề làm ruộng
và săn bắn.
Có hai
gia đình sống ở ven sông. Phía bên Đông là một chàng trai trẻ tên Lưu Hộc 刘鹄, mỗi lần ra khỏi nhà đều mang theo một vật vô cùng đặc
biệt, đó là ống tiêu. Khi thổi lên, thu hút không biết bao nhiêu loài chim đủ
màu xinh đẹp bay đến lượn vòng. Lưu Hộc thường bắt sâu cho lũ chim ăn; lũ chim
cũng thường ngậm đến cho chàng những kỳ hoa dị thảo, chim và Lưu Hộc trở thành
bạn thân. Những kỳ hoa dị thảo đều là những loại thảo dược quý giá, Lưu Hộc
dùng làm thuốc để trị bệnh cho những người nghèo khổ trong làng.
Phía
bên Tây là hai mẹ con họ Vương sống nương tựa vào nhau, người mẹ đôi mắt bị mù,
phải nhờ người con gái kéo sợi dệt vải bán kiếm tiền sống qua ngày. Cô gái tên
Quyên Tử 鹃子 rất thông minh lanh lợi lại thêm xinh đẹp, đặc biệt rất
khéo tay, vải dệt ra vừa đẹp vừa bền. Quyên Tử tâm tính hiền lành, thường giúp
đỡ những người nghèo hơn mình, nàng lại hát hay, tiếng hát uyển chuyển như tiếng
hót của chim Bách Linh; chỉ cần cất lên tiếng hát, hoa Đỗ Quyên ở núi Hoàng Hạc
đều đua nở, từng đoá từng đoá xinh tươi rực rỡ. Lưu Hộc và Quyên Tử cùng ở ven
sông, cùng uống chung dòng nước, hai người thanh mai trúc mã, tâm đầu ý hợp; họ
thường một người thổi tiêu một người ca hát, khiến trăm loài chim bay lượn,
trăm hoa đua nở.
Vua nghe được Quyên Tử hát hay, dệt giỏi, lại
xinh đẹp, liền ra một đạo thánh chỉ đòi Quyên Tử tiến cung, sai quan huyện dẫn
một đội nha dịch đến núi Hoàng Hạc. Khi đến nơi, khắp chốn chim hót hoa thơm,
thì ra Lưu Hộc và Quyên Tử đang thổi tiêu ca hát. Quan huyện nói rõ lý do,
Quyên Tử không bằng lòng, bọn nha dịch liền xông đến; Lưu Hộc vội chạy đến bảo
vệ Quyên Tử. Lúc bấy giờ, một số tên nha dịch, kẻ nắm tay, kẻ nắm chân giữ chặt
Lưu Hộc, Lưu Hộc không thể làm gì được. Đáng thương cho Quyên Tử yếu đuối bị những
tên nha dịch hung bạo bắt đi, Quyên Tử vừa đi vừa gào lên kêu cứu. Lưu Hộc lòng
như lửa đốt, nhưng cũng chỉ biết đứng nhìn.
Từ khi
Quyên Tử bị bắt đi, Lưu Hộc ngày nhớ đêm mong; mẹ Quyên Tử ngày than đêm khóc,
đôi măt càng thêm đau nặng. Lưu Hộc nghĩ rằng dù có phải nhảy vào dầu sôi lửa bỏng
cũng quyết phải cứu được Quyên Tử. Vì thế, sau khi sắp đặt đâu đó cho mẹ Quyên
Tử, một buổi sáng sớm nọ, Lưu Hộc lên đường mang theo cây tiêu yêu quý, trèo
qua 81 ngọn núi, vượt qua 81 dòng sông, băng qua 81 khúc quanh, cuối cùng đến
được hoàng thành.
Nói về
Quyên Tử, sau khi bị bắt đến hoàng cung, vua vô cùng càn rỡ; nên Quyên Tử rất
căm hận, dù vua nói như thế nào nàng
cũng không nghe. Chính vua đã sai người xông vào nhà, chính vua đã chia rẽ nàng
với Lưu Hộc, nghĩ đến đó Quyên Tử lửa giận bốc lên liền cầm chiếc ghế con đập
vào đầu tên vua vô lại. Do không đề phòng, bị đập đến đổ máu, vua ôm đầu bỏ chạy.
Quyên Tử từ đó bỏ ăn bỏ uống, ngày càng gầy ốm chẳng ra hình dạng, dung nhan tiều
tuỵ. Vua lúc bấy giờ chẳng hề đoái hoài, bỏ mặc Quyên Tử.
Lưu Hộc
đến trước hoàng thành, không biết Quyên Tử ở đâu, càng không biết nàng sắp chết;
khắp nơi chỉ thấy bọn vệ sĩ, chỉ thấy tường cao, không có chút cơ hội nào để
tìm. Đang lúc âu lo, đột nhiên tay Lưu Hộc đụng phải chiếc tiêu, Lưu Hộc bèn
nghĩ ra một cách, vội làm cánh diều, gắn
vào chiếc tiêu và thả lên không trung. Diều theo gió bay lên, càng bay càng
cao, bay đến hoàng cung, tiếng tiêu vang đến chỗ Quyên Tử. Quyên Tử đang lúc
hôn trầm vừa nghe được tiếng tiêu quen thuộc liền biết Lưu Hộc đến tìm, nàng liền
gượng ngồi dậy, hát lên khúc hát ở quê nhà, khúc hát mà Lưu Hộc thường nghe.
Nghe được tiếng hát u buồn, Lưu Hộc vừa vui vừa buồn; vui vì biết Quyên Tử đã
biết mình đến tìm; buồn vì Quyên Tử còn bị tường cao ngăn cách, không biết cách
nào để cứu; lòng chàng đau như dao cắt.
Lưu Hộc
dựa vào tường than khóc, chẳng thiết gì ăn uống, ngây dại nhìn trời cao, ngày
càng kiệt sức, cuối cùng hoá thành một con chim xinh xắn . Chim giương cánh vượt
qua tường cao, bay đến chỗ Quyên Tử cất tiếng kêu. Quyên Tử vươn tay đón lấy vuốt
ve và nói rằng: “Chim ơi, chim có thể mang ta ra khỏi chốn này”, nói xong liền
thổ huyết. Huyết thổ ra biến thành những đoá hoa xinh đẹp, Quyên Tử cũng hoá
thành cây Đỗ Quyên, chim ngậm hoa bay ra khỏi hoàng cung, đến núi Hoàng Hạc nhả
trước nhà Quyên Tử. Từ đó về sau, nơi đó mọc lên một loài hoa xinh đẹp. Nhưng
cây xinh đẹp nhất là cây do Quyên Tử hoá thành, hoa cây này năm cánh, giữa hoa
điểm những hạt châu xanh gọi là “ngũ bảo lục châu” 五宝绿珠,
đó là loại quý nhất trong loài hoa Đỗ Quyên.
Nhiều
năm sau, nơi đây xây lên một ngôi miếu gọi là Hạc Lâm tự 鹤林寺, trong miếu có một toà đài vô cùng xinh đẹp gọi là Đỗ
Quyên đài, trên đài trồng rất nhiều hoa Đỗ Quyên, cây “ngũ bảo lục châu” cũng
được dời lên trồng trên đó, trong đám hoa, hoa ngũ bảo lục châu càng nổi bật,
xinh tươi kiều diễm. Mỗi lúc sáng sớm hoặc hoàng hôn luôn có một đàn chim bay
lượn trên đài hoa, trong đó có một chú chim chỉ quẩn quanh bên cây “ngũ bảo lục
châu”, và tiếng kêu của nó nghe u buồn giống như tiếng tiêu vang vọng, mọi người
cho đó là Lưu Hộc hoá thành.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Theo http://www.xysa.com/quantangshi/t-440.htm,
đây là hai câu 5-6 trong bài Sơn Tỳ Bà 山枇杷 được chép trong Toàn Đường thi quyển 440, bài số 43.
Toàn bài có 8 câu.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 04/7/2013
Trích dịch từ nguyên tác Trung văn
ĐỖ QUYÊN HOA
杜鹃花
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật