Dịch thuật: Quan chế cổ đại

QUAN CHẾ CỔ ĐẠI

          Sự thống trị của bất cứ nhà nước nào cũng đều do quan viên các cấp trong cơ cấu nhà nước đảm nhiệm chức trách. Quan chế là chế độ nhà nước quan trọng đầu tiên. Từ vương triều Hạ đã có cơ cấu nhà nước các cấp, dưới quốc vương đặt ra bách quan (1), có quân đội (do lục khanh nắm giữ), giám ngục (gọi là “viên thổ” 圜土), trưng thu thuế khoá, hình luật … Nhưng, do thiếu tư liệu ghi chép nên không thể biết được tình hình quan chế lúc đó. Đến đời Thương, quan chức của nhà nước đã có chế độ nhất định, gọi là chế độ “nội ngoại phục” 内外服. Bên cạnh quốc vương có phụ thần gọi là “Doãn” hoặc là “Bảo” , còn có “Trủng tể” 冢宰. Quyền lực của 2 người này cũng tương tự như “Tể tướng” sau này. Quan chức dưới phụ thần chia ra làm 2 loại: “nội phục” 内服 và “ngoại phục” 外服. Trong Thượng thư – Tửu cáo 尚书 - 酒诰 có ghi:
     Việt tại ngoại phục, Hầu Điện Nam Vệ Bang Bá; việt tại nội phục, bách liêu thứ doãn, duy á duy phục tông công, việt bách tính lí cư.
          越在外服, 侯甸男卫邦伯; 越在内服, 百僚庶尹, 惟亚惟服宗工, 越百姓里居.
          (Các chư hầu Hầu Điện Nam Vệ Bang Bá ở bên ngoài, quan viên các cấp ở trong triều cùng tôn thất quý tộc cho đến các quan nghỉ hưu tại nhà)
          Từ đó có thể thấy, nội phục là bách quan của nội bộ triều đình, còn ngoại phục chỉ các quan viên của các nước chư hầu. Quan chức đời Thương lại có thể phân làm 5 loại: quan viên hành chính, quan viên mang tính chất sự vụ, quan viên mang tính chất quân sự, quan viên sự vụ tôn giáo và các quan chức trong cung đình. Với quan chức ngoại phục chỉ chư hầu do nhà Thương phân phong, trong nội bộ chư hầu lại đặt ra các quan chức dưới vua chư hầu. Do bởi triều Chu kế thừa chế độ triều Thương, lại thực hành phân phong đại quy mô, cho nên quan chế của vương triều Chu có quan hệ mật thiết chế độ triều Thương, nhưng chức trách hoàn bị và rõ ràng hơn. Phụ thần của Chu vương từ 1, 2 người của thời Hạ thời Thương đã tăng lên thành 3 người, tức Thái sư 太师, Thái phó 太傅, Thái bảo 太保, gọi chung là “Sư Bảo” 师保, cũng còn gọi là “Tam công” 三公. 3 vị phụ thần này có địa vị hiển hách trong hệ thống chính trị của vương triều. Trong kết cấu chính quyền triều Chu còn có 1 vị chủ quan giúp quốc vương nắm giữ toàn bộ chính vụ, đó chính là “Thái tể” 太宰 tương tự với “Trủng tể” 冢宰 của triều Thương. Như Chu Công Đán 周公旦 thời Thành Vương 成王 vừa là Thái sư lại kiêm luôn Thái tể, chức quyền là “giúp vương thất, để cai trị thiên hạ”. Chức “Thái tể” này còn được gọi là “Đại trủng tể” 大冢宰, cũng chính là “Thiên quan Đại trủng tể” 天官大冢宰 trong Chu lễ 周礼. “Tể tướng” trong các vương triều đời sau diễn biến từ đây mà ra. Dưới Thái tể có bách quan mỗi người nắm giữ chức trách của mình, trong số đó chức quan trọng yếu có Tư đồ 司徒, Tư mã 司马, Tư khấu 司寇, Tư không 司空. Những chức quan này cũng là theo triều trước. Những bộ phận trọng yếu đều có quan chức chia nhau nắm giữ, bên  dưới có sự phân công tỉ mỉ, khiến chức năng của cơ cấu nhà nước phát huy tác dụng. Do bởi cách thiết lập những chức quan này khi thực hành có hiệu quả nên các đời sau mô phỏng theo.
          Sau khi Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 thống nhất 6 nước, lấy Hàm Dương 咸阳 làm kinh đô, đã kiến lập một nhà nước Trung Quốc thống nhất đa dân tộc trung ương tập quyền. Triều Hán theo chế độ triều Tần kiến lập một đế quốc phong kiến trung ương tập quyền theo chế độ quận huyện tương đối ổn định. Hai vương triều Tần Hán là cơ sở của văn hoá trung nguyên, chế độ điển chương của hai vương triều này đa phần bắt nguồn từ thời Tam đại, nhưng phát triển hơn, dần đi đến chỗ hoàn thiện. Như trong quan chế trung ương đời Hán, vẫn lập Thái sư, Thái phó, Thái bảo, nhưng đã thay đổi chỉ trở thành hàm vinh dự, không thực chức, “Tam công” biến thành Tư đồ (Thừa tướng 丞相), Tư không, Thái uý (Tư mã 司马)  có quyền hành chính. Danh xưng của tam công cũng nhiều lần thay đổi, nhưng chức quyền thì gần như nhau. Trong chức quan trung ương thời Tần Hán, ngoài Tam công ra còn có Cửu khanh 九卿, nhiều hơn so với thời Tam đại là Lục khanh, trên thực tế chức quyền của Cửu khanh là sự tái phân phối chức quyền của Lục khanh. Do bởi có Thừa tướng (Tư đồ) nắm giữ toàn bộ chính vụ triều đình, Thái uý (Tư mã) nắm giữ quân sự, Ngự sử đại phu (Tư không) nắm giữ giám ngục, hình thành nên tam đại chức quyền phân lập: hành chính, quân sự, giám sát. Cửu Khanh đa phần là chức quan quản lí sự vụ cụ thể, trong đó tương đối quan trọng là Phụng thường 奉常 (nắm giữ việc tế tự, lễ nghi), Đình uý 廷尉 (nắm giữ hình phạt), Trị túc nội sử 治粟内史 (nắm giữ tài chính), Thiếu phủ 少府 (nắm giữ thuế khoá), Điển khách 典客 (giữ việc đối ngoại và các dân tộc thiểu số); còn Lang trung lệnh 郎中令, Vệ uý 卫尉, Thái bộc 太仆, Tông chính 宗正 … đều là sự vụ quan phục vụ trong cung đình và hoàng tộc. Các loại chức quan này có sự thay đổi và tăng giảm. Bắt đầu từ đời Hán, còn thiết lập một số chức quan không chuyên chức, chỉ tuỳ thời phục vụ theo sự sai bảo của Hoàng đế hoặc tư vấn cho Hoàng đế, tham dự nghị bàn chính sự, như Thái trung đại phu 太中大夫, Quang lộc đại phu 光禄大夫, Gián đại phu 谏大夫 và Lang quan 郎官. Theo sự mở rộng bản đồ đất nước nội ngoại sự vụ tăng nhiều, tất yếu phải tăng thêm một số Thị tùng 侍从, Cố vấn 顾问, đặc biệt là thiết lập Gián đại phu 谏大夫, rất có ý nghĩa đối với quyết sách hợp lí của Hoàng đế. Một số quyết sách không thoả đáng của Hoàng đế, đề xuất “gián” , để minh quân “kiêm thính tắc minh” 兼听则明 (1). Đời sau đa phần cũng thiết lập “Gián quan”, có thể thấy tác dụng của “Gián quan” không thể xem nhẹ. Đương nhiên, cũng có một số Hoàng đế hôn dung vô năng không chịu nghe theo, lúc bấy giờ Gián đại phu chỉ là hư vị.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- KIÊM THÍNH TẮC MINH兼听则明: Trong Tư trị thông giám – Đường Thái Tông Trinh Quan nhị niên 资治通鉴 - 唐太宗贞观二年 có chép:
          Đường Thái Tông 唐太宗 hỏi Nguỵ Trưng 魏徵 rằng:
Nhân chủ hà vi nhi minh, hà vi nhi ám?
人主何为而明,何为而暗?
(Bậc nhân chủ như thế nào là sáng suốt, như thế nào là hôn ám?
          Nguỵ Trưng đáp rằng:
Kiêm thính tắc minh, thiên tín tắc ám
兼听则明,偏信则暗
(Chịu lắng nghe mọi người là sáng suốt, chỉ tin theo một người là hôn ám)
Thiên Minh ám 明暗 trong Tiềm phu luận 潜夫论 của Vương Phù 王符 thời Đông Hán có ghi:
Quân chi sở dĩ minh giả, kiêm thính dã, kì sở dĩ ám giả, thiên tín dã.
君之所以明者,兼听也,其所以暗者,偏信也
(Vua sở dĩ sáng suốt đó là do chịu lắng nghe mọi người, sở dĩ hôn ám đó là do chỉ tin theo một người)

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 08/7/2013

Nguyên tác Trung văn
QUAN CHẾ
官制
Trong quyển
VĨNH BẤT THẤT LẠC ĐÍCH VĂN MINH
永不失落的文明
Tác giả: Lí Thiệu Liên 李绍连
Thượng Hải. Học Lâm xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post