NGƯỢC TÌM KHỞI NGUYÊN CỦA DIỀU
(Kì cuối)
Mùa
xuân năm Thiên Phụng 天凤 (1) thứ 6
thời Vương Mãng 王莽 (năm 19), mâu thuẫn xã hội tăng lên, khởi nghĩa nông
dân hết đợt này đến đợt khác, Hung Nô không ngừng xâm nhập. Vương Mãng chiêu mộ
nam đinh trong thiên hạ cùng tội nhân sung làm lính, ra sức thu góp tiền của, bảo
dưỡng xe ngựa. Đồng thời cũng chiêu mộ rộng rãi những người có tài, chuẩn bị
đánh Hung Nô. Lúc bấy giờ, những người đến ghi tên có đến hàng vạn.
Đoạn
ghi chép này tỉ mỉ hơn nhiều so với Hàn Phi
tử 韩非子, Mặc Tử 墨子, chí ít có tin tức về 4 phương diện mà chúng ta cần
chú ý:
- Thứ
1: “thông dẫn hoàn nữu” 通引环纽, chỉ rõ chiếc máy
bay được này có lắp đặt máy móc
- Thứ
2: “thủ đại điểu cách vi lưỡng dực, đầu dữ thân giai trước mao” 取大鸟翮为两翼, 头与身皆著毛 (lấy lông cánh
chim làm 2 cánh, đầu và thân gắn lông mao) lông cánh và lông mao đều là loại có
trọng lượng rất nhẹ, nhìn từ nguyên lí lực học, nó phù hợp với công năng bay.
- Thứ
3: chế tạo ra loại máy bay này là nhằm mục đích “thăm dò Hung Nô”, nên nó là một
loại máy bay có chở người.
- Thứ
4: máy bay này về thiết kế và kĩ thuật đều không thành thục, kết quả thí nghiệm
chỉ là “bay mấy trăm bước thì rớt”. Đối với công năng quân sự lúc đầu nghĩ đến
mà nói là thất bại, cho nên “Vương Mãng biết không thể dùng”.
Nhưng
chiếc máy bay của người không biết tên tuổi này rốt cuộc bay được mấy trăm bước,
đây là một đại sự trong lịch sử ngành hàng không của nhân loại. Thế thì, máy
bay này dùng động lực nào để bay?
Lông
cánh và lông mao nhẹ, khi hạ xuống có thể có được lực đẩy tương đối lớn của
không khí, nhưng khi tiến lên lại gặp phải lực cản tương đối lớn. Loại chất liệu
này hiển nhiên không thích hợp để chế tạo loại máy bay với cánh cố định, nhưng
nếu dùng cho loại máy bay cánh cử động thì lại đạt hiệu quả lí tưởng. Vì thế,
chiếc máy bay này có khả năng là loại vỗ cánh để bay. Do bởi có chở người,
trong tình huống động năng không đủ, con người không chỉ là vật thể được chở một
cách tiêu cực, người phát minh ra nó nhất định sẽ nghĩ đến tự thân con người là
nguồn động lực. Từ đó, chúng ta có lí do để suy đoán rằng, người phát minh ra
chiếc máy bay thời Vương Mãng đã vận dụng chi thể của con người để vận động,
thông qua “hoàn nữu” 环纽 hoàn thành sự chuyển
đổi năng lượng, sau đó làm cho 2 cánh của máy bay hoàn thành động tác vỗ để
bay, cũng chính là nói, nó dựa vào nhân tố sức người và việc lắp đặt máy móc để
bay lên không.
Trải
qua hơn 100 năm, Trương Hành 张衡 cũng chế ra một chiếc
máy bay. Trong Thái bình ngự lãm 太平御览 quyển 72, Công nghệ tân cửu 工艺新九 có ghi rằng:
Văn sĩ truyện viết: ‘Trương Hành thường tác
mộc điểu, giả dĩ vũ cách, phúc trung thi cơ, năng phi sổ lí”
文士传曰: ‘张衡尝作木鸟, 假以羽翮, 腹中施机, 能飞数里.
(Trong
Văn sĩ truyện có nói: ‘Trương Hành từng làm ra con chim gỗ, giả có cánh chim,
trong bụng lắp máy, có thể bay được mấy dặm)
Đoạn
văn này so với những ghi chép trong Hán
thư – Vương Mãng truyện 汉书 - 王莽传 không tỉ mỉ bằng.
Nhìn từ câu “giả dĩ vũ cách, phúc trung thi cơ”, chất liệu chế tạo ra máy bay
và cách cấu tạo có vài điểm tương cận với chiếc máy nói trong Hán thư, nhưng cả 2 có chỗ không giống
nhau. Về đoạn văn ghi chép Trương Hành không có nói đến chở người, còn vị trí
“lắp máy” tại “trong bụng” (nếu là chim gỗ chở người, thì vị trí “trong bụng”
đương nhiên bị người chiếm lĩnh). Vì thế chim gỗ của Trương Hành có khả năng
đơn thuần là dựa vào việc lắp đặt máy móc để bay.
Đưa ra
suy đoán này còn dựa vào bằng chứng mang tính loại suy, đó chính là trình độ
phát triển của khoa học kĩ thuật lúc bấy giờ. Năm 132, Trương Hành chế tạo ra
“Hồn thiên nghi” 浑天仪 và “Hầu phong địa động nghi” 侯风地动仪 nổi tiếng thế giới. Nếu chúng ta lấy 2 vật có trình độ tinh xảo này
làm vật tham chiếu, sự suy đoán nêu trên càng có căn cứ chắc chắn.
Chúng
ta thử xem thuyết thứ 2:
Về những
ghi chép liên quan đến việc Hàn Tín dùng diều có gắn sáo, tính vô căn cứ rõ
ràng dễ thấy. Có người đã chỉ ra rằng: “Không nói chi thời cổ, ngay cả thời nay
chế ra con diều chở người, bay lên dễ dàng, hạ xuống an toàn không phải là dễ
dàng”. Hệ số an toàn của diều thấp như thế, cho dù quả thực có chở người trên
đó, e rằng người đó cũng kinh tâm tán đởm, làm sao mà yên tâm thổi “tư hương
chi khúc”? Còn như nói Hàn Tín “làm ra diều giấy thả bay để đo độ xa gần của
cung Vị Ương”, phải nhìn từ 2 mặt.
- Một mặt,
bất luận là những ghi chép trong lịch sử hay những tư liệu khảo cổ đều không thể
chứng minh thời đại Hàn Tín đã phát minh ra giấy, người đương thời đã không biết
cách chế tạo giấy thì Hàn Tín lấy gì có thể làm ra “chỉ diên” 纸鸢 (diều giấy)? Đây là chỗ hở trong những ghi chép.
- Mặt
khác, nếu như chúng ta tạm không suy nghĩ đến sự sai nhầm về tình tiết “chỉ
diên”, thế thì, lợi dụng diều để đo lường cung Vị Ương xa gần lại có tính khả
năng tương đối lớn. Lí do mà Lang Anh 郎瑛 đời Minh đã phản
bác là:
Chỉ chi cao hạ, khởi khả kế địa chi viễn
cận?
纸之高下, 岂可计地之远近?
(Dây diều cao thấp, há có thể đo được độ xa gần của đất?)
Kì thực,
Lang Anh đã sơ suất, thời Tiên Tần đã đề xuất định lí câu cổ 勾股 (tức định lí Pythagore), thế thì, đã biết độ dài của
dây diều và góc nghiêng, dùng định lí câu cổ tính thì không khó để tính khoảng
cách xa gần của cung Vị Ương. Đương nhiên, câu chuyện này chỉ mang tính khả
năng, không thấy trong các chính sử như Sử
kí, Hán thư, nên không thể cho là sự thực dĩ nhiên.
Chuyện
thả diều giấy để cầu viện quân được chép trong Nam sử 南史, không nghi ngờ gì đó là những ghi chép vô cùng quan
trọng. Đây là tư liệu văn tự sớm nhất về diều của Trung Quốc. Nam sử còn cung cấp cụ thể thời gian phát
sinh sự kiện, tức vào ngày 30 tháng Giêng năm Thái Thanh 太清 nhà Lương (ngày 25 tháng 2 năm 549). Ở đoạn ghi chép
này, Lang Anh cũng có sự phản bác, ông cho rằng “thả diều giấy rồi rơi xuống,
chắc gì đã rơi chỗ viện quân?” Cật vấn này xem ra không có lí, trong Nam sử rõ ràng nói “nhân gió tây bắc mà
thả”, hoàn toàn không phải thả bừa không có mục đích, chỉ cần độ dài của dây diều
chuẩn xác, thì xác xuất rơi vào chỗ viện quân rất lớn, hơn nữa, Đinh Dụng Hối 丁用晦 người thời Đường trong Nghệ điền lục 艺田录 có nói đến, diều được thả lúc bấy giờ có đến mấy chục
chiếc, khả năng rơi vào chỗ viện quân rất cao, cho dù không lọt được vào tay viện
quân thì cũng hi vọng được người ta nhặt lấy đưa đến chỗ viện quân, bởi vì bên
trên có viết: “đắc chi tống viện quân, thưởng ngân bách lượng” 得鸱送援军, 赏银百两 (nhặt được diều
đưa đến chỗ viện quân sẽ được thưởng trăm lượng bạc). Đối với người ở vào nơi
nguy hiểm mà nói, bất kể cách gì mà mang lại hiệu quả được cứu giúp thì cứ thử
làm. Vì thế, đoạn sử liệu này hoàn toàn có thể tin được.
Nhưng,
chúng ta không thể cho Dương Xa Nhi 羊车儿 hoặc Giản Văn Đế 简文帝 nhà Lương là người phát minh ra diều. Trong lúc nguy
nan chế tạo ra diều, vả lại thả một lần được thành công, điều này rõ ràng là
không hợp với logique. Việc phát minh ra diều nhất định phải trước đó, Dương Xa
Nhi hoặc Giản Văn Đế chẳng qua chỉ lợi dụng diều đã được phát minh từ trước.
Còn như
cho Lí Nghiệp 李邺 là người phát minh ra diều, giả thuyết này cùng với tư
liệu mà chúng ta có được lại càng cách xa nhiều. Trong Tuân sô lục 询刍录, Ngũ đại sử 五代史 ghi
Lí Nghiệp thả diều trong cung để vui chơi là đáng tin, nhưng cũng giống như Giản
Văn Đế, Lí Nghiệp chẳng qua chỉ chế tạo và thả diều như loại diều do tiền nhân
phát minh ra mà thôi.
Thông
qua những phân tích trên, về thời gian sản sinh ra diều, chúng ta có thể rút ra
kết luận như sau:
Diều
lúc ban đầu được gọi là “chỉ si” 纸鸱, “chỉ diên” 纸鸢, thời kì phát minh của nó nhất định phải sau khi kĩ
thuật tạo giấy đã sản sinh đồng thời phổ cập đến một trình độ nhất định. Năm
549, Giản Văn Đế Tiêu Cương 萧纲 thả diều cầu viện
quân chỉ là sự ứng dụng diều về mặt quân sự, thời gian phát minh ra diều nhất định
phải trước đó. Có thể đoán định rằng: thời gian sản sinh ra diều đại để là vào
thời Nguỵ Tấn.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Theo Hiện đại
Hán ngữ từ điển 现代汉语词典 do Bắc Kinh – Thương vụ ấn thư quán xuất bản năm
2008, Vương Mãng 王莽 có 3 niên hiệu:
- Thuỷ
Kiến Quốc 始建国 (5 năm)
- Thiên
Phụng 天凤 (6 năm)
- Địa
Hoàng 地皇, (4 năm)
Trong
nguyên tác in nhầm Thiên Phụng 天凤 là Thiên Phong 天风.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 12/7/2013
Nguyên tác Trung văn
TRUY TỐ PHONG TRANH ĐÍCH KHỞI NGUYÊN
追溯風箏的起源
Trong quyển
PHONG TRANH
風箏
Tác giả: Vân Trung Thiên 云中天
Bách Hoa Châu văn nghệ xuất bản xã, 2006.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật