Dịch thuật: Hà Thượng Công

HÀ THƯỢNG CÔNG

          Theo Thần tiên truyện 神仙传:
          Thời Hán Hiếu Văn Đế 汉孝文帝, có một sống bên bờ Hoàng hà, mọi người gọi ông là Hà Thượng Công 河上公. Hà Thượng Công cất một ngôi nhà tranh bên sông làm nơi cư trú, mọi người thường nghe ông đọc Đạo đức kinh 道德经 ở đây.
          Đương thời Hán Hiếu Văn Đế rất thích đạo của Lão Tử 老子, cho nên lệnh cho các vương công đại thần cùng quan viên các cấp phải thuộc Đạo đức kinh, nếu không thuộc sẽ không được lên triều. Khi Hiếu Văn Đế đọc Đạo đức kinh đã phát một số nghi vấn trong đó, vì thế tìm người đến hỏi, nhưng trong triều từ trên xuống dưới không ai có thể giải đáp được. Quan Thị lang Bùi Khải 裴楷 tâu với Hiếu Văn Đế rằng:
          Bên bờ Hoàng hà ở Thiểm Châu 陕州 có một người tên là Hà Thượng Công. Người này tinh thông “Đạo Đức kinh”, có thể gọi ông ta đến.
          Hiếu Văn Đế sai sứ giả đi tìm Hà Thượng Công, bảo ông ta giải thích cho Hiếu Văn Đế những nghi vấn. Hà Thượng Công nói với sứ giả rằng:
          Đạo tôn đức quý, không thể chỉ có sai người đến hỏi là đủ.
          Hiếu Vũ Đế đành phải đích thân đi. Xe rồng đến trước nhà Hà Thượng Công, Hiếu Văn Đế sai người bảo Hà Thượng Công ra tiếp giá, nhưng Hà Thượng Công không ra. Hiếu Vũ Đế lại sai người đi nói với Hà Thượng Công:
          Khắp thiên hạ này đều là đất đai do trẫm là bậc đế vương cai quản, dân trên đất này đều là con dân của trẫm. Ông tuy có đạo thuật, nhưng vẫn là thần dân của trẫm. Hoàng đế đích thân đến là coi trọng ông rồi, thế mà ông vẫn không biết phải trái, cứ cao cao tại thượng, ngạo mạn không chịu ra. Trẫm nói cho ông biết, Hoàng đế có thể tuỳ ý để cho con dân được giàu sang hoặc nghèo hèn, ông cũng như vậy.
          Lúc này, Hà Thượng Công ngồi chắp tay, từ từ bay lên không trung, cách mặt đất khoảng chừng hơn trăm thước. Một lúc sau, cuối xuống nói với Hiếu Văn Đế rằng:
          Ta trên không đến trời, giữa không đụng người, dưới không chạm đất, ông nói thử ta là thần dân của ông chỗ nào? Giờ ông cho ta giàu nghèo xem thử.
          Hiếu Văn Đế nhìn thấy thất kinh, biết gặp phải thần nhân. Vì thế vội xuống xe, hướng đến Hà Thượng Công cúi đầu lễ tạ và nói:
          Trẫm vốn không có nhiều tài, chỉ là được kế thừa cơ nghiệp của tổ tiên mới gánh lấy nhiệm vụ lớn này. Bởi tài sơ học thiển, luôn lo mình không gánh nổi nhiệm vụ nên hi vọng thông qua việc học “Đạo đức kinh” để tiêu trừ những ngu muội của bản thân, nhưng đối với những vi ngôn đại nghĩa trong đó đa phần không hiểu được, nên thỉnh cầu Đạo quân từ bi chỉ giáo.
          Lúc bấy giờ Hà Thượng Công mới từ không trung giáng xuống, rước Hiếu Văn Đế vào nhà. Hà Thượng Công lấy ra 2 quyển Lão Tử đạo đức chương cú 老子道德章句 trao cho Hiếu Văn Đế và nói rằng:
          Cầm đem về nghiên cứu kĩ, những nghi vấn của ông sẽ được tiêu trừ. Ta viết kinh này đã hơn 1700 năm rồi, chỉ truyền qua 3 người, nay ông là người thứ tư, không được để cho người khác xem.
     Hiếu Văn Đế vội quỳ nhận sách, đồng thời tạ ơn. Lúc này không còn thấy tông tích của Hà Thượng Công nữa. Hiếu Văn Đế vội sai người xây một toà đài ở Tây sơn, hi vọng có thể gặp lại Hà Thượng Công, nhưng Hà Thượng Công không xuất hiện.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- HÁN HIẾU VĂN ĐẾ 汉孝文帝 (năm 203 – năm 157 trước công nguyên):
Tức Hán Văn Đế Lưu Hằng 刘恒, con thứ 4 của Hán Cao Tổ Lưu Bang 刘邦, và là vị vua thứ 5 thời Tây Hán, tại vị 23 năm từ năm 180 trước công nguyên đến năm 157 trước công nguyên, hưởng niên 47 tuổi. Khi mất được an táng ở Bá Lăng 霸陵, miếu hiệu là Thái Tông, thuỵ hiệu là Hiếu Văn Hoàng Đế.
Theo Hiện đại Hán ngữ từ điển 现代汉语词典 của Thương vụ ấn thư quán, xuất bản năm 2008, triều Tây Hán mở đầu là Cao Đế Lưu Bang 刘邦, kế đến là Huệ Đế Lưu Doanh刘盈, đến Cao Hậu (Lữ Trĩ 吕雉) rồi đến Văn Đế Lưu Hằng 刘恒.

                                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                                             Quy Nhơn 14/7/2013

Dịch từ nguyên tác Trung văn
HÀ THƯỢNG CÔNG
河上公
Trong quyển
ĐẠO KINH CỐ SỰ
道经故事
Biên soạn: Dương Ngọc Huy 杨玉辉
Tứ Xuyên văn nghệ xuất bản xã, 2002.
Previous Post Next Post