BỆNH NHẸ GỌI LÀ “TẬT”,
BỆNH NẶNG GỌI LÀ “BỆNH”
BÀN VỀ CHỮ “TẬT” VÀ CHỮ “BỆNH”
Từ “tật”
疾 và từ “bệnh” 病
có ý nghĩa tương đồng, nói có “tật” cũng giống như nói có “bệnh”. Nhưng khi biểu
thị bệnh nặng nhẹ thì “tật” và “bệnh” không hoàn toàn giống nhau. Thời cổ gọi bệnh
nhẹ là “tật”, bệnh nặng mới gọi là “bệnh”. Trong Thuyết văn 说文 nói rằng:
Bệnh, tật gia dã
病,疾加也
(Bệnh là tật tăng thêm)
“Tật
gia” chính là ý nói “trọng bệnh” “đại bệnh”, như Đoàn Ngọc Tài 段玉裁 đã nói:
Tật thậm viết bệnh
疾甚曰病
(Tật mà nặng thì gọi là bệnh)
Ở giáo
trình Ngữ văn trung học, có tuyển câu chuyện Biển Thước kiến Sái Hoàn Công 扁鹊见蔡桓公 trong Hàn Phi Tử 韩非子 (1). Danh y Biển Thước 扁鹊
thời Chiến quốc một lần nọ gặp Sái Hoàn Công 蔡桓公,
sau khi nhìn qua một lượt nói với Hoàn Công rằng: “Ngài có ‘tật’.” Hoàn Công
không để ý gì đến những lời nói ấy. Lần thứ hai Biển Thước lại gặp Hoàn Công,
cũng như lần trước, Biển Thước nhìn qua một lượt, lần nầy Biển Thước không nói
“có tật” mà nói “có bệnh”, ý nói bệnh đã nặng. Hoàn Công vẫn không nghe. Đợi đến
khi Biển Thước gặp Hoàn Công lần thứ ba,
liền quay người bỏ chạy, bởi bệnh của Hoàn Công đã rất nặng. Hoàn Công có
sai người tìm Biển Thước nhưng không cách nào trị khỏi. Câu chuyện rất đơn giản,
nhưng trong câu chuyện đó, ở tình huống nào nói là “tật”, tình huống nào nói là
“bệnh” thì phân biệt rất rõ ràng.
Khi “tật”
và “bệnh” đi chung với nhau, biểu thị sự nặng nhẹ của bệnh càng rõ. Trong sách
cổ gọi “tật bệnh” thường có ý “bệnh gia trọng”. Trong Quản Tử - Giới thiên 管子 - 戒篇 có chép: Quản Trọng 管仲
bệnh, Tề Hoàn Công 齐桓公 đi thăm. Vừa thấy Quản Trọng, Hoàn Công giật mình
nói:
Trọng phụ chi tật bệnh hĩ (2)
仲父之疾病矣
Ý nói “bệnh của Trọng phụ nặng rồi” chứ không phải nói
“Trọng phụ có tật bệnh”. Còn như trong
Tam quốc chí – Chư Cát Lượng truyện 三国志 - 诸葛亮传 có câu:
Lượng tật bệnh, tử vu quân
亮疾病,死于军
Ý nói bệnh của Chư Cát Lượng rất nặng, và ông mất ở
trong quân. Thời cổ còn có câu chuyện báo ân. Trong câu chuyện dùng 2 chữ “tật
bệnh”: Nguỵ Vũ Tử 魏武子 có một người thiếp yêu, người thiếp này không có con.
Khi Nguỵ Vũ Tử có “tật”, Nguỵ Vũ Tử nói với người con riêng của ông rằng nên để
cho người thiếp đó cải giá. Đến khi Nguỵ Vũ Tử “tật bệnh”, tức bệnh đã nặng, mới
nói với người con rằng sau khi ông chết, phải chôn theo người thiếp đó. Nguỵ Vũ
Tử mất, người con là Nguỵ Khoả 魏颗 đã để cho người thiếp
cải giá, tuân theo lời dặn của cha lúc ông “có tật”, mà không làm theo lời lúc
ông bệnh nặng. Người cha đã qua đời của người thiếp hiển linh báo mộng: nơi chiến
trường ông sẽ cột cỏ lại với nhau để quân địch té, giúp Nguỵ Khoả thắng trận.
Đây chính là thành ngữ điển cố “Kết thảo hàm hoàn” 结草衔环 (3).
Giải
thích “tật” là “bệnh”, hoàn toàn không phải nghĩa gốc của “tật”. Nghĩa gốc của
“tật” là “nhanh”. Như “Tật túc tiên đắc” 疾足先得 (nhanh chân được trước), “Tật phong tri kính thảo” 疾风知劲草 (gió mạnh mới biết cỏ cứng), “tật lôi bất cập yểm
nhĩ” 疾雷不及掩耳 (sấm nhanh không kịp bưng tai), những chữ “tật” ở đây
đều có nghĩa là nhanh, “tật” được giải thích là “bệnh” đó là nghĩa giả tá.
Nghĩa gốc của chữ “bệnh” là bệnh nhẹ.
Người bị
thương nặng như là mang trọng bệnh, nên nghĩa phái sinh của “bệnh” là “trọng
thương”. Trong Tả truyện – Tề Tấn An chi
chiến 左传齐晋鞌之战 có nói, Khước Khắc 卻克
của nước Tấn bị thương, máu nhỏ xuống giày, tiếng trống chưa dứt, ông ta nói rằng:
Dư bệnh hĩ
余病矣
“Bệnh” ở đây chính là bị thương, mà vết thương cũng
không nhẹ. “Bệnh” còn dẫn đến nghĩa là lo lắng, bởi người có bệnh luôn khiến
người khác lo lắng. Trong Luận ngữ - Vệ
Linh Công 论语 - 卫灵公 có câu:
Quân tử bệnh vô năng yên, bất bệnh nhân
chi bất kỉ tri dã.
君子病无能焉,不病人之不己知也
(Người quân tử lo mình không có tài, chứ không lo người
ta không biết mình)
“Bệnh” còn dẫn đến nghĩa khốn khổ, khó khăn, bởi người có bệnh
khó tránh được khốn khổ. Trong Bộ xà giả
thuyết 捕蛇者说, Liễu Tông Nguyên 柳宗元 đã viết rằng:
Hướng ngô bất vi tư dịch, tắc cửu dĩ bệnh
hĩ
向吾不为斯役则久已病矣
(Nếu tôi không làm công việc này thì khốn khó đã từ
lâu rồi)
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Lương Khải Hùng 梁启雄 Hàn Phi thiển giải – Du lão 韩非浅解 - 俞老. Trung Hoa thư cục.
(2)- Quản Tử - Giới
thiên 管子 - 戒篇, trang 96, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, Bách tử
bách gia tùng thư.
(3)- Hoàng Khản 黄侃 Thủ phê bạch văn thập tam kinh – Tả truyện – Tuyên
Công – thập ngũ niên 手批白文十三经 - 左传 - 宣公 - 十五年. Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 11/7/2013
Nguyên tác Trung văn
TIỂU BỆNH XƯNG TẬT, TRỌNG BỆNH XƯNG BỆNH
ĐÀM “TẬT, BỆNH”
小病称疾,重病称病
谈“疾,病”
Trong quyển
HÁN TỰ THẬP THÚ
汉字拾趣
Tác giả: Kỉ Đức Dụ 纪德裕
Phúc Đán đại học xuất bản xã, 1998.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật