Dịch thuật: Y Doãn (tiếp theo)

Y DOÃN
(tiếp theo)

          Theo truyền thuyết, khi Y Doãn qua đời, trời giáng sương mù 3 ngày liền. Để báo đáp công đức Y Doãn một đời tận trung giúp vương thất nhà Thương, Ốc Đinh dùng lễ thiên tử để an táng ông, đồng thời đích thân đến thái miếu tế tự.
          Y Doãn giúp vua Thang diệt Trụ kiến lập triều Thương, phò tá 5 đời vua Thương đặt nền móng cho cơ nghiệp triều Thương, không thừa cơ soán đoạt vương vị, mà là hết mực trung thành. Cho nên người đời sau tôn Y Doãn là vị hiền tướng đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
          Nhưng hơn 1000 năm sau khi Y Doãn qua đời, vào khoảng niên hiệu Thái Khang 太康 đời Tấn Vũ Đế, tại ngôi mộ thời Chiến quốc ở Cấp quận 汲郡 đã phát hiện được cổ tịch (tức “Trúc thư niên kỉ” 竹书年纪), trong đó có chép rằng:
         Trọng Nhâm băng, Y Doãn phóng Thái Giáp vu Đồng, nãi tự lập. Y Doãn tức vị, thất niên, Thái Giáp tiềm xuất tự Đồng, sát Y Doãn; nãi lập kì tử Y Trắc, Y Phấn, mệnh phục kì phụ chi điền trạch nhi trung phân chi.
     仲壬崩,伊尹放太甲于桐,乃自立.伊尹即位,七年,太甲潜出自桐,杀伊尹; 乃立其子伊陟, 伊奋命复其父之田宅而中分之.
     (Trọng Nhâm băng, Y Doãn đày Thái Giáp ra nơi đất Đồng rồi tự lập mình làm vua. Y Doãn lên ngôi 7 năm, Thái Giáp từ đất Đồng ngầm trở về, giết Y Doãn, lập con của ông ta là Y Trắc, Y Phấn, cho kế thừa gia nghiệp của Y Doãn)
          Theo đó, Y Doãn trở thành nghịch tặc đuổi vua soán ngôi. Từ đó, các sử luôn tranh luận, xem Y Doãn là hiền tướng hay là loạn thần nghịch tử .
          - Có nhóm ý kiến cho rằng, những sự việc lịch sử đời Hạ đời Thương mà “Trúc thư niên kỉ” thuật lại, trải qua sự khảo chứng, có phần đáng tin, giá trị sử liệu rất cao. Thuyết “Thái Giáp sát Y Doãn” là đáng tin. Thuyết Y Doãn cải tạo Thái Giáp, trả chính sự lại chỉ là thuyết của Nho gia sùng cổ mà thôi. Y Doãn là một nghịch thần bị giết chết sau khi soán ngôi.
     - Một nhóm ý kiến khác viện dẫn kinh điển, cực lực phản bác, trong đó ý kiến mang tính đại biểu là của Thôi Thuật 崔述, sử học gia triều Thanh. Trong Thương khảo tín lục – Biện Thái Giáp sát Y Doãn chi thuyết 商考信录 - 辨太甲杀伊尹之说, ông phản bác rằng, trong sách Mạnh Tử 孟子 có chép:
          Thái Giáp hối quá, tự oán tự ngải, vu Đồng xử nhân thiên nghĩa tam niên, dĩ thính Y Doãn chi huấn kỉ dã, phục quy vu Bạc (1).
          太甲悔过, 自怨自艾, 于桐处仁迁义三年, 以听伊尹之训己也, 复归于亳.
          (Thái Giáp hối lỗi, tự trách mình, tự sửa lỗi mình, ở đất Đồng cử xử theo điều nhân điều nghĩa trong 3 năm, nghe lời dạy của Y Doãn, sau đó về lại đất Bạc)
Thái Giáp hiền, hựu phản chi, dân đại duyệt (2).
太甲贤, 又反之, 民大悦
(Thái Giáp đã biết hối lỗi, rước về lại, dân rất mừng)
          Những câu trên nói rõ Thái Giáp sau khi được Y Doãn chỉ bảo biết hối lỗi nên đã phản tỉnh. Trong Tả truyện 左传 cũng có chép:
Y Doãn phóng Thái Giáp nhi tướng chi, tốt vô oán thanh (3)
伊尹放太甲而相之, 卒无怨声
(Y Doãn đày Thái Giáp mà vẫn giúp ông ta, khi mất không có tiếng oán hận)
          Câu này ý nói Thái Giáp sau khi trở về lại ngôi vị vẫn trọng dụng Y Doãn làm tướng, đối với Y Doãn không hề có lời oán hận nào, như vậy Y Doãn không hề bị Thái Giáp giết chết. Sau khi Ốc Đinh 沃丁 an táng Y Doãn, trong Thượng thư 尚书 có lưu lại thiên Ốc Đinh 沃丁  (4) ca ngợi công đức của Y Doãn, nói rõ Y Doãn mất bình thường. Những ghi chép trong “Trúc thư niên kỉ” nói Thái Giáp giết Y Doãn, lại bổ nhiệm con Y Doãn là Y Trắc và Y Phấn làm tướng, giết cha mà vẫn lập con làm tướng, quả thực không đáng tin. Thôi Thuật cho rằng, thời Chiến quốc, việc thí quân giết chủ thấy rất nhiều, thế tục bại hoại, con người chỉ thấy điều lợi mà quên đi điều nghĩa, “Trúc thư niên kỉ” đã chịu ảnh hưởng phong khí này, mới đem việc Y Doãn đày Thái Giáp diễn biến ra nói thành Y Doãn đoạt vương vị bị giết chết. Thậm chí Thôi Thuật còn hoài nghi tác giả của “Trúc thư niên kỉ” chép sai đoạn sử liệu Y Doãn đày Thái Giáp này. Ông kiên trì cho rằng, Y Doãn là vị hiền thánh một đời “tâm quảng đại nhược thiên địa, quang minh nhược nhật nguyệt” 心广大若天地光明若日月 (tấm lòng rộng lớn như trời đất, sáng như mặt trời mặt trăng) là thiên cổ danh tướng.
          Hơn ngàn năm nay, hai phái phái nào cũng giữ thuyết của mình, khó thuyết phục đối phương. Vấn đề này phải đợi các sử gia thâm nhập sử liệu phát hiện được để khảo chứng luận định.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Câu này ở thiên Vạn Chương thượng 万章上 trong sách Mạnh Tử 孟子
(2)- Câu này ở thiên Tận tâm thượng 尽心上trong sách Mạnh Tử 孟子
(3)- Câu này ở Tả truyện – Tương Công nhị thập nhất niên 左传 - 襄公二十一年.
              Và http://uzone.univs.cn/new2_2008_343484.htm
chữ cuối của câu là chữ “sắc” , không phải chữ “thanh”
Y Doãn phóng Thái Giáp nhi tướng chi, tốt vô oán sắc
伊尹放太甲而相之, 卒无怨色
(4)- Trong Thượng thư bản dịch của Nhượng Tống và Kinh thư bản dịch chú của Trần Lê Sáng, Phạm Kì Nam không thấy có thiên “Ốc Đinh”

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 14/6/2013
  
Nguyên tác Trung văn
Y DOÃN
伊尹
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post