Dịch thuật: Tị yên hồ

TỊ YÊN HỒ

          Tị yên hồ 鼻烟壶, tục danh là “yên hồ” 烟壶, đời Thanh còn gọi là “Sĩ nã hồ bạc sĩ” 士拿乎薄士 hoặc “Sĩ nã hồ ba đột lô” 士拿乎巴突卢, dịch âm từ tiếng Anh snuff-box, snuff-bottle, đây là loại dụng cụ đựng thuốc lá đã nghiền nhỏ dùng để hít.
          Thuốc lá vốn là phát minh của người Indian châu Mĩ, từ Lữ Tống 吕宋 (1) được đưa vào Phúc Kiến 福建 vào khoảng thời Vạn Lịch 万历nhà Minh, đồng thời bắt đầu được trồng ở vùng Chương Châu 漳州, lúc bấy giờ gọi là “đạm ba cô” 淡巴菰, “đạm nhục quả” 淡肉果, “đảm bất quy” 担不归. Do bởi sợi thuốc có màu vàng, hút nhiều sẽ say, cho nên cũng còn được gọi là “kim ti huân” 金丝醺, “can tửu” 干酒.
          Tị yên 鼻烟 là một loại thuốc lá, nhưng khác với thuốc lá thông thường, nó được nghiền thật mịn, tẩm thêm loại thuốc quý xạ hương, đựng vào những viên tròn bọc bằng sáp ong, có thể cất được mấy năm thậm chí cả mấy chục năm, có nhiều màu khác nhau như đen thẩm, vàng xẫm, vàng tươi. Khi ngửi có mùi thơm, cay. Người ta cho rằng nó có công hiệu làm sáng mắt, tỉnh táo , tránh dịch bệnh, hoạt huyết, khu hàn …
          Tại Trung Quốc, thời kì đầu hít tị yên, vì giá cả rất đắt, ngang bằng bạch ngân, cho nên không được lưu hành. Lúc bấy giờ cũng không có loại hủ đặc chế để đựng, mà chỉ theo cách người phương tây đựng trong bình sáp. Nhưng loại bình này chỉ tiện cho việc cất giữ chứ không lợi cho việc sử dụng, vì thế người Trung Quốc đã dùng “dược bình” 药瓶 để đựng. Do bởi thời cổ những loại thuốc quý giá đều được cất giữ trong những chiếc bình nhỏ bằng sứ, gọi đó là “dược bình”, chế tác tương đối tinh mĩ, loại mà trong cung sử dụng càng đẹp hơn. Yên hồ sử dụng ở đời Minh toàn là những dược bình cũ, không chế tạo loại riêng.
          Từ triều Khang Hi 康熙 yên hồ bắt đầu được sáng chế, do xưởng chế tác của cung đình chế tạo thử. Tị yên hồ chuyên dùng được cải tiến trên cơ sở hình dạng của dược bình, như tăng thêm dung tích phần bụng để chứa được nhiều thuốc; để giữ được mùi vị của thuốc không cho thoát ra ngoài, phần miệng của tị yên hồ nhìn chung tương đối nhỏ, có nắp đậy, đồng thời làm một chiếc muỗng nhỏ từ trên nắp cho vào trong hủ. Muỗng nhỏ đa phần được làm bằng ngà hoặc bằng bạch ngọc, phỉ thuỷ, trúc, gỗ, phần dưới của muỗng có dạng thìa để tiện múc thuốc từ bên trong ra, sau khi dùng xong bỏ lại vào trong hủ.
          Đời Thanh tị yên hồ được chế tác với số lượng lớn, trở thành thời kì đỉnh thịnh của tị yên hồ Trung Quốc, đây không chỉ là do bởi người hít thuốc tăng nhiều mà còn có liên quan đến việc những người thống trị ham thích gia tăng đề xướng. Thế kỉ thứ 17, thuốc lá Nhật Bản từ Triều Tiên đưa đến vùng đông bắc Trung Quốc, đặc biệt là những nơi tụ cư của tộc Mông Cổ, tộc Mãn. Tập tục hít thuốc nhanh chóng nổi lên, lan đến cả vương thất. Các nước mỗi khi đến Trung Quốc  triều kiến đều tiến cống thuốc hít, do đó từ thời Khang Hi nhà Thanh trở về sau, các hoàng đế không ai là không thích yên hồ, việc chế tác yên hồ cũng
Được xem trọng. Đến lúc này, tị yên hồ không chỉ đảm nhiệm công năng chứa thuốc mà còn được xem là vật thưởng ngoạn, mang công năng xã hội khoe sự giàu có, thưởng ngoạn tị yên hồ trở thành một phong tục thịnh hành trong giới văn nhân học sĩ đời Thanh.
          Yên hồ bắt đầu được chế tạo thử triều Khang Ki số lượng có hạn, lưu lại cho đời sau không nhiều. Đến triều Ung Chính 雍正, số lượng yên hồ tương đối tăng nhiều, dạng thức cũng mới lạ, đồng thời phương tây cũng tiến cống rất nhiều yên hồ tinh xảo. Triều Càn Long 乾隆, việc chế tác yên hồ tuy không tinh xảo như trước, nhưng số lượng tăng nhiều không hề giảm. Sau triều Càn Long, việc chế tác yên hồ dần suy yếu, đến thời Dân Quốc dường như mất hẳn.
          Đời Thanh, khu vực chủ yếu của tị yên hồ là Quảng Châu 广州, Bắc Kinh 北京, Bác Sơn Sơn Đông 博山山东, cùng với Nội Mông 内蒙, Liêu Ninh 辽宁, Tây Tạng 西藏. Vùng Nội Mông công nghệ tị yên hồ lấy kim loại bạc làm chính, vùng Liêu Ninh sản xuất nhiều mã não nên chủ yếu lấy mã não làm tị yên hồ, vùng Tây Tạng tị yên hồ cũng lấy kim loại làm chính.
          Tại Trung Quốc, việc dùng tị yên hồ có liên quan mật thiết đến việc giao dịch, giao lưu văn hoá, y dược, dân tục, nông nghiệp, chính trị, kinh tế, tôn giáo, văn hoá nghệ thuật… có thể nói, tị yên hồ Trung Quốc là hình ảnh thu nhỏ của nghệ thuật Trung Quốc, là biểu hiện tập trung về hội hoạ, thư pháp, điêu khắc cùng với các ngành thủ công nghệ thuật như đồ sứ, đồ pha lê, đồ sơn, pháp lang, kim thuộc, đồng thời cũng đã hấp thu những điểm mạnh về nghệ thuật hộp thuốc, pháp lang, hội hoạ, pha lê, hội hoạ trên kiếng, công nghệ kim thuộc của châu Âu và các nước A Rập, đặc biệt là pha lê của Ý Đại Lợi và của Bohemia (2), nghệ thuật pháp lang của Pháp, nhân đó tị yên hồ là kì tích của sự giao lưu nghệ thuật trong và ngoài nước.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- LỮ TỐNG 吕宋: tức đảo Luzon của Philippines.
(2)- BOHEMIA: (tiếng Trung là Ba Hi Mễ Á 波希米亚) là một khu vực lịch sử nằm tại Trung Âu, chiếm 2/3 diện tích của nước Cộng hoà Séc ngày nay. Tên “Bohemia” bắt nguồn từ những cư dân đầu tiên di cư vào vùng này, bộ tộc Boii, thuộc tộc người Xentơ.
          Nguồn http://vi.wikipedia.org/wiki

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 30/6/2013

Nguyên tác Trung văn
TỊ YÊN HỒ KHÁI THUYẾT
鼻烟壶概说
Trong quyển
CỔ NGOẠN THU TÀNG CHỈ NAM
古玩收藏指南
Tác giả: Long Tùng 龙松, Kỉ Bình 纪平
Bắc Kinh nhân dân xuất bản xã, 1994.
Previous Post Next Post