Dịch thuật: Nguyên Chẩn và Thôi Oanh Oanh (kì cuối)

NGUYÊN CHẨN VÀ THÔI OANH OANH
 HÌNH MẪU ĐẶC BIỆT TRONG LỊCH SỬ ÁI TÌNH
 TRUNG HOA
(Kì cuối)

          Về phương diện tình cảm, Nguyên Chẩn dường như đã trải qua một đoạn đường tương tự như trên con đường sĩ hoạn, sự thể nghiệm tình yêu sai lạc trong cuộc đời biểu hiện rõ tính hai mặt ở phẩm cách nhân sinh của ông. Là một văn sĩ thứ tộc, Nguyên Chẩn tài hoa tràn đầy, được gọi là “Nguyên tài tử” lúc bấy giờ. Ông ở vào thời trung Đường với quan niệm lưỡng tính cực kì khai phóng, bản tính lại vốn “hiếu sắc”, thực là một tài tử phong lưu điển hình.. Trong sự câu thúc tương đối lỏng lẻo của lễ pháp, Nguyên Chẩn khi còn trẻ thường yến ẩm vui chơi có cả kĩ nữ bên cạnh, hành vi phóng đãng không bó buộc, biểu hiện đặc điểm tận tình túng dục một cách có ý thức. Đương lúc tài hoa rực rỡ, gặp Thôi Oanh Oanh tại chùa Phổ Cứu 普救 ở Bồ Châu 蒲州, ngay lập tức Nguyên Chẩn  bị chinh phục bởi tư thái và dung mạo của nàng, về sau lại biết được Oanh Oanh văn tài xuất chúng, lại giỏi đàn nên càng bị điên đảo bởi tài mạo song tuyệt của nàng. Vì thế Nguyên Chẩn bất chấp tất cả, theo đuổi Oanh Oanh một cách nhiệt tình, trước tiên là tặng thơ tặng từ, sau đó vin cây vượt tường, cuối cùng keo sơn gắn bó, tư hợp mấy tháng ở mái tây chùa Phổ Cứu. Cần phải nói, tình yêu của Nguyên Chẩn đối với Oanh Oanh là chân thành thuần phác, là thứ tình yêu ban đầu đáng được coi trọng, Nguyên Chẩn dám vượt qua lễ pháp, cuồng nhiệt theo đuổi, biểu hiện sự bạo gan của một văn sĩ thứ tộc với bản tính phóng đãng, sinh ra gặp được thời đại khai phóng đối với tình yêu chân thành của mình.
          Nhưng, theo vòng giao du ngày càng lớn rộng, sự nhận thức nội tình chốn quan trường ngày càng sâu sắc, thái độ của Nguyên Chẩn đối với tình cảm đã phát sinh sự biến đổi tế nhị. Nguyên Chẩn một mặt yêu thương chân thành Oanh Oanh, đồng thời nhận thức được mối quan hệ mật thiết giữa kẻ sĩ với hôn nhân, từ chân tình mà dẫn đến tư hợp, tuy có thể được xã hội đương thời chấp nhận, nhưng nếu muốn con đường làm quan thông đạt, chen được chân vào chốn thượng tầng thì phải phù hợp với lễ pháp, hơn nữa, hôn nhân là một cơ hội tốt nhất mà văn sĩ thứ tộc có thể lợi dụng để kết thân  cùng với gia đình quyền quý. Vì thế, qua sự làm mối của bạn bè, Nguyên Chẩn quyết định cưới con gái của Vi Hạ Khanh 韦夏卿 một người có quyền thế hiển hách lúc bấy giờ là Vi Tùng 韦丛 làm vợ, bỏ sang một bên người tình đầu tiên là Thôi Oanh Oanh. Nguyên Chẩn cuối cùng bỏ Oanh Oanh, đương nhiên đó là một sự chọn lựa không cách nào khác khi cả hai đều khó, tình cảm là nỗi đau khổ, tương tư là mâu thuẫn, là kết quả của tính sinh vật, tính tình cảm của con người bị khuất phục bởi tính xã hội, tính công lợi. Nhưng, từ thực tế mà nói, Nguyên Chẩn đối với Oanh Oanh rốt cuộc tạo nên một sự thực trước loạn sau bỏ, bộc lộ tính nhu nhược và tính hai mặt của ý chí Nguyên Chẩn khi đối mặt với công lợi thế tục. Tình yêu rực cháy, tình yêu keo sơn gắn bó, lời thề non hẹn biển, sự quyến luyến không rời, rốt cuộc đều không chịu nỗi một đòn. Có thể cho rằng, dưới tác dụng song trùng của sức mạnh mang tính xã hội của một thời đại nhất định và sức mạnh mang tính phẩm cách của một tập thể người nhất định, câu chuyện tình yêu của Nguyên Chẩn và Oanh Oanh chỉ có thể đi đến một kết cục mang tính bi kịch.
          Điều đáng để chú ý đó là, tình yêu của Nguyên Chẩn và Oanh Oanh, trong hiện thực cuộc sống chỉ tồn tại trong mấy tháng ngắn ngủi, nhưng trong lĩnh vực tinh thần lại có được sự tiếp diễn lâu dài. Trong cuộc đời của Nguyên Chẩn có quan hệ tình yêu với 4 cô gái, chỉ có độc nhất tình yêu đối với Oanh Oanh là vĩnh hằng. Sau khi người vợ đầu là Vi Tùng bị bệnh rồi qua đời, Nguyên Chân đương nhiên cực kì bi thương, viết ra những bài thơ truy điệu, nhưng sau khi nạp thiếp, sinh lí và tâm lí trống khuyết đã được lấp đầy, những bài thơ truy điệu cũng hết. Cũng vậy, sau khi người thiếp là An Tiên Tần 安仙嫔 bị bệnh qua đời, Nguyên Chẩn cũng đau buồn như thế, nhưng một lần nữa, sau khi nạp người thiếp là Bùi Thục 裴淑, nỗi đau buồn ấy cũng nhanh chóng qua đi. Có thể cho rằng, ở Nguyên Chẩn, nỗi đau buồn đối với thê thiếp hoàn toàn xuất phát từ tình cảm nhân luân trong cuộc sống gia đình được trường kì bồi dưỡng. Nhưng còn đối với Oanh Oanh mới là tình yêu chân chính, thứ tình yêu ban đầu khắc cốt ghi tâm muôn đời không quên được.
          Khi Nguyên Chẩn và Oanh Oanh mới yêu nhau, có mấy tình cảnh điển hình:
          - “Phất tường hoa ảnh động” 拂墙花影动, vin cây vượt tường, cành hoa chạm mặt.
     - “Vi nguyệt thấu liêm lung” 微月透帘栊, trăng tà thấp thoáng, chiếu sáng nửa giường.
          - “Tự chung minh, thiên tương hiểu” 寺钟鸣天将晓 , chuông chùa vang, trời sắp sáng
          Chính Nguyên Chẩn vào năm đó trong những tình cảnh này đã nhiệt tình theo đuổi Oanh Oanh đồng thời cùng nàng “tư hợp” 私合, vì vậy những tình cảnh đặc biệt đó tích tụ trong lòng Nguyên Chẩn và đã trở thành tượng trưng cho tình yêu chân thành thuần phác đối với Oanh Oanh. Trong nửa cuộc đời sau của Nguyên Chẩn, bất luận gặp phải những tình huống nào, chỉ cần gặp những tình cảnh đó, tình yêu đối với Oanh Oanh đã chôn sâu trong lòng liền trổi dậy.
          Chẳng bao lâu sau khi “nỡ” bỏ Oanh Oanh, Nguyên Chẩn đem chuyện đó nói cùng vài người bạn, họ đều cảm động. Dương Cự Nguyên 杨巨源 liền viết Tiêu Nương thi 萧娘诗, Lí Thân 李绅 đem câu chuyện diễn dịch thành Oanh Oanh ca 莺莺歌. Nguyên Chẩn nhân Oanh Oanh ca 莺莺歌 của Lí Thân mà viết Oanh Oanh truyện 莺莺传, miêu tả tỉ mỉ kì duyên này, hiển nhiên đồng thời cố ý nói rõ chân tình nội tại của mình. Khi Vi Tùng qua đời, Nguyên Chẩn đau buồn thương tiếc, đồng thời cũng không ngừng thương nhớ Oanh Oanh, và khi nạp thiếp, niềm đau buồn thương tiếc có nguôi ngoai, nhưng lòng hoài niệm Oanh Oanh lại càng thêm mãnh liệt. Trong những bài thơ mà Nguyên Chẩn làm ra chưa đến một năm trước khi mất, vẫn có thể thấy được trong lòng ông trước sau vẫn luôn nhớ đến Oanh Oanh. Khi ở Ngạc Châu 鄂州 nhân lúc một mình khó ngủ, thấy “nguyệt nhập tà song” 月入斜窗, phảng phất “hiểu tự chung” 晓寺钟 đang vang tiếng, tình cảnh đặc định của tình yêu ban đầu với Oanh Oanh đột nhiên hiển hiện, một lần nữa khuấy động ẩn tình sâu lắng trong lòng. Tình yêu vĩnh hằng, nỗi nhớ sâu lắng, hoá thành nỗi thất lạc và trống vắng vô cùng, cấu thành tuyến tình cảm chính suốt cả cuộc đời Nguyên Chẩn.
          Rõ ràng, tình yêu của Nguyên Chẩn với Oanh Oanh đã biểu hiện sự áp chế tình cảm của một thời đại riêng và tập thể người đặc định bị khuất phục bởi tính xã hội. Vì thế,  tuy sự thật Nguyên Chẩn bỏ Oanh Oanh, nhưng từ trong sâu thẳm của tâm hồn, kì thực một khắc cũng không thể nào quên Oanh Oanh cùng với mối tình đầu chân thành, thể hiện loại hình tình yêu tinh thần thuần tuý. Đồng thời, thông qua tác phẩm văn học Oanh Oanh truyện, “chấn hám văn lâm, vi lực thậm đại” 振撼文林, 为力甚大 (chấn động văn đàn, sức vô cùng mạnh), câu chuyện tình yêu giữa Nguyên Chẩn với Oanh Oanh sự thực đã vượt qua cuộc đời riêng của Nguyên Chẩn thậm chí cả một đời Đường, thăng hoa thành viên ngọc quý trong cuộc sống tinh thần của cả một dân tộc, từ đó tạo dựng nên một hình mẫu đặc biệt trong lịch sử ái tình Trung Hoa.
  
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
NGUYÊN CHẨN元稹 (779 – 831): tự Vi Chi 微之, một tự khác là Uy Minh 威明, văn học gia đời Đường, người Lạc Dương 洛阳 (nay thuộc Hà Nam 河南).
          Nguyên Chẩn 8 tuổi phụ thân qua đời, sống trong cảnh nghèo khổ, 15 tuổi thi đỗ khoa Minh kinh, 25 tuổi thi đỗ “Thư phán bạt tuỵ khoa” 书判拔萃科, được bổ làm Hiệu thư lang 校书郎. Năm 28 tuổi, đỗ đầu ““Tài thức kiêm mậu minh vu thể dụng khoa” 才识兼茂明于体用科, giữ chức Tả thập di 左拾遗. Năm Nguyên Hoà 元和 thứ 4 (năm 809) ông là Giám sát ngự sử 监察御史. Nhân vì xúc phạm bọn hoạn quan quyền quý, năm sau ông bị biếm làm Tham quân 参军 ở Giang Lăng 江陵. Sau làm Thông Châu Tư mã 通州司马, Quắc Châu trưởng sử 虢州长史. Năm Nguyên Hoà thứ 14, ông giữ chức Thiện bộ viên ngoại lang 膳部员外郎. Năm sau nhờ sự tiến dẫn của hoạn quan Thôi Đàm Tuấn 崔潭峻, ông được cất nhắc giữ chức Từ bộ lang trung 祠部郎中, Tri chế cáo 知制诰. Năm Trường Khánh 长庆 thứ 1 (năm 821), đổi là Trung thư xá nhân 中书舍人, sung Hàn lâm viện thừa chỉ 翰林院承旨. Năm sau giữ chức Tể tướng trong 3 tháng, lại đổi ra làm Đồng Châu thứ sử 同州刺史, Triết đông Quan sát sứ 浙东观察使. Năm Thái Hoà 大和 thứ 3 (829), ông giữ chức Thượng thư Tả thừa 尚书左丞. Nguyên Chẩn mất năm 831.
          Thành tựu nổi bật trong sáng tác của Nguyên Chẩn là thơ, ông nổi tiếng ngang với Bạch Cư Dị 白居易, người đời gọi là “Nguyên Bạch”. Nguyên Chẩn cũng là người khởi xướng phong trào Tân nhạc phủ.
          Nguồn http://www.baike.com/wiki

                                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                                           Quy Nhơn 24/6/2013

Nguyên tác Trung văn
NGUYÊN CHẨN DỮ THÔI OANH OANH
TRUNG HOA ÁI TÌNH SỬ THƯỢNG ĐÍCH NHẤT CÁ ĐỘC ĐẶC PHẠM HÌNH
元稹与崔莺莺
中华爱情史上的一个独特范型
Trong quyển
NGUYÊN CHẨN DỮ THÔI OANH OANH
元稹与崔莺莺
Tác giả: Hứa Tổng 许总
Trung Hoa thư cục, 2004
Previous Post Next Post