Dịch thuật: Nghi thức thăm hỏi (kì 2)

NGHI THỨC THĂM HỎI
(Kì 2)

          Cách ăn mặc cũng có quan hệ với lễ tiết. Cũng như vậy, khi thăm hỏi cũng cần phải ăn mặc chỉnh tề. Ăn mặc chỉnh tề vừa biểu thị sự tự tôn mà cũng là biểu thị sự tôn trọng đối phương. Quần áo cũ rách không nên mặc để đi thăm hỏi, nếu khách không chỉ là 1 người mà là nhiều người, chủ nhân cảm thấy không được vinh dự,  đặc biệt là người có thân phận địa vị, những nhà quyền quý rất chú trọng đến điểm này. Cho nên tiếp khách thường mặc lễ phục đặc biệt, như trong Lợi Mã Đậu Trung Quốc trát kí 利玛窦中国札记 có ghi:
          Đại thần hoặc những người có học vị (chỉ tước hàm công danh như Tiến sĩ, Cử nhân, Tú tài) khi ra khỏi cửa để đi thăm, họ mặc một loại trường bào chuyên dùng, khác với áo dài mặc thường ngày. Thậm chí những nhân vật trọng yếu không có tước hàm vinh dự, khi ra cửa đi thăm cũng mặc một loại bào phục đặc biệt, nếu như mặc quần áo thường ngày sẽ bị người ta chê trách.
          Lễ phục đời Thanh có bào , quái mặc cùng một lúc, bào mặc bên trong, quái khoác bên ngoài, còn gọi là “ngoại quái” 外褂, tức “lễ phục mặc thêm bên ngoài bào, gọi là “ngoại quái”, loại của nam và nữ đều có cùng chung tên gọi”. Khi yết kiến, bên ngoài trường bào phải mặc thêm ngoại quái mới được xem là cung kính. Chỉ có vào những ngày “tam phục” 三伏 (1) thời tiết nóng nhất thì có thể không cần mặc ngoại quái, cho nên khoảng thời gian này được gọi là “miễn quái” 免褂. Ngoài ra quan viên “nếu ra ngoài vì việc công dùng lễ phục tiếp khách thì mặc “hành trang” 行装. Mặc hành trang không cần mặc thêm ngoại quái, mà dùng loại “mã quái” 马褂 vạt áo đối nhau, tay áo rộng để thay thế” (Thanh bại loại sao – Phục sức loại 清稗类钞 - 服饰类).
     Trên đây là những lễ tục liên quan người đi thăm, dưới đây sẽ nói đến lễ tiết của người nghinh đón. Người được thăm nếu biết trước có khách đến thăm thì trước tiên phải quét dọn sắp xếp phòng tiếp khách cho chỉnh tề, bậc tam cấp cũng được quét dọn sạch sẽ, đây là sự kính trọng đối với người đến thăm. Trung Quốc cổ đại có một lễ tục gọi là “ủng tuệ” 拥彗, tức là sau khi khách đến, chủ nhân hoặc nô bộc 2 tay cầm cái “tuệ” (chổi) (chữ cũng còn được viết là ), tức cái chổi đứng ngoài cửa để đón khách, ý nghĩa là bên trong đã dọn sạch, mời khách bước vào. Liên quan với lễ tiết cầm chổi còn có “trắc hành”侧行, “tiền khu” 前驱 (hoặc còn gọi là “tiên khu” 先驱), “khước hành” 却行, đó là nghiêng mình bên cạnh khách, hoặc trước mặt khách đi lùi lại cung kính đưa khách vào nhà. Còn có “phiết tịch” 撇席, “tế tịch” 蔽席, tức phủi bụi nơi chỗ ngồi. Kì thực nơi chỗ ngồi chưa hẳn có bụi, chẳng qua đó chỉ là động tác biểu thị sự nhiệt tình, tôn kính đối với khách mà thôi.
          Những lễ tục nêu trên thường thấy ở những ghi chép trong sử sách trước thời Hán. Thời Chiến quốc, học giả nước Tề là Trâu Diễn 邹衍 đi sang nước Triệu, khi quý tộc Bình Nguyên Quân 平原君nước Triệu nghinh tiếp đã “trắc hành phiết tịch” 侧行撇席; đến nước Yên, Yên Chiêu Vương 燕昭王 ra nghinh đón đã “ủng tuệ tiên khu” 拥彗先驱 (Sử kí- Mạnh Tử Tuân Khanh liệt truyện 史记 - 孟子荀卿列传). Thái tử Đan nước Yên rất muốn gặp mặt Điền Quang 田光 để cùng trò chuyện, khi nghe Điền Quang đến thăm, “Thái tử nghinh đón, “khước hành” để dẫn đường, rồi quỳ gối “tế tịch”.” (Sử kí – Thích khách liệt truyện 史记刺客列传). Giống với “phiết tịch” còn có “tảo tháp” 扫榻 (quét sạp), “phất ỷ” 拂椅 (phủi ghế).
          Chủ khách khi gặp nhau cùng hành lễ, hỏi han. Đưa khách vào sân, vào nhà cũng phải có lễ tiết. Phàm khi đến tam cấp, đến cửa chủ nhân phải nhường khách lên trước, vào trước. Khách lên theo tam cấp nào, chủ nhân lên theo tam cấp nào cũng có lễ nghi. Trung Quốc cổ đại tôn tả hay tôn hữu có sự thay đổi, vì vậy nhường khách lên tam cấp phía tây hay lên tam cấp phía đông tuỳ từng thời kì, từng khu vực mà có sự khác nhau, lễ tục không giống nhau. Như tại nước Triệu thời Chiến quốc lấy phía tây làm tôn quý, công tử nước Nguỵ là Tín Lăng Quân 信陵君 sau khi lấy trộm binh phù để cứu Triệu, vua Triệu muôn phần cảm kích, khi nghinh tiếp Tín Lăng Quân, “Triệu Vương quét dọn tự mình đón tiếp, giữ lễ chủ nhân, đưa công tử đến tam cấp phía tây. Công tử “trắc hành” từ nhượng, lên theo tam cấp phía đông” (Sử kí – Nguỵ công tử liệt truyện 史记 - 魏公子列传). Tin Lăng Quân lên tam cấp phía đông đó là biểu thị sự khiêm tốn. Trong quá trình thực hiện khiêm nhượng, thường làm động tác vái lạy, miệng nói “xin mời”. Sau khi vào phòng khách còn có một quá trình hành lễ mang tính chính thức. Những người có thân phận địa vị ngang nhau thực hiện lễ tiết bình đẳng, như cả hai cùng vái dài, hoặc cùng khấu đầu. Người có thân phận thấp kém yết kiến người có thân phận tôn quý, trước tiên phải hành lễ, bậc tôn quý nhận lễ, hoặc đáp lại nhẹ nhàng. Sau khi hành lễ, chủ nhân mời ngồi, khách khiêm nhường, chỗ ngồi phải có sự phân biệt cao thấp, ngồi vào chỗ nào mỗi người phải dựa vào thân phận của mình mà định. Như đời Thanh, nhỏ bái kiến bậc tôn trưởng hoặc bạn của phụ thân, phải hướng về bắc lạy 2 lạy, bậc tôn trưởng đứng bên đông mặt hướng về tây vái lại đáp lễ. Bậc tôn trưởng cho ngồi, phải vái và nhường bậc tôn trưởng ngồi trước, tự mình “xem hướng ngồi của bậc tôn trưởng mà ngồi hầu bên cạnh” (Sĩ thứ bị lãm 士庶备览, quyển 1).
          Thức uống dùng để đãi khách từ thời Đường về sau chủ yếu là trà. Dùng trà đãi khách là hình thức lễ tiết tương đối cao nhã. Người đời Thanh có bình luận rằng: “Trên từ triều đình yến hưởng, dưới đến tiếp kiến tân khách, đều dùng trà làm đầu, trên cả rượu” (Phúc Cách 福格 “Thính vũ tùng đàm . quyển bát . Trà” 听雨丛谈 . 卷八 . ). Thời Minh Thanh, giữa quan lại khi thăm nhau có lễ tiết 3 lần dâng trà, vả lại gia nhân từ phía nào bưng trà đến mời khách đều có quy củ, dâng trà trước tiên dâng cho khách, nếu chỗ ngồi của khách phía bên trái (thường là phía đông), thì từ bên phải đi đến chỗ ngồi bên trái của khách mà dâng, gọi là “tùng hạ thủ đáo thượng thủ” 从下首到上首, biểu thị người dưới kính người trên. Ở hồi thứ 22 trong Nho lâm ngoại sử 儒林外史, Tri huyện Đổng Anh 董瑛 đến thăm Ngưu Phố 牛浦, khi tiếp đãi, em vợ của Ngưu Phố vì không biết quy củ của lễ tiết tùng hạ tùng thượng nên chỉ dâng 1 lần trà. Ngưu Phố  khom người xin lỗi Đổng Anh, nói rằng: “Tiểu giá (chỉ em vợ Ngưu Phố) là người quê mùa, không biết lễ tiết, xin lão tiên sinh chớ chê cười”.
          Thuốc lá từ sau đời Minh mới nhập vào Trung Quốc, đời Thanh khi tiếp khách còn mời thêm thuốc lá. Chủ khách nói chuyện xong, khách nên chủ động cáo từ. Nếu chủ nhân phiền vì khách ngồi lâu sẽ bưng chén trà lên ngầm tiễn khách. Đối với việc này trong Thanh bại loại sao 清稗类钞 ghi chép tương đối cụ thể: “Quan lại tiếp khách, chủ khách vấn đáp, chủ nhân phiền khách ngồi lâu thì bưng chén trà đưa lên miệng, khách cũng làm theo, nô bộc liền liên tiếp hô ‘tống khách’, tục gọi là ‘đoan trà tống khách’ 端茶送客. Trong Quan trường hiện hình kí 官场现形记 cũng nhiều lần viết về lễ nghi này trong chốn quan trường đời Thanh, như ở hồi thứ 44, vị quan Chế đài 制台 (Tổng đốc 总督) họ Giả truyền gặp mấy vị quan thuộc hạ. Sau khi chuyện trò, “Chế đài thấy đã nói xong, không thể nói thêm, đành bưng chén trà lên tống khách”. Mấy vị thuộc quan thấy thế cũng vội vàng bưng chén trà lên chuẩn bị cáo biệt, trong số đó có một người tên là Tuỳ Phụng Chiêm 随凤占 còn muốn bẩm cáo với vị Chế đài điều gì đó, vừa thấy “mọi người bưng chén trà lên cũng đành phải bưng theo”. Còn có một người tên Thân Thủ Nghiêu 申守尧, “vừa thấy bưng chén trà, đang muốn ra mặt để phô trương với đồng liêu, ….. thấy Chế đài bưng chén trà, vội hai tay bưng lấy chén trà nâng lên, bất giác bị phỏng”, làm rơi bể chén trà trên mặt đất. Chẳng qua những người này ở vào chốn quan trường đã lâu nhưng vẫn không biết gì về lễ tiết này. Lần đầu làm quan nếu không biết điều này sẽ gây ra những trò cười. Ở hồi thứ 19, 2 người quyên tiền được chức quan là Lưu Đại Khỏa Tử 刘大侉子 và Hoàng Tam Lưu Tử 黄三溜子 đi gặp Thự viện 署院 (thay mặt Tuần phủ 巡抚), trong lúc chuyện trò, Thự viện thấy họ bất tài vô thuật, lại “nhân hai người họ hút thuốc nhả khói ngút trời, không có lời nào để nói, đành bưng chén trà lên tống khách ….. Đợi khi Thự viện bưng chén trà đặt xuống lại, Lưu Đại Khoả Tử biết được quy củ, sớm đã đứng lên. Không ngờ Hoàng Tam Lưu Tử vẫn ngồi yên bất động, nói nhỏ với Lưu Đại Khoả Tử rằng: ‘Lưu đại ca, hãy còn sớm, ngồi thêm chút nữa’. Lưu Đại Khoả Tử mặc kệ anh ta. Về sau thấy Thự viện cũng đứng lên, người nhà liên tiếp hô “tống khách”, anh ta đành phải đứng lên bước theo ra bên ngoài”. Người họ Hoàng kia do vì không biết “bưng chén trà” hoá ra chính là “tống khách” nên đã tự chuốc lấy cái nhục.
          Khi khách ra về, chủ nhân phải tiễn ra đến ngoài cửa, khách hành lễ khuyên chủ nhân dừng bước, chủ nhân kiên trì đưa tiễn, hai bên cung kính qua lại một lần nữa, sau đó đợi khách lên ngựa hoặc lên kiệu xong vái chào hoặc khom người cáo biệt một lần nữa. Đương nhiên phải xem thân phận và mối quan hệ giữa hai bên, người có thân phận địa vị cao là chủ nhân thì có thể không cần đích thân tiễn khách mà có thể bảo gia nhân tiễn khách, hoặc chỉ tiễn ra đến cửa mà không tiễn ra tới đầu phố. Nếu có mối quan hệ sâu hơn, chủ nhân cũng có thể đưa tiễn một đoạn đường, sau đó mới lưu lưu luyến cáo biệt.
                                                                                         (còn tiếp)

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- TAM PHỤC 三伏: từ gọi chung của Sơ phục 初伏, Trung phục 中伏, Mạt phục 末伏, đó là lúc nóng nhất trong năm.
          Ngày Canh thứ 3 sau Hạ chí 夏至 bắt đầu là Đầu phục 头伏 (Sơ phục), ngày Canh thứ 4 là Trung phục 中伏 (nhị phục). Ngày Canh đầu tiên sau Lập Thu 立秋 là Mạt phục 末伏 (tam phục). Mỗi “phục” là 10 ngày, tổng cộng là 30 ngày. Cũng có năm Trung phục có 20 ngày, tổng cộng là 40 ngày.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/151955.htm

                                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                                      Quy Nhơn 04/6/2013

Nguyên tác Trung văn
BÁI PHỎNG
拜访
Trong quyển
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
LỄ NGHI
中国民俗文化
礼仪
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Previous Post Next Post