Dịch thuật: Có hay không chuyện nàng Mạnh Khương khóc Trường thành

CÓ HAY KHÔNG CHUYỆN
NÀNG MẠNH KHƯƠNG KHÓC TRƯỜNG THÀNH

          “Mạnh Khương nữ khốc Trường thành” 孟姜女哭长城 là truyền thuyết dân gian cổ đại được lưu truyền ngàn năm nay ở Trung Quốc, có thể nói ai ai cũng biết. Để kỉ niệm nàng Mạnh Khương 孟姜 vạn lí tìm chồng, Sơn Hải quan 山海关 được người đời sau cho là nơi nàng Mạnh Khương khóc Trường thành, đồng thời tại nơi đó lập nên một ngôi miếu, du khách khi đến thăm, không ai là không cảm động. Nhưng có người cho rằng, câu chuyện nàng Mạnh Khương khóc Trường thành thuần tuý chỉ là hư cấu. Trường thành ở Sơn Hải quan được chỉ định là nơi “Mạnh Khương nữ khốc Trường thành” là Trường thành được xây dựng sau triều Tần, còn Trường thành do Tần Thuỷ Hoàng xây thì cách Sơn Hải quan đến mấy trăm dặm. Trong lịch sử có những ghi chép về chuyện khóc đổ Trường thành, nhưng thời gian câu chuyện phát sinh sớm hơn nhiều so với nhà Tần thống nhất 6 nước, vì thế căn bản không liên quan gì đến Tần Thuỷ Hoàng.
          Cuối đời Đường có bài Kỉ Lương thê 杞梁妻, bài thơ nói người vợ của Kỉ Lương 杞梁 là người nước Tần, bà đi đến Trường thành khóc điếu người chồng đã mất khi đi xây dựng Trường thành
Nhất hào thành băng tái sắc khổ
Tái hào Kỉ Lương cốt xuất thổ
一号城崩塞色苦
再号杞粱骨出土
Khóc lên một tiếng, nới biên tái mịt mờ sắc khổ
Khóc lên lần nữa, hài cốt của Kỉ Lương lộ ra
          Đến đời Tống, Kỉ Lương bắt đầu có họ, nhưng có các thuyết khác nhau, có thuyết cho là họ Phạm , có thuyết cho là họ Vạn , còn có thuyết gọi là Kỉ Lang 杞郎 hoặc Hỉ Lương 喜梁. Trịnh Tiều 郑樵 thời Nam Tống nói rằng:
          Kỉ Lương chi thê, vu kinh truyện sở ngôn giả, sổ thập ngôn nhĩ, bỉ tắc diễn thành vạn thiên ngôn …..
          杞梁之妻, 于经传所言者, 数十言耳, 彼则演成万千言 …..
          (Vợ của Kỉ Lương, trong kinh truyện có nói đến chỉ có mấy chục lời, rồi thì diễn thành ngàn vạn lời)
          Xem ra nàng Mạnh Khương khóc Trường thành là từ câu chuyện về người vợ của Kỉ Lương diễn biến thành, còn chuyện hình thành vào thời Bắc Tống.
          Câu chuyện, truyền thuyết rốt cuộc không thay thế được sự thật lịch sử, trên thực tế, không có chuyện nàng Mạnh Khương khóc Trường thành. Nhưng do bởi tính sinh động và màu sắc bi kịch của câu chuyện nên đã thành tư liệu để mọi người mượn mà phát huy. Có quan điểm cho rằng, căn cứ vào sự biến đổi không ngừng của thời thế và phong tục, chuyện nàng Mạnh Khương khóc Trường thành cũng không ngừng biến đổi. Thời Chiến quốc, ở đô thành nước Tề thịnh hành việc khóc điếu, Kỉ Lương chết vì chiến tranh còn người vợ khóc điếu là tài liệu cho bi kịch. Thời Tây Hán thịnh hành thuyết “thiên nhân cảm ứng”, sự kiện khóc chồng là Kỉ Lương đã thành sự cảm ứng núi lở, thành sụp. Đến thời Lục triều, Tuỳ Đường, trong nhạc phủ xuất hiện khúc “tống y” 送衣, vì thế lại tăng thêm nội dung tặng chồng áo lạnh. Có thể thấy, chuyện nàng Mạnh Khương khóc Trường thành thuận ứng với trào lưu của diễn biến văn hoá, đồng thời phát triển trên cơ sở tình cảm và sự tưởng tượng của nhân dân.
          Nhưng cũng có người căn bản phủ định nàng Mạnh Khương tức “Kỉ Lương chi thê” 杞梁之妻 trong Tả truyện 左传, họ cho rằng trong xã hội phong kiến, dân sống cơ cực, đề tài khóc chồng rất ít thấy, nếu chỉ đơn thuần dựa vào việc khóc chồng trong Tả truyện mà đưa ra luận đoán thì không thể khiến người ta tin phục.
Cũng có người nói, Trường thành nghiêm trang to lớn mà bị người phụ nữ khóc đổ thì quá ư là hoang đường. Hơn nữa, nàng Mạnh Khương nước Tề bị biến thành nàng Mạnh Khương nước Tần, đánh thành Cử bị sửa thành là tu sửa Trường thành, đây là cố ý lén trút tội lên người Tần Thuỷ Hoàng.
Hơn 2000 năm nay truyền thuyết nàng Mạnh Khương khóc Trường thành với cố sự, ca dao, hí khúc … các hình thức đã lưu truyền khắp Trung Quốc. Mức độ chân thực của câu chuyện sớm đã bị gạt sang một bên, điều mà mọi người ngưỡng mộ đó là tình yêu kiên trinh trước sau như một và tinh thần phản kháng kiên định đối với kẻ thống trị, quả là:
Tần Hoàng an tại tai, , vạn lí trường thành trúc oán;
Mạnh Khương vị vong dã, thiên thu phiến thạch minh trinh.
秦皇安在哉,万里长城筑怨
孟姜未亡也,千秋片石铭贞
(Tần Hoàng há yên chăng, muôn dặm trường thành xây oán hận
Mạnh Khương không chết được, ngàn thu phiến đá khắc kiên trinh)
(Câu đối của Văn Thiên Tường đời Tống đề ở miếu Mạnh Khương)

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 15/6/2013

Nguyên tác Trung văn
MẠNH KHƯƠNG NỮ KHỐC TRƯỜNG THÀNH
THỊ PHỦ CHÂN HỮU KÌ SỰ
孟姜女哭长城是否真有其事
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009
Previous Post Next Post