TẬP TỤC ĐỘI BÚI TÓC GIẢ
Búi tóc
giả thời cổ gọi là “biên” 编, “phó” 副. Từ đời Hán trở đi gọi là “giả kế” 假髻, đời Đường gọi là “nghĩa kế” 义髻,
đời Minh Thanh gọi là “thu kế” 鬏髻.
Từ thời
cổ đại, phụ nữ Trung Quốc đã biểu hiện rõ thiên tính yêu cái đẹp của mình. Để
cho búi tóc của mình đạt đến tiêu chuẩn thời thượng, một số phụ nữ với đầu tóc
ít và ngắn đã nghĩ đến cách dùng tóc của người khác gắn lên tóc của mình, kiểu
đầu tóc này được gọi là “giả phát” 假发. Như trong Sự vật nguyên thuỷ 事物原始 ghi rằng:
Phụ nhân quả phát, giả nhân chi phát dĩ vi kỉ
phát, danh viết giả phát.
妇人寡发,假人之发以为己发,名曰假发
(Phụ nữ tóc ít, mượn tóc của người khác làm tóc của
mình gọi là “giả phát”)
Tập tục
dùng tóc giả sớm đã xuất hiện từ thời Tiên Tần. Những ghi chép sớm nhất về người
xưa dùng tóc giả được thấy trong Chu lễ 周礼. Truyền thuyết kể rằng, Lỗ Ai Công tại thành tường
nhìn thấy một cô gái tóc đẹp như mây liền sai người cắt mái tóc đó để làm tóc
giả cho Vương hậu Lữ Khương 吕姜, và gọi đó là “phó” 副.
Vào thời Hán, tóc giả chủ yếu do vương công quý tộc sử dụng. Tân Truy 辛追, nữ chủ nhân mộ thời Hán tại Mã Vương Đôi 马王堆 ở
Trường Sa 长沙 lúc nhập táng đã đội tóc giả. Đến thời Lục triều tóc
giả đã thịnh hành trong dân gian. Thời Tiên Tần dùng tóc của nô lệ, đời sau
dùng lông đuôi ngựa, hoặc vàng hoặc bạc kéo thành sợi nhỏ làm thành hình búi
tóc dành cho phụ nữ đội trên đầu trang sức.
Kiểu đầu
tóc của phụ nữ thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều có hơi khác với các thời đại trước.
Kiểu “tế kế” 蔽髻 lưu hành thời Nguỵ Tấn là một loại tóc giả. Trong Tế kế minh 蔽髻铭 Tấn Thành Công từng miêu tả qua, trên búi tóc có
trang sức bằng vàng, mỗi kiểu đều có chế độ nghiêm nhặt, không phải mệnh phụ
thì không được dùng. Phụ nữ bình thường ngoài việc dùng tóc của chính mình búi
lại thành nhiều kiểu khác nhau, cũng còn có đội tóc giả, nhưng loại tóc giả này
rất giản đơn, trang sức trên búi tóc cũng không phức tạp như “tế kế”, lúc bấy
giờ gọi là “hoãn tấn khuynh kế” 缓鬓倾髻.
Trong Tấn thư – Đào Khản mẫu Trạm thị truyện 晋书 - 陶侃母湛氏传 có chép một câu chuyện như sau:
Đào Khản 陶侃 lúc còn trẻ,
nhà rất nghèo. Có một lần Phạm Quỳ 范逵 đến nghỉ qua
đêm, trong nhà không có gì để đãi khách. Đào mẫu âm thầm cắt mái tóc dài của
mình bán cho hàng xóm để lấy tiền mua thức ăn đãi Phạm Quỳ. Phạm Quỳ biết được
khen rằng: “Không phải người mẹ này thì không thể sinh ra người con này”. Về
sau Đào Khản trưởng thành luôn nhớ tới tấm lòng của mẹ mà gắng chí.
Sau
niên hiệu Thiên Bảo 天宝 nhà Đường, loại mũ người Hồ dần phế bỏ, lưu hành việc
đội tóc giả. Phụ nữ quý tộc dùng tóc giả để trang sức. Dương Quý Phi 杨贵妃 có “nghĩa kế” 义髻 rất đẹp, dùng sợi thép vấn tóc đan lại mà thành. Còn
có một loại “nghĩa kế” dùng gỗ mỏng làm thành kiểu búi tóc, bên trên gắn thêm
châu báu hoặc những hình màu, gọi là “mộc kế” 木髻.
Thời Tống
vẫn xem búi tóc cao là đẹp, đa phần đều dùng tóc giả, trên búi tóc thường có
trâm lược hình hoa điểu có gắn vàng bạc châu ngọc.
Tóc giả
thời Minh có “a kế” 丫髻, “vân kế” 云髻, trong đó có một loại
được gọi là “cổ” 鼓, dùng sợi thép làm thành khung tròn, bên ngoài vấn
tóc, làm thành vật trang sức cố định, so với búi tóc vốn có cao hơn một nửa,
khi dùng chụp lên búi tóc, dùng trâm giữ đầu tóc. Đầu đời Thanh vẫn còn những
tiệm bán đồ trang sức bán tóc giả.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 22/5/2013
Nguyên tác Trung văn
GIẢ KẾ PHONG TÌNH
假髻风情
Trong quyển
PHỤC SỨC
服饰
Biên soạn: Vân Trung Thiên 云中天
Bách Hoa Châu văn nghệ xuất bản xã, 2006
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật