PHỤC HI VÀ THẦN NÔNG
TƯỢNG TRƯNG CỦA SỰ HÌNH THÀNH VĂN HOÁ HOA HẠ
Trong
thần thoại cổ đại Trung Quốc có Phục Hi 伏羲,
Phục Hi kết dây làm lưới, chế tạo ra những công cụ săn bắt mới, đồng thời “hoạ
bát quái” 画八卦, “chính tính thị” 正姓氏,
“chế giá thú chi lễ” 制嫁娶之礼, “tạo cầm sắt” 造琴瑟, đây chính là quá độ của thời đại săn bắt hướng đến
thời đại nông nghiệp, phản ánh trình độ văn minh dần được nâng cao.
Sau Phục
Hi có Viêm Đế Thần Nông 炎帝神农, Thần Nông chế tạo
ra nông cụ, nếm qua trăm loại cây cỏ, là người sáng tạo ra văn minh nông nghiệp. Trong Xuân Thu Nguyên mệnh bao 春秋元命苞 ghi rằng:
Thần Nông sinh tam thần nhi năng ngôn, ngũ
nhật nhi năng hành, thất triêu nhi xỉ cụ, tam tuế nhi tri giá sắc bàn hí chi sự.
神农生三辰而能言, 五日而能行, 七朝而齿具, 三岁而知稼穑般戏之事.
(Thần
Nông sinh ra được 3 ngày thì biết nói, 5 ngày thì biết đi, 7 ngày răng mọc đủ,
3 tuổi biết được những việc mùa màng vui chơi)
Trong Hoài Nam Tử - Tu vụ huấn 淮南子 - 修务训 cũng ghi:
Vu thị Thần Nông thị nãi thuỷ giáo dân bá chủng
ngũ cốc, tướng thổ địa chi nghi, táo thấp phì cao cao hạ, thường bách thảo chi
tư vị, thuỷ tuyền chi cam khổ, linh dân tri sở tị tựu. Đương thử chi thời, nhất
nhật nhi ngộ thất thập độc.
于是神农氏乃始教民播种五谷, 相土地之宜, 燥湿肥高高下, 尝百草之滋味, 水泉之甘苦, 令民知所避就. 当此之时, 一日遇七十毒.
(Vì thế
Thần Nông bắt đầu dạy dân gieo trồng ngũ cốc, xem đất đai thích nghi, khô hạn ẩm
thấp tốt xấu, nếm mùi vị của trăm loại cỏ cây, sông suối ngọt đắng, khiến dân
biến được chỗ nào tránh chỗ nào đến. Lúc bấy giờ, trong một ngày mà gặp phải 70
loại độc).
Trong Lễ kí – Tế pháp 礼记 - 祭法 thì ghi rằng:
Lệ Sơn thị, Viêm Đế dã, khởi vu Lệ Sơn. Hoặc
viết Hữu Liệt Sơn thị (1).
厉山氏, 炎帝也, 起于厉山. 或曰有烈山氏
(Lệ Sơn
tức Viêm Đế, khởi đầu ở Lệ sơn. Hoặc còn gọi là Hữu Liệt Sơn)
Nông
nghiệp thời nguyên thuỷ, khâu chủ yếu là nổi lửa đốt núi, mục đích là để khai
khẩn đất rừng, xua đuổi dã thú, đây gọi là “đao canh hoả chủng” 刀耕火种. Danh hiệu “Viêm Đế”, “Liệt Sơn thị” có khả năng bắt
nguồn từ đây.
Kì thực,
Phục Hi và Thần Nông cũng chính là nhân vật lãnh tụ trong thị tộc người Bùi Lí
Cương 裴李崗 và người Từ Sơn 磁山 (2).
Nghiêm
túc mà nói, văn hoá Hoa Hạ rốt cuộc bắt
đầu từ khi nào? Có lẽ phải truy ngược lên thời kì 6000 năm trước công nguyên đến
4000 năm trước công nguyên, sự hỗ tương giao lưu, dung hợp và phân hoá của văn
hoá đồ đá mới phân bố ở lưu vực Hoàng hà và lưu vực Trường giang chính là khởi
đầu của sự hình thành văn hoá Hoa Hạ. Còn Phục Hi, Nữ Oa, Viêm Đế, Thần Nông và
Hiên Viên, Hoàng Đế sau đó trong thần thoại chính là tượng trưng thần thoại của sự hình thành văn hoá Hoa Hạ.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Theo http://baike.baidu.com/view/41232.htm,
câu này là lời chú của Trịnh Huyền 郑玄 khi chú bộ Lễ kí 礼记.
Thiên Tế pháp 祭法 trong Lễ kí 礼记 ghi rằng:
Thị cố Lệ Sơn thị chi hữu thiên hạ dã,
kì tử viết Nông, năng thực bách cốc.
是故厲山氏之有天下也, 其子曰農, 能殖百穀.
(Cho nên khi Lệ Sơn thống trị
thiên hạ, con của ông ta tên là Nông có thể trồng trăm loại lúa)
(Theo Lễ kí dịch giải 禮記譯解 của Vương Văn Cẩm 王文錦,
tập hạ, trang 675, Trung Hoa thư cục, 2007).
(2)- BÙI LÍ CƯƠNG 裴李岗:
chỉ văn hoá Bùi Lí Cương, tức văn hoá thời đại đồ đá mới ở khu vực trung du
Hoàng hà. Do bởi khai quật đầu tiên tại thôn Bùi Lí Cương, Tân Trịnh 新郑, Hà Nam
河南 nên có tên như thế.
TỪ SƠN 磁山: chỉ văn hoá Từ
Sơn, tức văn hoá thời đại đồ đá mới tảo kì. Văn hoá Từ sơn phân bố chủ yếu ở Hà
Bắc và phía bắc Hà Nam .
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 07/5/2013
Nguyên tác Trung văn
PHỤC HI THỊ HOÀ THẦN NÔNG THỊ
HOA HẠ VĂN HOÁ HÌNH THÀNH ĐÍCH TƯỢNG TRƯNG
伏羲氏和神农氏
华夏文化形成的象征
Trong quyển
ĐỒ VĂN TRUNG QUỐC THÔNG SỬ
图文中国通史
(tập Sử tiền sử - Chiến quốc)
Chủ biên: Triệu Hướng Tiêu 赵向标
Tân Cương nhân dân xuất bản xã, 2002.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật