Dịch thuật: Bát tiên


BÁT TIÊN

          Bát tiên là 8 vị thần tiên của Đạo giáo luôn khuyến thiện trừng ác, nâng đỡ người nghèo được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, và rất được sự sùng bái của mọi người. Trong nghệ thuật tạo hình dân gian, đề tài từ tiên nhân tổ hợp lại mà thành, thì bát tiên có tính đại biểu nhất, 8 vị tiên này là do mọi người chọn lựa từ nhiều câu chuyện thành tiên quy nạp lại. Họ là Trương Quả Lão 张果老, Lữ Động Tân 吕洞宾, Hàn Tương Tử 韩湘子, Thiết Quải Lí 铁拐李, Hà Tiên Cô 何仙姑, Chung Li Quyền 钟离权, Tào Quốc Cữu 曹国舅 và Lam Thái Hoà 蓝采和, còn được gọi là “Minh bát tiên” 明八仙. Ngoài ra còn có “Ám bát tiên” 暗八仙, chỉ 8 món mà 8 vị cầm, tức cái mõ hình con cá (ngư cổ  鱼鼓) của Trương Quả Lão, cây gươm (bảo kiếm 保剑) của Lữ Động Tân, giỏ hoa (hoa lam 花篮) của Hàn Tương Tử, hoa sen và lá sen (hà hoa 荷花, hà diệp 荷叶) của Hà Tiên Cô, bầu hồ lô (hồ lô 葫芦) của Thiết Quải Lí, cây quạt (phiến tử 扇子) của Chung Li Quyền, phách âm dương (âm dương bản 音阳板) của Tào Quốc Cữu, cây sáo ngang (hoành địch 横笛) của Lam Thái Hoà. 8 món này thường đơn độc tổ hợp thành đồ án cát tường, lấy đó thay cho bát tiên để chúc thọ.
          Đề tài cát tường trong dân gian, bát tiên thường xuất hiện ở các loại hình nghệ thuật với những chất liệu khác nhau như: điêu khắc gỗ, điêu khắc đá, tranh tết, cắt giấy, tạo tượng, đồ gốm v.v… Đặc trưng, đạo cụ, của nhân vật vừa được xác định lại có sự khác nhau. Vừa được dùng để dâng cúng lại được dùng để trang trí trong kiến trúc, cũng còn được dùng để chơi, hoặc làm quà tặng, tất cả đều ngụ ý cát tường.
          Trong việc tạo hình bát tiên, hình tượng được các tác giả tạo ra cũng khác nhau, đặc biệt là diện mạo tinh thần: có loại như một nhóm quan lại, có loại như một bầy trẻ nhỏ, có loại toàn là người già, râu tóc bạc phơ, vẻ mặt hiền từ … Về thủ pháp tạo tượng, có tượng thì thô ráp, có tượng thì tinh tế, có tượng giản dị thuần phác, có tượng linh động phiêu dật, cũng có tượng hiền hậu đáng yêu, mỗi cụm tác phẩm đều có phong cách riêng biệt. Thông tục hoá việc tạo hình và đặc trưng phù hiệu cát tường khiến cho đồ án bát tiên có sức lan toả thẩm mĩ, ngôn ngữ phù hiệu tạo hình truyền thống này không chỉ khiến cho văn hoá truyền thống được lưu truyền rộng rãi mà còn khiến cho loại hình thức nghệ thuật này trong mĩ thuật dân gian trở thành nghệ thuật đại chúng hoá.
          Đạo giáo có đặc điểm dân tộc rõ nét, nó khác với Phật giáo, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo lưu hành ở Trung Quốc. Nó là tôn giáo dân tộc mọc rễ từ bản quốc, bắt nguồn từ văn hoá cổ đại. Tôn chỉ tín ngưỡng của Đạo giáo là truy cầu trường sinh bất lão, đắc đạo thành tiên, xem trọng giá trị sinh mệnh cá thế, tin tưởng  rằng trải qua sự tu luyện nhất định, con người có thể thoát thai hoán cốt, trực tiếp siêu phàm nhập tiên, đây là điểm khác nhau căn bản của nó với các tín ngưỡng tôn giáo khác.
          Theo tín ngưỡng tiên nhân của dân gian, trong truyền thuyết, một bộ phận là các đạo sĩ tu luyện đắc đạo mà thành, đại biểu cho bộ phận này có bát tiên được sùng bái phổ biến nhất và một số Tổ sư  mà Đạo giáo công nhận; một bộ phận khác là những cổ phương sĩ, hoặc những danh nhân kì dị thăng thiên thành tiên nhân, chân nhân sau khi Đạo giáo được hưng khởi, đại biểu cho bộ phận này là những phương tiên dị nhân cổ đại, như: Bành Tổ 彭祖, Xích Tùng Tử 赤松子, Quảng Thành Tử 广成子, Dung Thành Công 容成公, Hoàng Thạch Công 黄石公, Hà Thượng Công 河上公, Vương Tử Kiều 王子乔, Ma Cô 麻姑. Gọi là “tiên” đó là những phương sĩ, đạo sĩ cổ đại huyễn tưởng thành những người trường sinh bất lão, siêu phàm thoát tục, đồng thời có năng lực siêu phàm thần thông biến hoá. Theo giải thích của Đạo gia Cát Hồng 葛洪 thời Đông Tấn trong Thần tiên truyện 神仙传:
          Tiên nhân giả, hoặc tủng thân nhập vân, vô xí nhi phi; hoặc giá long thừa vân, thướng tháo thiên giai; hoặc hoá vi điểu thú, du phù thanh vân; hoặc tiềm hành giang hải, cao tường danh sơn; hoặc thực nguyên khí; hoặc nhự chi thảo; hoặc xuất nhập nhân gian nhi nhân bất thức; hoặc ẩn kì thân nhi mạc chi kiến. Diện sinh dị cốt, thể hữu kì mao, suất hiếu thâm tích, bất giao lưu tục.
          仙人者, 或竦身入云, 无翅而飞; 或驾龙乘云, 上造天阶; 或化为鸟兽, 游浮青云; 或潜行江海, 翱翔名山; 或食元气, 或茹芝草; 或出入人间而人不识; 或隐其身而莫之见. 面生异骨, 体有奇毛, 率好深僻, 不交流俗.
          (Tiên nhân là những người hoặc vươn vào trong mây, không có cánh mà vẫn bay được, hoặc cưỡi rồng cưỡi mây lên đến cổng trời, hoặc hoá thành điểu thú, ngao du trên mây xanh; hoặc đi dưới sông biển, bay lượn trên núi cao; hoặc ăn nguyên khí, hoặc ăn cỏ chi; hoặc ra vào chốn nhân gian mà không ai biết; hoặc ẩn thân nhìn mà không thấy. Trên mặt sinh xương lạ, trên người mọc lông lạ, ưa thích nơi thanh vắng, không giao lưu với thế tục)
          Đỗ Quang Đình 杜光庭, một đạo sĩ nổi tiếng thời Đường – Ngũ đại trong Dung thành tập tiên lục 墉城集仙录 đã phân loại tiên ra làm 9 phẩm:
          - Một là Thượng tiên 上仙
     - Hai là Thứ tiên 次仙
          - Ba là Thái thượng chân nhân 太上真人
          - Bốn là Phi thiên chân nhân 飞天真人
          - Năm là Linh tiên 灵仙
     - Sáu là Chân nhân 真人
          - Bảy là Linh nhân 灵人
          - Tám là Phi tiên 飞仙
          - Chín là Tiên nhân 仙人.
          Đối với tín ngưỡng dân gian mà nói, chỉ cần nguyên hình của họ là nhân vật thì đều có thể gọi là Tiên nhân.
                                                                                   (còn tiếp)

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 04/5/2013

Nguyên tác Trung văn
QUAN VU BÁT TIÊN
关于八仙
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI BÁT TIÊN TẠO HÌNH NGHỆ THUẬT
中国历代八仙造型艺术
Biên soạn: Trịnh Quân 郑军, Lưu Đông Vân 刘冬云
Nhân dân mĩ thuật xuất bản xã, 2007.
Previous Post Next Post