TÍNH THỊ THỜI TIỀN SỬ
Tập tục
về tính thị (1) của người Trung Quốc hình thành từ lúc nào, hiện tại rất
khó khảo tra. Theo lí thuyết, vào thời tiền sử xa xưa đã có tập tục về tính thị.
Bộ lạc nguyên thuỷ của nhân loại đã có danh xưng. Danh xưng của bộ lạc lúc bấy
giờ chính là ngọn nguồn của tính thị. Nhưng thời bấy giờ vẫn chưa phát minh ra
văn tự, đối với một số danh xưng bộ lạc chỉ dựa vào truyền thuyết mới có thể bảo
tồn được một số kí ức. Những truyền thuyết lẻ tẻ và những kí ức đó, đương nhiên
không thể tránh khỏi thất thoát và sai lạc. Hơn nữa cho dù là chính xác, cũng
chỉ có thể là một bộ phận cực nhỏ trong tính thị thời thượng cổ, không thể là đại
bộ phận, càng không thể là toàn bộ.
Đại
khái là đến vãn kì thời đại đồ đá cũ, theo sự phát triển và diễn biến của sản
xuất và sinh hoạt, trình độ nhận thức của nhân dân cũng dần được nâng cao, đối
với việc loạn giao trực hệ không hạn chế, họ cảm thấy không có lợi. Đây là kết
quả tích luỹ được từ những kinh nghiệm trong một thời gian dài ở thời đại mẫu hệ,
phát hiện ra kết hôn cùng huyết thống không có lợi cho thế hệ sau. Vì vậy, yêu
cầu đầu tiên đối với các thị tộc không cùng huyết thống cần phải phân ra. Đồng
thời, do bởi sự sinh sôi không ngừng của chủng tộc, địa bàn cư trú cũng phải
phân tán. Căn cứ mối quan hệ thân sơ, cùng với địa bàn cư trú xa gần, trong một
tộc tự nhiên sẽ có nhiều phân chi. Đối với một số phân chi của các thị tộc phải
có tiêu chí đặc thù, đó chính là “tính”. Nhìn từ điểm này, việc sản sinh ra
“tính” là tiêu chí của xã hội nhân loại phát triển đến một giai đoạn nhất định.
Nhìn từ góc độ hôn nhân, đó là tiêu chí quan trọng từ chế độ nội hôn của thị tộc phát triển đến chế độ ngoại
hôn của thị tộc. “Tính” dùng để “minh thế hệ” 明世系,
“biệt hôn nhân” 别婚姻.
Do bởi
khởi nguồn của tính là lấy mẫu hệ làm trung tâm, không liên quan gì đến phụ hệ,
nên tính của người dân lúc ban đầu đa phần đều có bộ “nữ” 女, như 姚 (Diêu), 姒 (Tự), 姬 (Cơ), 姜 (Khương), 妫 (Quy), 嬴 (Doanh), 姑 (Cô), 妘 (Vân).
Chính
vì do bởi sự sản sinh của “tính” là thoát thai từ xã hội thị tộc mẫu hệ, nên sự
giải thích đối với “tính” cũng tràn đầy sắc thái mẫu hệ. Hứa Thận 许慎 trong Thuyết
văn giải tự 说文解字 đối với “tính” đã giải thích rằng:
Tính, nhân sở sinh dã. …..Tùng nữ tùng
sinh.
姓,人所生也.…… 从女从生
(Tính là do con người sinh ra. ….. gồm chữ “nữ” và chữ
“sinh”)
Có thể
thấy, ý nghĩa của “tính” là do “nữ” “sinh” ra.
Chữ
“tính” “tùng nữ tùng sinh”, thể hiện rõ mối quan hệ huyết thống của tính, trực
tiếp nói lên người cùng một tính đều là con cháu của của cùng một bà tổ. Đây
chính là kí hiệu của một nhóm người có quan hệ huyết thống trong xã hội thị tộc
mẫu hệ.
Trịnh
Tiều 郑樵, sử học gia thời Nam Tống trong lời tựa bộ Thông chí 通志 nói rằng:
Dân sinh chi bản, tại vu tính thị. Nam tử xưng thị, sở
dĩ biệt quý tiện. Nữ tử xưng tính, sở dĩ biệt hôn nhân.
民生之本,在于姓氏.男子称氏,所以别贵贱.女子称姓,所以别婚姻.
(Cái gốc của dân sinh là ở
chỗ tính thị. Đàn ông xưng thị là để phân biệt sang hèn. Đàn bà xưng tính là để
phân biệt hôn nhân).
Khi
biên soạn thiên Tính danh 姓名 trong bộ Bạch Hổ thông nghĩa 白虎通义, Ban Cố 班固 cũng nói rằng:
Nhân sở dĩ hữu tính giả hà? Sở dĩ sùng ân
ái, hậu thân thân, viễn cầm thú, biệt hôn nhân. Cố (kỉ) thế biệt loại, sử sinh
tương ái, tử tương ai. Đồng tính bất đắc tương thú, giai vị trọng nhân luân dã.
人所以有姓者何? 所以崇恩爱, 厚亲亲, 远禽兽, 别婚姻也. 故 (纪) 世别类, 使生相爱, 死相哀. 同姓不得相娶, 皆为重人伦也.
(Con
người vì sao có tính? Đó là để tôn sùng ân ái, gắn kết người thân, để khác xa
loài cầm thú, để phân biệt hôn nhân. Cho nên chép “thế” là để phân biệt loài,
khiến cho lúc sống thương yêu nhau, lúc chết cùng buồn đau. Cùng một tính không
được lấy nhau, tất cả đều là vì coi trọng nhân luân)
Theo sự
phát triển của xã hội và việc tăng nhân khẩu, lại thêm địa bàn sinh sống không
ngừng mở rộng, thân phận nghề nghiệp không ngừng thay đổi, thị tộc vốn có trước
đó cũng không ngừng phân chia thành một số thị tộc mới. Tiếp đó, quan hệ huyết
thống theo mẫu hệ trước đó cũng dần phát triển đến mối quan hệ huyết thống theo
phụ hệ. Đối với vấn đề này, trong Thông
giám – Ngoại kỉ 通鉴 - 外纪 đã ghi rất rõ:
Tính giả thống kì tổ khảo chi sở tự xuất, thị
giả biệt kì tử tôn chi sở tự phân.
姓者统其祖考之所自出, 氏者别其子孙之所自分.
(Tính là để thống nhất những người cùng một tổ tông mà
ra, thị là để phân biệt con cháu được chia ra từ đó).
Như vậy,
một “tính” được phân chia thành một số phân chi, đó chính là “thị”. Tương truyền
Hoàng Đế 黄帝 có 25 người con phân thành 12 tính, tức Cơ 姬, Cô 姑, Dậu 酉, Kì 祁, Kỉ 己, Đằng 滕, Châm 箴, Tuân 荀, Nhậm 任, Hi 僖, Hoàn 儇, Y 依. 12 tính này sau khi
chia nhau ra cư trú các nơi lại không ngừng sinh sôi, vì thế đã sinh ra một số
thị.
Ví dụ: tính Doanh 赢 phân thành 14 thị, tức Từ 徐,
Đàm 郯, Cử 莒, Chung Li 钟离, Vận Am 运菴, Thố Cừu 菟裘, Tương Lương 将梁,
Hoàng 黄, Giang 江, Tu Ngư 修鱼, Bạch Minh 白冥, Phi Liêm 蜚廉, Tần 秦, Triệu 赵.
Tính Cơ 姬 phân thành 61 thuộc địa, 432 thị;
Tính Kỉ 己 phân thành 3 thuộc địa, 13 thị;
Tính Nhậm 任 phân thành 10 thuộc địa, 13 thị.
Do bởi “thị” từ “tính” mà
ra, là phân chi của “tính”, là sản vật của xã hội phụ quyền, phản ánh mối quan
hệ chiếm hữu nhất định; nhân đó thị tộc theo chế độ gia trưởng phụ hệ tồn tại
phổ biến lúc biến lúc bấy giờ đều lấy “thị” để xưng gọi. Thủ lĩnh của những thị tộc đó chính là đại
biểu của thị tộc, cũng dùng “thị” để chuyên xưng, như Hoàng Đế 黄帝 xưng là Hiên Viên thị 轩辕氏;
Viêm Đế 炎帝 xưng là Liệt Sơn thị 烈山氏
(hoặc Lệ Sơn thị 厉山氏); Nghiêu 尧 xưng là Đào Đường thị
陶唐氏, Thuấn 舜 xưng là Hữu Ngu thị 有虞氏.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- TÍNH THỊ 姓氏:
chỉ “tính” và “thị”. Tính và thị vốn có sự phân biệt, tính bắt nguồn từ nữ; thị
bắt nguồn từ nam. Sau thời Tần Hán, tính và thị hợp nhất, gọi là “tính”, hoặc gọi
chung là “tính thị”.
Thời Hạ,
Thương, Chu , có tính và cũng có cả thị. “Tính”
là tên gọi từ bộ lạc nơi cư trú hoặc tộc danh của bộ tộc mà ra. “Thị” bắt nguồn
từ vùng đất được phong tặng, tước vị được ban cho, chức quan đảm nhiệm hoặc
xưng hiệu sau khi mất dựa vào công tích được truy phong. Cho nên quý tộc có
tính, có danh mà cũng có cả thị; bình dân có tính, có danh nhưng không có thị.
Nam nữ cùng “thị” có thể thông hôn; nam
nữ cùng “tính” lại không thể thông hôn, bởi người Trung Quốc đã sớm phát hiện
quy luật di truyền: cận thân thông hôn đối với đời sau không có lợi.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 21/4/2013
Nguyên tác Trung văn
SỬ TIỀN THỜI ĐẠI ĐÍCH TÍNH THỊ
史前时代的姓氏
Trong quyển
BÁT TỰ HÔN NHÂN HỌC
八字婚姻学
Tác giả: Vương Trạch Thụ 王泽树
Thanh Hải nhân dân xuất bản xã, 2005.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật