Dịch thuật: Điều kiện phát triển của thể dục ... (tiếp theo)


ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN CỦA THỂ DỤC
 THỜI HẠ, THƯƠNG, TÂY CHU
(tiếp theo)

3- Tác dụng của tôn giáo tế tự, lễ chế cùng sự phát triển của nghệ thuật đối với thể dục.
          Sự sùng bái tổ tiên, quan niệm tôn giáo mê tín quỷ thần cùng những hoạt động tế tự long trọng của nó ở hậu kì xã hội nguyên thuỷ đã được kế thừa và phát triển ở xã hội theo chế độ nô lệ. Đây cũng là một bộ phận trọng yếu trong sinh hoạt văn hoá xã hội của người đương thời. Như chủ nô lệ triều Hạ sùng tín “thiên mệnh”, là “tôn mệnh văn hoá” 尊命文化, mượn sự “khải thị” của thiên ý và quỷ thần để thực hành sự bóc lột và thống trị một cách tàn khốc đối với nô lệ. Kẻ thống trị đời Thương đã đổi sang sùng tín quỷ thần, là “tôn thần văn hoá” 尊神文化 nhất thần. Chủ nô lệ bất luận việc lớn nhỏ đều thỉnh ý kiến của thần, do đó việc bói toán vô cùng thịnh hành, hoạt động tế tự cũng vô cùng phiền phức. Kẻ thống trị thời Tây Chu có bài học diệt vong của đời Thương, cảm thấy mê tín quỷ thần cũng không thể dựa, nhân đó đã đổi sang “tôn lễ văn hoá” 尊礼文化, ngoài việc tiếp tục dùng mê tín tôn giáo và hình pháp nghiêm nhặt để thống trị ra, còn thông qua việc định một hệ thống “lễ chế” về danh phận đẳng cấp để thực hành cái gọi là “đức chính” 德政 và “lễ trị” 礼治. Đi theo một số hoạt động mê tín và “lễ chế” là những lễ tế và trình thức lễ nghi dần được hình thành, thậm chí có lúc đạt đến trình độ chi li phức tạp, nhưng mọi người lại “cam chi như di” 甘之如饴 (coi ngọt như đường). Những điều đó đều quán xuyến các phương diện như chính trị, kinh tế, văn hoá giáo dục, đối với tiến trình phát triển của thể dục lúc bấy giờ đương nhiên cũng mang lại ảnh hưởng sâu sắc, như “lễ xạ” 礼射 thời Tây Chu chính là minh chứng rõ nét.
          Ảnh hưởng quan trọng đối với thể dục còn có sự phát triển của quan điểm nghệ thuật (mĩ học), như việc tạo hình và trang trí đồ gốm, đồ đồng lúc bấy giờ đẹp và giản dị thuần khiết, có sức khái quát và sức biểu hiện nghệ thuật tương đối cao; ở phương diện âm nhạc, vũ đạo cũng phong phú hơn và được nghiên cứu kĩ hơn so với nội dung của hậu kì xã hội nguyên thuỷ, các hình thức nghệ thuật hỗ tương kết hợp và thẩm thấu lẫn nhau, đối với ảnh hưởng của sự phát triển thể dục lúc bấy giờ cũng rất lớn. Như vũ đạo có nhạc vũ, vu vũ, võ vũ và ca vũ; tế tự và bắn cung đều có âm nhạc đi kèm. Lúc bấy giờ, quan điểm mĩ học như: sự hài hoà của âm thanh và tiết tấu ưu mĩ của âm nhạc, tính đối xứng trong tác phẩm mĩ thuật đối với sự phát triển một số hạng mục thể dục (bắn cung, vũ đạo, thao luyện vũ khí) đồng thời đi đến quy phạm hoá, đều có tác dụng rõ rệt.
4- Sự phát triển giáo dục đối với việc thúc đẩy thể dục
          Khi tiến vào thời đại theo chế độ nô lệ, cũng là đã tiến vào giai đoạn kiến lập và sơ bộ phát triển văn hoá cổ đại Trung Quốc. Đầu tiên xuất hiện văn tự. Trước thời Hạ chỉ là phù hiệu văn tự sơ cấp (từ những vật đào được tại Bán Pha 半坡 Tây An 西安 đến di chỉ văn hoá Nhị Lí Đầu 二里头 ở phía tây Hà Nam 河南 đều phát hiện phù hiệu khắc vạch). Đời Thương phát triển thành giáp cốt văn; thời Tây Chu có “kim văn” 金文 (còn được gọi là “minh văn” 铭文 hoặc “chung đỉnh văn” 钟鼎文). Sự ra đời của văn tự đã thúc đẩy sự tăng cường năng lực tư duy của nhân loại, tăng thêm điều kiện tiện lợi cho việc giao tiếp của con người, đương nhiên cũng sáng tạo ra điều kiện cho sự phát triển của giáo dục, khiến giáo dục bước vào giai đoạn mới. Đối với thể dục chiếm một địa vị trọng yếu trong giáo dục mà nói, cũng đã có tác dụng thúc đẩy quan trọng.
          Theo truyền thuyết, đời Hạ đã xuất hiện trường học. Trong Mạnh Tử - Đằng Văn Công thượng 孟子 - 滕文公上 có ghi:
          Hạ viết hiệu, Ân viết tự, Chu viết tường. Học tắc tam đại cộng chi, giai sở dĩ minh nhân luân dã.
          夏曰校, 殷曰序, 周曰庠. 学则三代共之, 皆所以明人伦也.
          (Nhà Hạ gọi là hiệu, nhà Ân gọi là tự, nhà Chu gọi là tường. Riêng học thì cả 3 đời đều có, đều nhằm để làm sáng tỏ giềng mối của con người) (1)
          Cơ cấu giáo dục lúc bấy giờ này là nơi truyền thụ tri thức văn tự, lao động và kĩ năng chiến tranh. Con em chủ nô lệ tại những nơi này ngoài học chữ và điển sách ra, còn học cả bắn cung. Trong Lễ kí – Vương chế 礼记 - 王制 có câu:
Kì lão giai triều vu tường, nguyên nhật, tập xạ thưọng công.
耆老皆朝于庠,元日,习射上功
Ở đây là nói ngày Nguyên đán các khanh đại phu nắm giữ việc dạy trong làng đến “tường” để dạy bắn, lấy người bắn trúng xếp hàng đầu (2). Có thể thấy, việc giáo dục ở trường học thời cổ rõ ràng đã có mối liên hệ với thể dục.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Theo Tứ thư 四書 (ngôn văn đối chiếu), bản tiếng Hán, hiệu , tự , tường là những trường học ở làng xã, còn học là trường của cả nước.
          Ở thiên Đằng Văn Công thượng 滕文公上 trong Mạnh Tử 孟子 ghi rằng:
          Thiết vi tường tự học hiệu dĩ giáo chi: Tường giả, dưỡng dã. Hiệu giả, giáo dã. Tự giả, xạ dã.
          設為庠序學校以教之: 庠者, 養也. 校者, 教也. 序者, 射也.
          (Lập tường, tự, học, hiệu để dạy. Tường lấy việc nuôi dưỡng người già làm trọng. Hiệu lấy việc dạy dỗ làm trọng. Tự lấy việc luyện tập bắn làm trọng.
          Theo Tứ thư 四書 (ngôn văn đối chiếu), bản tiếng Hán, Hương Cảng Quảng Trí thư cục xuất bản.
(2)- Thiên Vương chế 王制 trong Lễ kí 禮記 ghi rằng:
          Kì lão giai triều vu tường, nguyên nhật, tập xạ thưọng công, tập hương thượng xỉ.
耆老皆朝于庠,元日,習射上功,習鄉上齒
     Câu này, Vương Văn Cẩm 王文錦 đã dịch sang bạch thoại là:
          Tuyển định nhất cá hảo nhật tử, hương trung hữu đức vọng đích lão nhân dã lai tụ tập hương hiệu, diễn tập hương xạ lễ hoà hương ẩm tửu lễ, xạ lễ trọng thị thành tích, hương ẩm tôn sùng niên linh.
          選定一個好日子, 鄉中有德望的老人也來聚集鄉校, 演習鄉射禮和鄉飲酒禮, 射禮重視成績, 鄉飲尊崇年齡.
     (Chọn ngày tốt, các cụ già có đức vọng trong làng cũng tập trung ở “tường” để diễn tập hương xạ lễ và hương ẩm tửu lễ, xạ lễ coi trọng thành tích, hương ẩm tửu lễ  tôn trọng tuổi cao)
         Theo Lễ kí dịch giải 禮記譯解: Vương Văn Cẩm 王文錦 dịch giải. Trung Hoa thư cục, 2007.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 30/4/2013

Nguyên tác Trung văn
HẠ, THƯƠNG, TÂY CHU THỜI KÌ ĐÍCH THỂ DỤC
THỂ DỤC PHÁT TRIỂN ĐÍCH ĐIỀU KIỆN
,,西周时期的体育
体育发展的条件
Trong quyển
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI THỂ DỤC SỬ
中国古代体育史
Chủ biên: Tất Thế Minh 毕世明
Bắc Kinh Thể dục học viện xuất bản xã, 1992.


Previous Post Next Post