Dịch thuật: Giám sinh và Cống sinh thời Minh Thanh


GIÁM SINH VÀ CỐNG SINH THỜI MINH THANH

        Trường học cấp nhà nước của hai triều Minh Thanh là Quốc tử giám. Vị trưởng quan Quốc tử giám là Quốc tử tế tửu 国子祭酒, bên dưới là các quan Tư nghiệp 司业, Giám thừa 监丞, Bác sĩ 博士, Trợ giáo 助教, Học chính 学政, Học lục 学录. Học sinh Quốc tử giám gọi là Giám sinh 监生.

                Thời Minh Thanh, những ai có được thân phận Giám sinh 监生 thì trong khảo thí khoa cử có thể có được một số điều kiện thuận lợi như có thể trực tiếp tham gia thi Hương mà không cần phải thi Tú tài. Do bởi có nhiều con đường để trở thành Giám sinh cho nên Giám sinh không nhất định đều phải là Tú tài, họ cũng không nhất định  phải đến học ở Quốc tử giám.
          Giám sinh thời Minh Thanh chủ yếu có mấy loại như sau:
          Cử giám 举监: từ Cử nhân trở thành Giám sinh, những người này gọi là Cử giám .
          Cống giám 贡监: từ Tú tài trở thành Giám sinh, những người này gọi là Cống giám, cũng còn gọi là Cống sinh 贡生. Tú tài sau khi trở thành Cống sinh sẽ không còn chịu sự quản giáo của Nho học địa phương, tục gọi là Xuất cống 出贡. Triều Thanh, Cống giám còn gọi là Ưu giám 优监, mang ý nghĩa là từ Sinh viên (Tú tài) tuyển chọn những người ưu tú vào học ở Quốc tử giám .
          Ấm giám 荫监: tức những người dựa vào cha ông làm quan mà được trở thành Giám sinh. Triều Thanh, Ấm giám lại chia làm hai loại: Ân ấm 恩荫Nạn ấm 难荫. Phàm các quan văn ở kinh thành từ Tứ phẩm trở lên, các quan ngoài kinh thành từ Tam phẩm trở lên, các quan võ từ Nhị phẩm trở lên được phép có một người con đến học ở Quốc tử giám hoặc gặp những lúc khánh điển, Hoàng Đế ân tứ cho một số người đến học ở Quốc tử giám, những người này được xem là Ân ấm. Phàm các quan trong ngoài kinh thành từ Tam phẩm trở lên, đã đảm nhận chức vụ tròn 3 năm, sau khi mất, người con có thể đến học ở Quốc tử giám; quan Bố chính địa phương, quan Ty trưởng cùng các quan phụ giúp ở các châu huyện mất vì nạn nước cũng được phép có một người con đến học ở Quốc tử giám, những người này đi học này gọi là Nạn ấm. Nạn ấm của triều Thanh ở triều Minh gọi là Ân sinh 恩生.
          Trong các loại Giám sinh kể trên, Cống giám chủ yếu là do địa phương tiến cử. Do bởi danh nghĩa mà triều đình ban cho những người được tiến cử có nhiều loại và phương thức tiến cử cũng khác nhau nên Cống giám, tức Cống sinh cũng có một số loại như: Tuế cống 岁贡, Tuyển cống 选贡, Bạt cống 拔贡, Ân cống 恩贡, Ưu cống 优贡 v.v… Ví dụ như Tuế cống là do các trường địa phương ở phủ, châu, huyện lần lượt tuyển chọn Tú tài, tuần tự theo thời gian quy định mà tiến cử vào Quốc tử giám, tục gọi là Ai cống 挨贡. Do bởi Tuế cống cần phải tính toán đến tuổi tác và năng lực,  một số người khi vào Quốc tử giám đã già yếu, nên sau đợt tuế cống, hai triều Minh Thanh còn tuyển chọn những Tú tài trẻ khoẻ học hành ưu tú vào Quốc tử giám. Sự tuyển chọn này không chi li về năng lực và kinh nghiệm công tác, triều Minh gọi đó là Tuyển cống, triều Thanh gọi là Ưu cống. Ngoài ra hai triều Minh Thanh còn có Lệ cống 例贡, chỉ những Tú tài thông qua việc đóng góp tiền bạc lúa gạo mà có được thân phận Giám sinh.

                                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                                             Quy Nhơn 20/4/2013

Nguyên tác Trung văn
MINH THANH ĐÍCH GIÁM SINH HOÀ CỐNG SINH
明清的监生和贡生
Trong quyển
MINH THANH VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
明清文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm 李少林
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006.

Previous Post Next Post