Dịch thuật: Diễn biến quan xưng Tể tướng ... (kì 8)


DIỄN BIẾN QUAN XƯNG TỂ TƯỚNG
 QUA CÁC TRIỀU ĐẠI

 TRIỀU MINH

          Chu Nguyên Chương 朱元璋 sau khi lập quốc đã theo chế độ của triều Nguyên, lấy Trung thư sảnh 中书省 làm cơ cấu trung tâm, đặt Tả thừa tướng左丞相, Hữu thừa tướng 右丞相 làm chức Tể tướng, lấy Bình chương chính sự 平章政事 làm thứ tướng.
          Năm Hồng Vũ 洪武 thứ 13 (năm 1370), để đề phòng quyền thần tranh quyền, Chu Nguyên Chương bỏ chức Thừa tướng, từ đó, quan xưng này cũng tuyệt tích. Chu Nguyên Chương cải tổ Nội các, đặt chức Học sĩ 学士 để trợ giúp xử lí sự vụ của lục bộ. Nội các Đại học sĩ lúc bấy giờ chỉ là cố vấn và thư kí của Hoàng đế, địa vị không cao.
          Thời Thành Tổ Chu Đệ 朱棣, Nội các Đại học sĩ bắt đầu công khai tham dự những sự vụ quan trọng, giúp xử lí triều chính.
          Thời Nhân Tông Chu Cao Xí 朱高炽, Nội các Đại học sĩ đa phần do các quan cao như Thượng thư, Thị lang đảm nhiệm, địa vị đã được nâng cao
          Thời Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ 朱瞻基, việc lớn nhỏ trong triều đều do nhóm Đại học sĩ Dương Sĩ Kì 杨士奇 tham nghị, họ có quyền phê đáp tấu chương của các nơi dâng lên, đề xuất ý kiến xử lí, gọi là “phiếu nghĩ” 票拟, sau đó mới trình lên Hoàng đế quyết. Từ đó Đại học sĩ bắt đầu nắm giữ đại quyền, địa vị được tôn cao, Nội các cũng thành bộ phận quan trọng.
          Sau thời Thế Tông Gia Tĩnh 嘉靖, Nội các độc lập, vượt lên trên cả lục bộ. Nội các Đại học sĩ trở thành Tể tướng trên thực tế.
          Do bởi Nội các triều Minh giống như Chính sự đường 政事堂 của triều Đường, quan viên của Chính sự đường đều gọi nhau là “Các lão” 阁老, nên Đại học sĩ của triều Minh cũng gọi là “Các lão”, hoặc “Các thần” 阁臣, “Tể phụ” 宰辅. Tể phụ lúc ít thì 1 người, lúc nhiều thì 8, 9 người, người đứng đầu gọi là “Thủ phụ” 首辅 hoặc “Nguyên phụ” 元辅, quyền lực lớn nhất, địa vị cao nhất.
           Đại học sĩ đều đưa tên của điện, các vào hàm. Triều Minh đặt Đông các 东阁, Văn Uyên các 文渊阁, Vũ Anh điện 武英殿, Văn Hoa điện 文华殿, Kiến cực điện 建极殿, Trung Cực điện 中极殿, Cẩn Thân điện 谨身殿.
     Theo Minh sử 明史 từ triều Thành Tổ trở đi, lấy chức quan Thị độc 侍读 trở lên làm Tể phụ. Để giữ được tính hệ thống, các Tể phụ nêu trong sách, truy ngược đến Thị độc của triều Huệ Đế (Kiến Văn Đế 建文帝)
          Sau khi triều Minh bị diệt vong, một số tông thất triều Minh tổ chức lực lượng tàn dư, trước sau lập qua 6 tiểu chính quyền, tức chính quyền Phúc Vương Hoằng Quang 福王弘光, chính quyền Đường Vương Long Vũ 唐王隆武, chính quyền Lỗ Vương 鲁王, chính quyền Đường Vương Thiệu Vũ唐王绍武, chính quyền Quế Vương Vĩnh Lịch 桂王永历, chính quyền Hàn Vương Định Vũ 韩王定武. Mấy tiểu chính quyền này đều được kiến lập ở phương nam, sử gọi là Nam Minh 南明.
          Nam Minh là thế lực tàn dư của triều Minh, lại lấy việc khôi phục triều Minh làm tôn chỉ, cho nên đều theo chế độ Tể tướng của triều Minh, lấy Nội các Đại học sĩ làm Tể phụ. Trừ Tể tướng của chính quyền Hàn Vương Định Vũ không thể tra khảo được, Tể tướng của 5 chính quyền còn lại đều có thu thập trong sách này (1).

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Tức bộ Trung Quốc lịch đại Tể tướng lục 中国历代宰相录, do Dương Kiếm Vũ 杨剑宇 chủ biên.

                                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 04/4/2013

Nguyên tác Trung văn
LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG QUAN XƯNG ĐÍCH DIỄN BIẾN
历代宰相官称的演变
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post