BIA
THỜI HÁN
Thời
Hán khắc bia rất hưng thịnh. Những trân phẩm thư pháp thời Hán, ngoài một số ít
thấy ở Hán giản 汉简
(1) và bạch thư 帛书 (2) ra, phần lớn còn lại được bảo tồn
ở bia thời Hán. Thời Hán lại là thời đại mà thư thể chữ Hán từ Tần triện (tiểu triện) quá độ sang Hán lệ (thông thường
gọi là Lệ thư), lại từ Hán lệ bắt đầu hướng đến khải thư, những tác phẩm được
xem là thành tựu cao nhất của thư pháp Hán lệ dường như toàn bộ được bảo tồn
trong bia thời Hán. Nổi tiếng có:
-
Bắc Hải Tương Cảnh Quân bi 北海相景君碑
-
Ất Anh bi 乙瑛碑
-
Lễ khí bi 礼器碑
-
Trịnh Cố bi 郑固碑
-
Trương Cảnh Tạo Sĩ Ngưu bi 张景造士牛碑
-
Khổng Trụ bi 孔宙碑
-
Phong Long sơn tụng bi 封龙山颂碑
-
Tây nhạc Hoạ sơn miếu bi 西岳华山庙碑
-
Sử Thần bi 史晨碑
-
Hành Phương bi 衡方碑
-
Khổng Bưu bi 孔彪碑
-
Lỗ Tuấn bi 鲁峻碑
-
Tào Toàn bi 曹全碑
-
Trương Thiên bi 张迁碑
Những
bia khắc này đều là những tác phẩm đại biểu cho thư pháp Hán lệ, phong cách mỗi
bia mỗi khác, khí tượng muôn vẻ, đồng thời có thể từ trong đó thấy được sự cao
siêu về nghệ thuật khắc chữ của người thời Hán. Do bởi văn tự khắc bia là loại
văn tự khắc trên đá, nên trong tập quán của người đời sau, thường đem văn tự khắc
đá ở các hình thức khác, như ma nhai 摩崖 (tức văn tự khắc trên vách đá tự nhiên), mộ chí minh 墓志铭, thạch kinh 石经, tạo tượng 造象, thạch khuyết 石阙 đều quy về loại khắc bia. Khắc
đá ma nhai nổi tiếng thời Hán có “Thạch môn tụng” 石门颂, “Phủ các tụng” 郙阁颂, “Tây hiệp tụng” 西狭颂, thể chữ của chúng to lớn, bút
lực mạnh mẽ, có thần vận thuần phác, phóng dật. Thạch kinh nổi tiếng có “Hi
Bình thạch kinh” 熹平石经,
nhân được dựng vào niên hiệu Hi Bình 熹平 năm thứ 4 đời Hán Linh Đế nên có tên như thế. Đây là khắc
đá sớm nhất về kinh điển Nho gia mà được thấy ngày nay, tương truyền do đại thư
pháp gia nổi tiếng nhất lúc bấy giờ là Thái Ung 蔡邕 thư đan 书丹 (3), đây là tự dạng tiêu chuẩn thể
Hán lệ. Nghe nói thạch kinh này khi mới đầu được dựng ở trước cửa nhà Thái học,
mọi người tranh nhau đến xem và bắt chước theo, đông đến nỗi nghẹt cả đường.
Trong số khắc đá thời Hán, cũng có một số ít vẫn dùng triện thư, như “Tự Tam
Công sơn bi” 祀三公山碑,
“Tung sơn Thái thất thạch khuyết minh” 嵩山太室石阙铭, “Tung sơn Thiếu thất thạch
khuyết minh” 嵩山少室石阙铭,“Tung sơn Khai Mẫu miếu thạch
khuyết minh” 嵩山开母庙石阙铭
… điều này cho thấy sau khi thông hành Hán lệ, triện thư vẫn không bị phế bỏ.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- HÁN GIẢN 汉简: là những thẻ tre thẻ gỗ thời
Hán. Thời cổ dùng thẻ tre thể gỗ để viết chữ lên đó, thẻ tre gọi là “giản” 简, thẻ gỗ gọi là “trát” 札, gọi chung là “giản”.
(2)- BẠCH THƯ 白书: cũng gọi là “tăng thư” 缯书, tức thời cổ dùng những tấm lụa
trắng viết chữ lên đó.
(3)- THƯ ĐAN 书丹: trước khi khắc bia, dùng bút đỏ
viết chữ lên trước, rồi sau đó theo đó mà khắc.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 07/4/2013
Nguyên tác Trung văn
HÁN BI
汉碑
Trong quyển
CỔ NGOẠN THU TÀNG CHỈ NAM
古玩收藏指南
Tác giả: Long Tùng 龙松, Kỉ Bình 纪平
Hà Bắc nhân dân xuất bản xã,
1994.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật