Dịch thuật: Đường Thái Tông có sửa qua quốc sử?


ĐƯỜNG THÁI TÔNG CÓ SỬA QUA QUỐC SỬ?

          Đường Thái Tông Lí Thế Dân 李世民, người con thứ 2 của vị quốc chủ  khai quốc triều Đường Lí Uyên 李渊 là vị vua khó có của triều Đường. Trong thời gian trị vì, Đường Thái Tông giỏi dùng người; chấp pháp thận hình, coi trọng nông nghiệp, yêu quý dân, khiến đất nước hình thành cục diện mà lịch sử gọi là “Trinh Quán chi trị” 贞观之治. Với hùng tài vĩ lược và việc siêng năng chính sự, ông được người đời sau ca ngợi. Nhưng cho dù là một vị thánh nhân không ai sánh lại như thế, cuộc đời ông vẫn có nhiều tì vết. Lai lịch nội tình “Huyền Vũ môn binh biến” 玄武门兵变 (1) khiến người đời sinh nghi, còn việc sửa qua quốc sử của ông cũng bị người đời sau nghị luận không thôi.
          Thế thì tại sao Lí Thế Dân lại phải sửa qua quốc sử? Đối với việc này, các nhà sử học có những cách nói khác nhau. Trong Tân biên Trung Quốc lịch triều kỉ sự bản mạt – Tuỳ Đường quyển 新编中国历朝纪事本末 - 隋唐卷 có nói: việc tu sửa chính sử - xác lập chế độ sử quán tu sửa lịch sử các triều đại trước là vào thời kì Trinh Quán dưới sự thống trị của Lí Thế Dân ở đầu thời Đường. Để được “trường trị cửu an”, vua tôi nhà Đường rất chú ý đến việc “lấy xưa làm gương”, tổng kết những bài học kinh nghiệm thành bại trong lịch sử, đặc biệt chú trọng bài học mất nước của nhà Tuỳ. Nhận thấy thời Vũ Đức 武德 (2) chưa hoàn thành bộ sử của tiền triều, Đường Thái Tông thấy cần phải cải tổ sử quán cũ, kiến lập chế độ mới.
          Năm Trinh Quán thứ 3 (năm 629), Thái Tông hạ lệnh tại Trung thư sảnh  中书省lập Bí thư nội sảnh 秘书内省 chuyên phụ trách tu soạn lịch sử thời tiền Ngũ đại. Cũng trong năm ấy tháng 12 nhuần, Thái Tông lại hạ lệnh đưa sử quán vào trong cung, thiết lập Môn hạ nội sảnh 门下内省 ở phía bắc, do Tể tướng cai quản. Từ đó về sau, nguyên cục trứ tác không còn chức trách tu soạn sử, sử quán trở thành cơ cấu thường xuyên của Môn hạ sảnh bị trực tiếp khống chế bởi Hoàng đế, chuyên phụ trách việc tu soạn quốc sử đương triều.
          Một thuyết khác cho rằng ngôi vị của Đường Thái Tông hoàn toàn không phải kế thừa một cách hợp pháp, mà là kết quả của việc giết anh bức cha của ông. Hành vi này không phù hợp với pháp thống phong kiến và luân lí phong kiến,   dưới con mắt của những kẻ thống trị phong kiến cũng không thể làm gương cho con cháu. Vì vậy sau khi đoạt được ngôi vị, Đường Thái Tông đã bắt tay vào việc sửa quốc sử để biện hộ cho mình. Thuyết này cho rằng các sử thần thời Trinh Quán khi biên soạn Cao Tổ thực lục 高祖实录, Thái Tông thực lục 太宗实录 đã phô diễn công lao của Thái Tông thời Vũ Đức, ra sức mạt sát công lao của thái tử Kiến Thành 建成trong quá trình kiến lập triều Đường đồng thời cực lực hạ thấp tác dụng của Cao Tổ. Nhưng như thế vẫn chưa đủ để nói rõ tính hợp pháp việc kế thừa ngôi vị của Thái Tông, vì thế họ đã đem điểm then chốt của việc tu sửa quốc sử đặt vào cuộc khởi nghĩa Tấn Dương 晋阳 (3). Hư cấu âm mưu bí mật của cuộc khởi nghĩa Tấn Dương là kế sách của Thái Tông, còn Cao Tổ hoàn toàn ở vào thế bị động, mục đích của họ là đưa Thái Tông trở thành người đặt nền móng chân chính cho vương nghiệp nhà Đường, khiến việc có được ngôi vị tựa hồ có tính hợp pháp giống như Hán Cao Tổ tôn phụ thân làm Thái thượng hoàng.
          Đường Thái Tông rốt cuộc xuất phát từ động cơ nào để sửa quốc sử? Vấn đề này đến nay vẫn chưa có đáp án chính xác, nó đã để lại cho lịch sử một nghi án.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- HUYỀN VŨ MÔN CHI BIẾN 玄武門之變:
          Năm 617, dưới sự giúp đỡ của Lí Thế Dân 李世民, Lí Uyên 李淵 tại Thái Nguyên 太原 khởi binh và đã nhanh chóng chiếm lĩnh Trường An 長安. Năm 618, Lí Uyên kiến lập vương triều, đồng thời lập Lí Kiến Thành 李建成 làm thái tử. Cuộc khởi binh ở Thái Nguyên là mưu lược của Lí Thế Dân, Lí Uyên từng đáp ứng đề nghị của Lí Thế Dân là sau khi sự việc hoàn thành sẽ lập ông làm thái tử, nhưng sau khi bình định thiên hạ, danh tiếng của Lí Thế Dân ngày càng lớn, Lí Uyên do dự bất quyết. Thái tử Lí Kiến Thành kết hợp với người em thứ 4 là Tề vương Lí Nguyên Cát 李元吉, cùng bài trừ Lí Thế Dân. Nhưng sự do dự quả đoán của Lí Uyên khiến cho chính lệnh trong triều hỗ tương xung đột. Thái tử Lí Kiến Thành nhận thấy Lí Thế Dân không chịu làm bề tôi, còn Lí Thế Dân cũng cho rằng mình đã đặt nền móng cho cơ nghiệp nhà Đường nên sự nghi kị giữa 2 người ngày càng sâu sắc, đại thần 2 phe cũng khuynh loát lẫn nhau. Lí Kiến Thành từng hạ độc hại Lí Thế Dân.
          Tể tướng Bùi Tịch 裴寂, mưu sĩ Vương Khuê 王珪, Nguỵ Trưng 魏徵, tướng lĩnh vệ sĩ của đông cung Tiết Vạn Triệt 薛萬徹 theo Lí Kiến Thành, Lí Nguyên Cát. Mưu sĩ của Tần phủ Đỗ Như Hối 杜如晦, Phòng Huyền Linh 房玄齡, tướng lĩnh Tần Thúc Bảo 秦叔寶, Uý Trì Kính Đức 尉遲敬德, Đoàn Chí Huyền 段志玄, Hầu Quân Tập 侯君集, Vương Quân Khuếch 王君廓 theo Lí Thế Dân. Tể tướng Trần Thúc Đạt 陳叔達, triều thần Trưởng Tôn Vô Kị 長孫無忌 ngầm giúp Lí Thế Dân. Các tướng lĩnh còn lại như Lí Tĩnh 李靖, Từ Thế Tích 徐世勣, đại thần Vũ Văn Sĩ 宇文士 giữ trung lập.
          Năm Vũ Đức thứ 9, Đột Quyết 突厥 xâm phạm biên cương, Lí Kiến Thành kiến nghị với Lí Uyên để Lí Nguyên Cát làm thống soái xuất chinh. Tên Vương Chất của phủ Thái tử tố cáo với Tần vương Lí Thế Dân rằng: Lí Kiến Thành muốn nhân cơ hội này khống chế binh mã của Tần Vương, đồng thời chuẩn bị phục binh tại Côn Minh trì 昆明池 để giết Lí Thế Dân. Vì thế Lí Thế Dân quyết định ra tay trước. Ngày Canh Thân mồng 4 tháng 6 năm Vũ Đức thứ 9 (ngày 2 tháng 7 năm 626), Lí Thế Dân giết Thái tử Lí Kiến Thành, Tề vương Lí Nguyên Cát ở gần Huyền Vũ môn trong cung Trường An, sử gọi là “Huyền Vũ môn chi biến”. Lí Thế Dân giết luôn con của Lí Kiến Thành, Lí Nguyên Cát, đồng thời gạch tên họ khỏi tông tịch.
          Sau đó Lí Uyên đã giao đại quyền xuất quân cho Tần Vương. 3 ngày sau (ngày Quý Hợi mồng 7 tháng 6 tức ngày 5 tháng 7), Lí Thế Dân được lập làm Hoàng thái Tử. Ngày Giáp Tí mồng 9 tháng 8 (ngày 4 tháng 9), Lí Uyên thoái vị xưng Thái thượng hoàng, nhường ngôi cho Lí Thế Dân. Lí Thế Dân đăng cơ đó là Đường Thái Tông.
          Nguồn http://zh.wikipedia.org/wiki
(2)- VŨ ĐỨC 武德: niên hiệu của Đường Cao Tổ Lí Uyên. Niên hiệu này từ năm 618 đến năm 626.
(3)- KHỞI NGHĨA TẤN DƯƠNG: Tấn Dương 晋阳 vào đời Tuỳ là huyện thuộc quận Thái Nguyên 太原, nên khởi nghĩa Tấn Dương còn được gọi là “Thái Nguyên khởi binh” 太原起兵, “Thái Nguyên khởi sự” 太原起事. Cuộc khởi nghĩa này nổ ra vào năm Đại Nghiệp 大业 thứ 13 của nhà Tuỳ (năm 617) do Đường quốc công Lí Uyên lãnh đạo. Năm sau Lí Uyên kiến lập vương triều Đường.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 04/3/2013

Nguyên tác Trung văn
ĐƯỜNG THÁI TÔNG SOÁN CẢI QUA QUỐC SỬ MẠ?
唐太宗篡改过国史吗?
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009
Previous Post Next Post