Dịch thuật: Thiên vô nhị nhật


THIÊN VÔ NHỊ NHẬT
天无二日
TRÊN TRỜI KHÔNG THỂ CÓ HAI MẶT TRỜI

Giải thích: một nước không thể trong cùng một lúc có 2 vua
Xuất xứ: Hán . Ban Cố 班固: Hán thư – Cao Đế kỉ hạ 汉书 - 高帝纪下.

          Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang 刘邦 lên ngôi hoàng đế, thường về lại quê nhà thăm phụ thân. Lưu Bang rất tôn kính phụ thân, cứ 5 ngày về thăm 1 lần. Viên gia lệnh 家令 (1) cho rằng như thế là không hợp với lễ pháp, liền khuyên phụ thân Lưu Bang rằng:
          Trên trời không thể có 2 mặt trời (Thiên vô nhị nhật 天无二日), dưới đất không thể có 2 vua. Nay Hoàng đế tuy là con của ông, nhưng lại là Hoàng đế; ông tuy là cha của Hoàng đế, nhưng ông chỉ là bề tôi, làm sao lại có thể để cho Hoàng đế bái lạy bề tôi? Làm như vậy không những làm loạn triều cương mà còn đi ngược với lễ pháp.
          Thái Công nghe qua hoảng sợ, từ đó về sau, mỗi khi Lưu Bang đến thăm, ông luôn cầm chổi đứng bên cạnh cửa, khi trông thấy Lưu Bang liền khom người đi lùi lại, mắt không dám ngó.
          Đối với sự thay đổi của phụ thân, Lưu Bang cảm thấy kinh ngạc. Về sau được biết đó là do viên gia lệnh hướng dẫn, trong lòng vô cùng vui mừng, bèn thưởng cho viên gia lệnh 500 cân vàng. Sau đó ban xuống chiếu thư nói rằng:
          Chí thân của con người, không gì bằng cha con, cho nên phụ thân có thiên hạ truyền lại cho con, người con có được thiên hạ quy công cho phụ thân, đó là đạo đức tối cao của con người. Như nay, tướng quân, đại thần tôn ta làm Hoàng đế, mà phụ thân ta chưa có tôn hiệu. Nay ta tuyên bố, tôn phụ thân ta làm Thái thượng hoàng.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- GIA LỆNH 家令: Đời Hán, gia lệnh là viên thuộc quan của hoàng gia, chuyên cai quản việc nhà. Các nước chư hầu cũng đặt chức này. Đời sau chỉ có gia lệnh của Thái tử.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 05/3/2013

Nguyên tác Trung văn
THIÊN VÔ NHỊ NHẬT
无二日
Trong quyển
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.
Previous Post Next Post