Dịch thuật: Thế nào là phong tục nguyên thuỷ


THẾ NÀO LÀ PHONG TỤC NGUYÊN THUỶ

          Phong tục nguyên thuỷ còn gọi là “sử tiền phong tục” 史前风俗, “viễn cổ phong tục” 远古风俗. Khi tìm hiểu phong tục nguyên thuỷ, trước tiên cần thảo luận qua nội hàm của phong tục nguyên thuỷ.
          Về phong tục, đã có cách nói nhất định từ rất lâu. Trong Hán thư – Địa lí chí 汉书 - 地理志 ghi rằng:
          Phàm dân hàm ngũ thường chi tính, nhi kì cương nhu hoãn cấp, âm thanh  bất đồng, hệ thuỷ thổ chi phong khí, cố vị chi phong; hảo ác thủ xả động tĩnh vô thường, tuỳ quân thượng chi tình dục, cố vị chi tục (*) .
          凡民函五常之性, 而其刚柔缓急,音声不同, 系水土之风气, 故谓之风; 好恶取舍动静亡常, 随君上之情欲, 故谓之俗.
          (Phàm dân hấp thụ tính ngũ thường, cứng mềm nhanh chậm, âm thanh khác nhau, gắn với phong khí của thuỷ thổ, cho nên gọi là “phong”; tốt xấu lấy bỏ động tĩnh vô thường, theo tình dục của bề trên, nên gọi là “tục”).
          Tuy thừa nhận “thuỷ thổ chi phong khí”, xiển minh ảnh hưởng của hoàn  cảnh tự nhiên đối với phong tục, nhưng cũng cường điệu “tuỳ quân thượng chi tình dục”, có thuyết ngũ thường hoặc ngũ giáo, rõ ràng đây là phong tục quan của xã hội phong kiến, nếu đem nó di chuyển đến thời đại nguyên thuỷ là không thích hợp. Trong quá trình nhận thức phong tục, có 3 khái niệm:
1- Dân tục 民俗
          Dân tục, theo tên gọi đó là tập quán phong tục của nhân dân. Trong Thuyết văn 说文 ghi rằng:
Tục, tập dã
, 习也
(Tục là tập quán)
          Và trong Chu lễ - Đại tư đồ 周礼 - 大司徒:
Dĩ tục giáo dân, tắc dân bất thâu
以俗教民, 则民不愉
(Lấy tục để dạy dân thì dân sẽ không cẩu thả)
          Trịnh Khang Thành 郑康成 chú rằng:
Tục, vị thổ địa sở sinh tập dã; thâu, vị cẩu thả dã.
, 谓土地所生习也; , 谓苟且也.
(Tục là nói tập quán do nơi ở sinh ra; thâu là nói cẩu thả)
          Có thể thấy, tục là phương thức làm việc, tập quán sinh hoạt của dân gian. Chẳng qua, trong một xã hội xuất hiện dân gian với thượng tầng, bình dân với quý tộc, là việc sau xã hội có giai cấp, thượng tầng giữ lễ, hạ tầng tuân theo tục. Cũng chính là nói, trong xã hội có giai cấp, văn hoá của đại chúng nhân dân là dân tục. Điều mà trong Hán thư – Địa lí chí nói đến chính là dân tục, tức văn hoá hạ tầng. Nhưng văn hoá trong xã hội nguyên thuỷ hoàn toàn không có sự phân biệt thượng tầng hạ tầng. Dân tục lúc bấy giờ cũng chính là phong tục của toàn xã hội.
2- Phong tục 风俗
       Từ “phong tục” xuất hiện tương đối muộn. Thời Nguỵ Tấn, Nguyễn Tịch 阮籍 trong Nhạc luận 乐论 viết rằng:
Tâm khí hoà hiệp, tắc phong tục tề
心气和洽, 则风俗齐
(Tâm khí hoà hợp thì phong tục đều nhau)
Tạo thuỷ chi giáo vị chi phong, tập nhi hành chi vị chi tục
造始之教谓之风, 习而行之谓之俗
(Đặt ra để giáo hoá gọi là phong, tập quen để làm gọi là tục)
       Hai chữ “phong tục”, trong Hán thư viết rằng:
Thượng chi sở hoá vi phong, hạ chi sở hoá vi tục.
上之所化为风, 下之所化为俗
(Trên giáo hoá gọi là phong, dưới theo đó tự thân giáo hoá gọi là tục)
       “Thượng chi sở hoá” là chỉ sự giáo hoá từ trên xuống, tức sự giáo hoá của giai cấp thống trị, điều  này nói rõ “phong” thuộc xã hội thượng tầng; “hạ chi sở hoá” chỉ phương thức mà nhân dân hạ tầng dùng theo đó để tự mình giáo hoá, người người đều tập theo cho nên gọi là “tục”. Phong tục là cách nói tắt của phong tục tập quán, nó là trạng huống sinh hoạt xã hội của một nơi, một thời, và là tập quán sinh hoạt theo một mô thức nhất định được hình thành cộng đồng trong quá trình lâu dài trong sinh hoạt xã hội của những người cùng chung hoàn cảnh cùng chung tâm lí cộng đồng. Mỗi loại phong tục không chỉ có nghi thức, quy phạm nhất định, mà còn có một số truyền thuyết, tuỳ theo sự thịnh hành của phong tục, truyền thuyết đó cũng được lưu truyền rộng rãi, đồng thời truyền thuyết lại khiến cho phong tục đó thâm nhập lòng người. Có học giả cho rằng:
       Phàm tổng quát mọi hiện tượng của sinh hoạt nhân dân ở một khu vực, một thời đại, lấy ý nghĩa giá trị để đánh giá nó, gọi đó là phong tục (1).
       Điều này nói rõ phong tục bao gồm toàn bộ cuộc sống xã hội, ở xã hội nguyên thuỷ là mang tính toàn dân, ở xã hội văn minh cũng là mang tính toàn dân, bao gồm 2 bộ phận là thượng tầng và hạ tầng, phạm vi của nó so với dân tục lớn hơn rất nhiều.
3- Lễ tục 礼俗
       Lễ tục là
       Tập quán thức tỉnh giác ngộ, cấu thành nghi thức nhất định, lưu hành trong xã hội, gọi đó là lễ tục (2).
       Lễ phản ánh lợi ích của giai cấp thống trị, có quy phạm hành vi chế ước nhất định đối với lòng ham muốn của con người, nói một cách  cụ thể là lấy danh phận, địa vị, lễ nghi, lễ khí để hạn định địa vị và hành vi của các giai cấp xã hội. Trong Sử kí – Lễ thư 史记 - 礼书 có ghi:
       Lễ do nhân khởi. Nhân sinh hữu dục, dục nhi bất đắc tắc bất năng vô phẫn. Phẫn nhi vô độ tắc tranh. Tranh tắc loạn, tiên vương ố kì loạn, cố chế lễ nghi dĩ dưỡng nhân chi dục
       礼由人起. 人生有欲, 欲而不得则不能无忿. 忿而无度则争. 争则乱, 先王恶其乱, 故制礼仪以养人之欲
      (Lễ do con người đặt ra. Con người có lòng dục, dục mà không được thì không thể không giận. Giận mà vô độ thì sẽ tranh. Tranh thì loạn, tiên vương ghét loạn, cho nên đặt ra lễ nghi để nuôi dưỡng lòng dục của con người)
       Tục có trước lễ, lễ đến từ tục, trong lễ có tục, tục lại chịu sự chế ước của lễ.
       Không khó để nhận thấy rằng, phong tục xã hội nguyên thuỷ là chỉ các phong tục tập quán như sản xuất, sinh hoạt, vui chơi, tâm lí, tín ngưỡng …,các mặt của cuộc sống xã hội. Cư dân lúc bấy giờ là bình đẳng, chưa có phong tục thượng tầng và hạ tầng, phong tục đó là phong tục của toàn dân, ở đây phong tục và dân tục là như nhau.
       Phong tục nguyên thuỷ có 3 nội dung lớn:
       - Phong tục hành vi:
       Phong tục hành vi chủ yếu chỉ các loại phương thức hành vi có đặc điểm phong tục, phạm vi của nó vô cùng rộng. Như hái lượm, đánh bắt, săn bắn, cày cấy, chăn nuôi, dệt, làm đồ gốm, sinh đẻ, thành niên, hôn lễ, tang lễ, tế tự, bói toán vui chơi nghệ thuật v.v… Đặc điểm của những phong tục này đều là do động tác của con người thể hiện ra, nhìn thấy được, sờ mó được, cho nên gọi là “hữu hình phong tục” 有形风俗. Đồng thời những động tác đó nhìn chung đều dựa vào công cụ, dụng phẩm hoặc đạo cụ, những động tác đó là hình thái văn hoá vật chất.
       - Phong tục ngôn ngữ
    Phong tục ngôn ngữ là lấy ngôn ngữ của con người làm phương tiện chủ yếu, phối hợp với động tác nhất định để thể hiện nguyện vọng, tư tưởng, nghệ thuật, tín ngưỡng, với nội dung phong phú, hình thức đa dạng. Như xưng hô, thần thoại, truyền thuyết, chuyện kể, ca dao, sử thi, câu đố, hát, khẩu quyết, bùa chú, những lời trong các trò vui chơi… Loại phong tục này có một số chỉ dùng ngôn ngữ để thể hiện, một số phối hợp với động tác, một số là do phong tục, nghi thức tổng hợp phản ánh ra.
       - Phong tục tâm lí
       Phong tục tâm lí là lấy tín ngưỡng và vu thuật nguyên thuỷ làm phong tục tâm lí hạt nhân, bao gồm phương thức tư duy nguyên thuỷ, hoạt động tâm lí, năng lực nhận biết, giải thích điềm tốt xấu, bói toán, vu thuật, tế tự, cấm kị … Loại phong tục này mang tính thần bí và tính kì dị. Đương nhiên, phong tục tâm lí đa phần phối hợp với một hành vi nhất định.
       Phong tục nguyên thuỷ là sự mở đầu của lịch sử phong tục Trung Quốc, có tính đặc thù rõ ràng. Muốn hiểu được ngọn nguồn phong tục Trung Quốc, cần phải bắt đầu từ phong tục nguyên thuỷ.
        Cũng cần phải chỉ ra rằng, trong việc nghiên cứu dân tục trước đây, đối với sự vật hiện tượng dân tục thông thường, nhất là dân tục tinh thần thì tương đối được coi trọng, còn đối với dân tục vật chất thì lại tương đối coi nhẹ, việc này ở ngoài nước thì không thấy nhiều, nhưng ở Trung Quốc thì là việc thường thấy, lâu ngày thành quen. Đó không phải là ngẫu nhiên: Nghiên cứu dân tục ở Trung Quốc, đội ngũ cơ bản là văn học, văn học dân gian, cũng có một số ít là lịch sử, những chuyên ngành này đối với văn hoá vật chất tương đối xa lạ, thường kính nhi viễn  chi. Một số ít tuy có chí hướng, nhưng cũng thiếu sự huấn luyện chuyên môn, khi thực hiện rất khó thành thạo. Hơn nữa giới uyên bác đối với dân tục vật chất đầu tư chưa đủ, chỉ thoả mãn ở sự trưng bày những hiện tượng vật chất dân tục thông thường, thiếu sự thâm nhập nghiên cứu chuyên môn, khiến cho việc nghiên cứu dân tục vật chất ở vào trạng thái trì trệ, đặc biệt là các loại được xem là nội dung quan trọng của dân tục như sản xuất, công nghệ, kĩ thuật càng là một mảng trống, đây là điều đáng tiếc, cần phải thay đổi.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(*)- Đoạn này chép theo Hán thư汉书 quyển 28 hạ – Địa lí chí 地理志  đệ 8 hạ.
                  http://ewenyan.com/articles/hs/39.html
Trong nguyên tác là:
         Phàm dân bẩm ngũ thường chi tính, nhi hữu cương nhu hoãn cấp các thanh chi bất đồng, hệ thuỷ thổ chi phong khí, cố vị chi phong; hảo tĩnh thủ xả động tĩnh vô thường, tuỳ quân thượng chi tình dục, cố vị chi tục .
          凡民禀五常之性, 而有刚柔缓急各声之不同, 系水土之风气, 故谓之风; 好静取舍动静无常, 随君上之情欲, 故谓之俗.

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
 (1) (2)- Đặng Tử Cầm 邓子琴: Trung Quốc lễ tục học cương yếu 中国礼俗学纲要, trang 6, Trung Quốc Văn hoá xuất bản xã, 1947.

                                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                                             Quy Nhơn 25/3/2013

Nguyên tác Trung văn
THẬP MA THỊ NGUYÊN THUỶ PHONG TỤC
什么是原始风俗
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC THÔNG SỬ
NGUYÊN THUỶ XÃ HỘI QUYỂN
中国风俗通史
原始社会卷
Biên soạn: Tống Triệu Lân 宋兆麟
Thượng Hải Văn nghệ xuất bản xã, 2001.
Previous Post Next Post