Dịch thuật: Nguồn gốc của bia


NGUỒN GỐC CỦA BIA

          Bia (bi ) khởi nguồn từ thời Chu, lúc ban đầu chỉ phiến đá có sự gia công do con người tạo ra. Bia hoặc dựng trước cung miếu, dùng để “thức nhật ảnh, dẫn âm dương” 识日影, 引阴阳; hoặc dựng ở phía trong cửa lớn của cung miếu, nơi cột các con sinh dùng trong tế tự; hoặc dựng ở 4 góc của huyệt mộ, dùng để hướng dẫn đưa quan quách xuống huyệt. Những tấm bia này đều chưa có văn tự. Khoảng đến thời Hán, từ bia hướng dẫn đưa quan quách xuống huyệt diễn biến thành “Thần đạo bi” 神道碑 (1), trên bia bắt đầu có khắc văn tự, hoặc chôn trong mộ, hoặc dựng bên mộ để ghi nhớ công lao sự tích của người mất. Từ đó trở đi, bia có khắc văn tự hưng thịnh lên (vuông gọi là bi , tròn gọi là kiệt (kệ) ). Ngoài dựng bia dành cho người mất ra, còn dựng bia cho những lễ tế trọng đại, những khi đi chinh phạt hoặc lúc tu sửa chùa miếu cùng danh tháp. Cho nên bia kệ của các đời để lại cực nhiều. Theo những ghi chép trong Hoàn vũ phỏng bi lục 寰宇访碑录 của Tôn Tinh Diễn 孙星衍 và Hình Chú 邢澍 cùng Bổ Hoàn vũ phỏng bi lục 补寰宇访碑录 của Triệu Chi Khiêm 赵之谦 đời Thanh, con số lên đến trên 1 vạn.
          Thời cổ bất luận dựng bia vì việc gì, cũng đều muốn khải thị cho đời sau, lưu truyền vĩnh cửu. Vì thế thủ bút trên bia nhìn chung đều là của những nhà thư pháp nổi tiếng lúc bấy giờ. Bia từ đời Tuỳ trở về trước, tuy đa phần không lưu lại họ tên người viết, nhưng từ những ghi chép trong lịch sử và nét tinh mĩ của thư pháp, có thể chứng minh đó là thủ bút của những người không phải tầm thường. Bia từ đời Đường trở về sau, theo tập quán đều lưu lại họ tên người viết, đại đa số đều là những người nổi tiếng. Cho nên, có thể nói rằng: thời cổ viết trên bia là cơ hội quan trọng để người viết thể hiện kĩ năng nghệ thuật của mình. Dấu vết chữ viết trên những bi bản 碑版 (2) của các đời lưu truyền lại đã trở thành kho di sản nghệ thuật thư pháp quý giá của Trung Quốc.
          Bia khắc ưu tú của các đời đều có, nhưng nhìn từ tổng thể,  bia được mọi người coi trọng nhất và có ảnh hưởng to lớn đối với hậu thế thuộc về bia thời Hán, bia thời Nguỵ và bia thời Đường.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- THẦN ĐẠO BI神道碑: tức bia dựng ở đường dẫn vào mộ. “Thần đạo” 神道  tức “mộ đạo” 墓道là đường dẫn vào mộ.
(2)- BI BẢN 碑版: cũng được viết là 碑板, mang những nét nghĩa sau:
          - Văn tự khắc trên bia kệ
          - Phiếm chỉ bia kệ.
          - Chỉ những bản rập chữ trên các bia kệ
          - Phái Bắc bi 北碑 trong thư pháp.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/337526.htm
          Bi bản ở đây chỉ những bản rập chữ trên các bia.
                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                      Quy Nhơn 12/3/2013

Nguyên tác Trung văn
BI
Trong quyển
CỔ NGOẠN THU TÀNG CHỈ NAM
古玩收藏指南
Tác giả: Long Tùng 龙松, Kỉ Bình 纪平
Hà Bắc nhân dân xuất bản xã, 1994.
Previous Post Next Post