Dịch thuật: Diễn biến quan xưng Tể tướng ... (kì 6)


DIỄN BIẾN QUAN XƯNG TỂ TƯỚNG
 QUA CÁC TRIỀU ĐẠI

 TỐNG, LIÊU

TRIỀU TỐNG
          Sau khi Tống Thái Tổ mở nước, lấy Trung thư sảnh 中书省 nắm chính sự, Xu mật viện 枢密院 nắm quân vụ, lấy Đồng Trung thư Môn hạ bình chương sự 同中书门下平章事 làm Tể tướng, lấy Tham tri chính sự 参知政事 làm Phó tướng. Chính Phó Tể tướng và Chính Phó Xu mật sứ của Xu mật viện gọi chung là Tể Chấp宰执 hoặc Tể Phụ 宰辅.
          Khoảng niên hiệu Nguyên Phong 元丰 đời Tống Thần Tông, sau khi cải cách quan chế, lấy Thượng thư Tả bộc xạ 尚书左仆射 kiêm Môn hạ thị lang 门下侍郎 làm thủ tướng, Thượng thư Hữu bộc xạ尚书右仆射 kiêm Trung thị lang 中书侍郎 làm thứ tướng, ngoài ra đặt 4 Phó tướng, lần lượt là Môn hạ thị lang, Trung thư  thị lang, Thượng thư tả thừa, Thượng thư hữu thừa.
          Niên hiệu Chính Hoà 正和 đời Tống Huy Tông, lại cải cách quan chế, lấy Thái tể 太宰đứng đầu, Thiếu tể 少宰 làm phó. Quan danh của 4 vị Phó tướng vẫn theo như cũ.
          Thời Cao Tông triều Nam Tống, lấy Thượng thư Tả, Hữu bộc xạ Đồng trung thư Môn hạ bình chương sự làm Tể tướng.
          Thời Tống Hiếu Tông thay đổi, lập Tả, Hữu thừa tướng làm Tể tướng, lấy Tham tri chính sự làm Phó tướng, mãi cho đến khi triều Nam Tống diệt vong.
TRIỀU LIÊU
          Chính quyền trung ương triều Liêu phân làm 2 hệ thống lớn: hệ thống Bắc diện quan 北面官 và hệ thống Nam diện quan 南面官. Hệ thống Bắc diện quan quản lí tộc Khất Đan 契丹 và các dân tộc du mục. Hệ thống Nam diện quan quản lí tộc người Hán ở trung nguyên. Trong 2 hệ thống lớn Nam Bắc này đều có Tể tướng.
          Hệ thống Bắc diện quan lập Bắc Tể tướng phủ, Nam Tể tướng phủ, giúp quản lí quân quốc đại chính. Ở 2 phủ mỗi phủ đều có Tả, Hữu Tể tướng, đồng thời lập Tổng tri quân quốc sự 总知军国事, Tri quân quốc sự 知军国事, tương đương với Phó Tể tướng. Hai phủ cộng lại có 8 vị Chính, Phó Tể tướng.
 Liêu Thái Tổ quy định, thành viên các đời trong 4 trướng của hoàng tộc nhậm chức Nam phủ Tể tướng; thành viên các đời trong 5 trướng của quốc cữu (tộc của Hoàng hậu) nhậm chức Bắc phủ Tể tướng. Từ Liêu Thánh Tông trở về sau, quan viên Hán tộc cũng được nhậm chức Tể tướng của 2 phủ.
Như vậy, triều Liêu lần đầu tiên trong lịch sử lấy Tể tướng chính thức định thành quan chức tối cao, lấy phủ Tể tướng làm chính phủ trung ương.
Trong hệ thống Nam Bắc diện quan, cũng mô phỏng quan chế đời Hán đặt ra tam sảnh: Trung thư, Môn hạ, Thượng thư, đứng đầu là Trung thư sảnh. Trước  niên hiệu Trùng Hi 重熙 thứ 13 đời Hưng Tông (năm 1044), Trung thư sảnh gọi là Chính sự sảnh 政事省, vị chủ quan là Chính sự lệnh 政事令 (sau gọi là Trung thư lệnh), là vị Tể tướng trong hệ thống Nam diện quan, đa phần do người Hán đảm nhiệm, nhưng quyền lực không bằng Bắc phủ. Tể tướng Nam phủ luôn là quan hàm vinh dự hữu danh vô thực.

                                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 06/3/2013

Nguyên tác Trung văn
LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG QUAN XƯNG ĐÍCH DIỄN BIẾN
历代宰相官称的演变
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post