CHỮ “CAN” 干 TRONG HÁN NGỮ CỔ
1- Cái khiên:
trong Lễ kí – Đàn Cung hạ 禮記 - 檀弓下 có câu:
Năng chấp can qua, dĩ vệ xã tắc.
能執干戈,以衛社稷
(Cầm khiên cầm mác để bảo vệ xã tắc)
Hai chữ
“can qua” 干戈 đi chung với nhau, thường biểu thị chiến tranh. Trong
Luận ngữ - Quý thị 論語 - 季氏 ghi rằng:
Nhi mưu động can qua ư bang nội.
而謀動干戈於邦內
(Định gây chiến trong nước)
2- Bờ: bài Phạt đàn 伐檀, phần Nguỵ phong 魏風
trong kinh Thi 詩có câu:
Trí chi hà chi can hề.
寘之河之干兮
(Đặt nó bên bờ sông)
Trong
bài Hữu khách 有客 (1) của Đỗ Phủ 杜甫:
Mạn lao xa mã trú giang can
謾勞車馬駐江干
(Anh từ xa đến thăm, xe ngựa dừng bên sông)
3- Phạm, mạo phạm,
xúc phạm, xung phạm: trong Tả truyện
– Tương Công nhị thập tam niên 左傳 - 襄公二十三年 có
ghi:
Can quốc chi kỉ
干國之紀
(Phạm vào phép nước)
Bài Bắc Sơn di văn 北山移文 của Khổng Trĩ
Khuê 孔稚珪:
Can thanh vân nhi trực thướng
干青雲而直上
(Chí xông thẳng lên mây xanh)
Trong Cổ phong ngũ thập cửu thủ 古風五十九首 của Lí Bạch
李白:
Tị tức can hồng nghê
Hành nhân giai truật dịch
鼻息干虹蜺
行人皆怵惕
(Hơi thở động đến cầu vồng
Người đi đường đều kinh sợ)
Bài Binh xa hành 兵車行 của Đỗ Phủ 杜甫:
Khốc thanh trực thướng can vân tiêu
哭聲直上干雲霄
(Tiếng khóc vang thấu đến trời xanh)
4- Truy cầu,
theo đuổi: trong Luận ngữ - Vi chính 論語 - 為政 có câu:
Tử Trương học can lộc
子張學干祿
(Tử Trương học làm quan để được bổng lộc)
Dẫn đến ý nghĩa hướng đến kẻ thống trị dâng kế sách để
được tước vị bổng lộc. Trong Sử kí – Hoài
Âm Hầu liệt truyện 史記 - 淮陰侯列傳:
Sổ dĩ sách can Hạng Vũ
數以策干項羽
(Mấy lần dâng kế sách lên Hạng Vũ)
Trong Liệt Tử - Thuyết phù 列子 - 說符:
Hiếu học giả dĩ thuật can Tề Hầu
好學者以術干齊侯
( Người ham học dùng học thuật dâng lên Tề Hầu)
Hai chữ
“can yết” 干謁 đi chung với nhau biểu thị việc yết kiến nhà cầm quyền
để mưu cầu tước vị bổng lộc. Trong bài Phó
Phụng Tiên huyện thuật hoài 赴奉先縣述懷 của Đỗ Phủ 杜甫 có câu:
Độc sỉ sự can yết
獨恥事干謁
(Riêng thấy việc cầu xin là xấu hổ)
5- Can chi 干支: chỉ thiên can
và địa chi. Thiên can gồm: Giáp Ất Bính Đinh Mậu Kỉ Canh Tân Nhâm Quý. Địa chi
gồm: Tí Sửu Dần Mão Thìn Tị Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi. Can chi phối hợp với
nhau, cứ như thế mà thay nhau, tức Giáp Tí rồi đến Ất Sửu cho đến Quý Hợi. Trước
thời Đông Hán, can chi dùng để ghi ngày, từ sau niên hiệu Kiến Vũ 建武 (năm 56) (2), cũng được dùng để ghi năm.
6- Nhược can 若干, như can 如干(một số): chỉ số mục bất định. Trong Lễ kí – Khúc lễ hạ 禮記 - 曲禮下 có câu:
Văn chi thuỷ phục y nhược can xích hĩ.
聞之始服衣若干尺矣
(Nghe nói, lúc đầu mặc áo chỉ dài mấy xích)
Trong Vương Văn Hiến tập tự 王文憲集序 của Nhậm Phưởng
任昉:
Thị dụng xuyết tập di văn, vĩnh di thế
phạm, vi như can trật, như can quyển
是用綴緝遺文,永貽世範,為如干袟,如干卷.
(Biên tập lại những bài sót, lưu lại cho đời, được một
số hộp, một số quyển)
7- Phát sinh mối
quan hệ (nghĩa của sau này): trong bài Phụng
Hoàng đài thượng ức xuy tiêu 鳳凰臺上憶吹簫 của Lí Thanh Chiếu 李清照
có câu:
Phi can bệnh tửu, bất thị bi thu
非干病酒,不是悲秋
(Không vì tại rượu, chẳng phải bi thu)
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Bài này một số tư liệu ghi nhan đề là Tân chí 賓至, riêng câu Mạn
lao xa mã trú giang can, chữ “mạn” là bộ bộ
“thuỷ” 氵, không phải bộ “ngôn” 言.
Mạn lao xa mã trú giang can
漫勞車馬駐江干
(2)- KIẾN VŨ 建武: là niên hiệu của
Hán Quang Vũ Lưu Tú 劉秀.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 16/3/2013
Nguyên tác Trung
văn
Trong quyển
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương
Lực 王力
Trung Hoa thư cục
1998.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật