VĂN THIÊN TƯỜNG
CÒN CÓ TÊN LÀ TỐNG THUỴ
Anh hùng kháng Nguyên nổi tiếng thời
Nam Tống Văn Thiên Tường 文天祥 sinh ra
trong một gia đình học thức tại Lư Lăng 庐陵
Cát Châu吉州 (nay là Cát An 吉安 Giang Tây 江西). Đêm trước ngày sinh của ông, tổ phụ Văn Thời Dụng
文时用 nằm mộng thấy người cháu cưỡi
mây bay lên trời, tổ phụ vô cùng vui mừng cho đó là điềm tốt, cho nên sau khi
cháu được sinh ra đã đặt tiểu danh là “Vân Tôn” 云孙, đồng thời dựa theo đó đặt học danh là “Thiên Tường”
天祥, tự “Lí Thiện” 履善. Hi vọng cháu sẽ được trời
cao bảo hộ, có được sự nghiệp.
Văn Thiên Tường từ nhỏ đã nhận được sự
giáo dục nghiêm túc, tốt đẹp. Phụ thân Văn Nghi 文仪 là một học giả chính trực học rộng biết nhiều. Khi
Văn Thiên Tường còn nhỏ, đích thân phụ thân dạy học. Văn Nghi không chỉ dạy con
học chữ mà còn thường kể cho con nghe những sự tích của các chí sĩ yêu nước:
nào là Âu Dương Tu 欧阳修 khắc khổ
học tập để trở thành văn học gia nổi tiếng; nào là Kiến Khang Thông phán Dương
Bang Nghĩa 杨帮义 sau khi
quân Kim phá thành, đã cắn ngón tay lấy máu viết thư, mắng quân địch, chết một
cách bất khuất, mong con lấy họ làm tấm gương, trở thành nhân tài hữu dụng cho
đất nước. Dưới sự chỉ dạy của phụ thân, Văn Thiên Tường không chỉ có được một
cơ sở học vấn chắc chắn mà còn có được một tư tưởng yêu nước kiên định. Năm 19
tuổi, Văn Thiên Tường đến thư viện Bạch Lộ Châu 白鹭洲 nổi tiếng lúc bấy giờ, theo học với học giả nổi
tiếng Âu Dương Ninh Đạo 欧阳宁道. Dưới sự
chỉ dạy tận tình của thầy, Văn Thiên Tường đã tiến một bước dài, trở thành một
học sinh có tài khí nhất của thư viện.
Khi 20 tuổi, Văn Thiên Tường đến kinh sư Lâm An 临安 tham gia Điện thí, lúc bấy giờ ông không viết
nháp, viết liền một mạch một bài dài cả vạn chữ, đối với tệ nạn ở các phương diện
như thiên biến, dân sinh, nhân tài, sĩ tập, quốc kế, dân lực, đạo tặc, biên
phòng … đều tiến hành phân tích kĩ lưỡng, đồng thời đề xuất đối sách thiết thực
có thể thi hành. Hoàng đế Lí Tông lúc bấy giờ sau khi xem qua vô cùng kinh ngạc,
rất vui mừng vì có được một nhân tài như thế, đất nước đã có hi vọng.
Vì thế, Hoàng đế đã mượn tên của ông tán thưởng rằng:
Thử thiên chi tường, nãi Tống chi thuỵ dã.
此天之祥,乃宋之瑞也
(Điềm tốt của trời này là điềm
lành của nhà Tống)
Về
sau, Văn Thiên Tường bèn tự đặt cho mình tên Tống Thuỵ 宋瑞.
Thời
đại mà Văn Thiên Tường sống chính là triều Nam Tống đang trên đà suy vong, khi
quân Nguyên đem quân tấn công, Văn Thiên Tường kiên quyết chủ trương kháng địch,
bảo vệ đất nước. Năm 1259, quân Nguyên xâm chiếm phương nam, hoạn quan Đổng Tống
Thần 董宋臣
chủ trương dời đô bỏ chạy, Văn Thiên Tường dâng thư xin chém Đổng Tống Thần để ổn
định lòng người, kiên quyết chống lại quân xâm lược. Kết quả sớ tấu bị bỏ qua,
Văn Thiên Tường phẫn nộ từ quan về quê. Sau ra làm
quan, lại vì đắc tội với quyền thần Giả Tự Đạo 贾似道 nên bị bãi quan, về sống ở Văn
Sơn 文山
nơi quê nhà. Văn Sơn là tên một ngọn núi ở Cát An 吉安quê ông, trong thời gian này,
Văn Thiên Tường lấy hiệu là “Văn Sơn” 文山.
Năm
1259, quân Nguyên bao vây Lâm An, Lâm An nguy cấp, Văn Thiên Tường bán gia sản
chiêu mộ quân cần vương, bảo vệ Lâm An. Năm sau, trong lúc nguy nan, Văn Thiên
Tường ra đảm nhiệm chức Hữu thừa tướng, từng đích thân đến doanh trại quân
Nguyên đàm phán. Đối mặt với kẻ địch, ông đại nghĩa lẫm nhiên, khảng khái uy
nghi khiến quân địch chấn động. Sau khi Lâm An bị chiếm đóng, Văn Thiên Tường
kiên trì kháng Nguyên, năm 1278 bại binh bị bắt.
Sau
khi Văn Thiên Tường bị bắt làm tù binh, Hoàng đế triều Nguyên Hốt Tất Liệt 忽必烈 đích thân khuyên hàng, hứa cấp
cho quan cao lộc hậu, đồng thời cũng doạ lấy đầu, nhưng Văn Thiên Tường kiên
quyết cự tuyệt. Trong thời gian này, Văn Thiên Tường đã viết 2 câu:
Nhân sinh tự cổ
thuỳ vô tử
Lưu thủ đan tâm
chiếu hãn thanh (1)
人生自古谁无死
留取丹心照汗青
(Con người từ xưa đến nay ai mà
không chết
Chỉ có điều làm sao lưu lại tấm
lòng son với sử xanh)
và bài Chính khí ca 正气歌 lưu truyền thiên cổ.
Đối
với việc khuyên Văn Thiên Tường đầu hàng không thành, vào ngày 9 tháng 1 năm
1283 kẻ thống trị triều Nguyên đã cho giết ông. Để kỉ niệm vị anh hùng kháng
Nguyên trung trinh ái quốc tràn đầy chính khí, tại di chỉ nhà ngục mà Văn Thiên
Tường bị giam cầm và tại quê nhà của ông, người đời sau đã lập từ đường để mọi
người chiêm ngưỡng cúng bái.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Hai câu này trong bài Quá Linh Đinh dương 过零丁洋.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 07/02/2013
Dịch từ nguyên tác Trung văn
VĂN THIÊN TƯỜNG HOÀN HỮU NHẤT CÁ
DANH TỰ
KHIẾU TỐNG THUỴ
文天祥还有一个名字叫宋瑞
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên (张壮年)
Trương Dĩnh Chấn (张颖震)
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã,
tháng 9-2005
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật