Dịch thuật: Tài thần


TÀI THẦN

          Tài thần 财神 trong dân gian Trung Quốc đại để có thể chia làm 2 loại: Văn Tài thần và Võ Tài thần.
          Văn Tài thần hơi giống với Thiên quan 天官, đầu đội mũ Tể tướng, tay cầm kim câu như ý, thân mặc mãng bào, 5 chòm râu dài trước ngực mềm mại. Văn Tài thần dáng vẻ nghiêm túc, khuôn mặt gầy, theo truyền thuyết đó là Tỉ Can 比干.
          Tỉ Can là thúc phụ của Trụ vương, con người trung trinh chính trực. Tỉ Can thấy Trụ vương hoang dâm vô đạo, không ngó ngàng đến triều chính nên thường khuyên can. Đối với những lời khuyên can của Tỉ Can, Trụ vương không những không nghe mà còn cho rằng Tỉ Can vô lí gây chuyện. Có một lần, Tỉ Can mạnh  mẽ khuyên can, Trụ vương cả giận nói rằng:
          Trẫm nghe nói trái tim của thánh nhân có 7 lỗ, nay trẫm muốn xem thử tim của khanh có 7 lỗ hay không.
          Nói xong liền sai người moi tim Tỉ Can. Tỉ Can thuần chính, thẳng thắn vô tư, giận nhìn Trụ vương, tự mình moi tim ra quăng xuống đất rồi ra khỏi triều, đi đến dân gian, phân phát tiền của cho dân. Tỉ Can tuy không có tim nhưng do bởi uống linh đơn của Khương Tử Nha 姜子牙 nên không chết. Vì không có tim, cũng không nghiêng về phía nào nên làm việc rất công tâm, rất được mọi người kính yêu và ca ngợi, đồng thời cũng được phụng thờ là Tài thần.
          Còn có một Văn Tài thần khác là một vị đại phú gia từng làm nghề buôn bán. Vị đó chính là Phạm Lãi 范蠡 thời Xuân Thu. Phạm Lãi vốn là đại thần của Việt vương Câu Tiễn 勾踐. Ông túc trí đa mưu, giúp Việt vương đánh bại Ngô vương Phù Sai 夫差, lập nên nghiệp bá. Khi Việt vương đại thưởng công thần, không thấy có Phạm Lãi. Hoá ra Phạm Lãi đã mai danh ẩn tích chạy đến nước Tề. Tại nước Tề, Phạm Lãi kinh doanh nông nghiệp và thương nghiệp. Do bởi Phạm Lãi trong chốn công danh lợi lộc chịu nhiều sóng gió, đã xem nhẹ tiền bạc nên 3 lần phát tài, 3 lần đều đem tiền của có được phân phát cho người nghèo và bạn bè thân thích. Trong mắt mọi người Phạm Lãi có địa vị rất cao, vì thế ông được tôn là Tài thần.
          Võ Tài thần đa phần chỉ Triệu Công Minh 趙公明. Hình tượng Triệu Công Minh được miêu tả trong Tam giáo nguyên lưu sưu thần đại toàn 三教源流搜神大全 là: đầu đội mũ sắt, tay cầm roi sắt, mặt đen nhiều râu, cưỡi hổ. Trong Phong thần diễn nghĩa 封神演義, Triệu Công Minh là vị đạo tiên ở núi Nga Mi 峨嵋, võ nghệ cao cường, có những pháp bảo như hổ đen, roi sắt và hải châu, dây cột rồng. Khi Khương Tử Nha trảm tướng phong thần, Triệu Công Minh được phong là thần “Kim long như ý chính nhất long hổ huyền đàn chân quân” 金龍如意正一龍虎玄壇真君, thủ hạ có 4 vị chính thần là: Chiêu tài 招財, Nạp trân 納珍, Chiêu bảo 招寶, Lợi thị 利巿, họ chuyên lo việc “Nghinh tường nạp phúc, truy đào bộ vong” 迎祥納福, 追逃捕亡. Triệu Công Minh quản về tiền của, có công năng khiến người ta làm giàu nên rất được mọi người hoan nghinh.
          Sùng bái Tài thần, hi vọng Tài thần bảo hộ bản thân được phát tài đã trở thành tâm lí phổ biến của mọi người. Mồng 2 tết, nhà nhà đều có tập tục “Nghinh Tài thần”, “Tế Tài thần” để mong có được điều tốt đẹp “Tài thần đến nhà, càng ngày càng phát”.

                                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                                             Quy Nhơn 12/02/2013
                                                                                Mồng 3 tết Quý Tị

Dịch từ nguyên tác Trung văn
TÀI THẦN
財神
Trong quyển
CÁT TƯỜNG ĐÍCH TRUNG QUỐC
吉祥的中國
Bản công ti biên tập bộ biên soạn
Ngọc thụ đồ thư ấn loát hữu hạn công ti, năm Dân Quốc thứ 90.
Previous Post Next Post