ĐÔNG
PHƯƠNG SÓC VÀ NÀNG NGUYÊN TIÊU

Một
ngày nọ, Đông Phương Sóc xuất cung, bày ra một gian hàng xem bói ở trên đường trong
kinh thành Trường An. Nhiều người tranh nhau nhờ xem quẻ. Quẻ của mỗi người đều
là “ngày rằm tháng Giêng lửa bén đến thân”. Trong phút chốc, cả kinh thành Trường
An hoảng sợ, mọi người tranh nhau cầu xin, tìm cách giải trừ tai ương. Đông Phương
Sóc bảo rằng:
Chiều tối ngày rằm tháng Giêng, Hoả thần sẽ
phái một thần nữ áo đỏ xuống phàm trần tra xét. Thần nữ chính là sứ giả phụng
theo ý chỉ thiêu đốt kinh thành Trường An. Ta sao lục lại lời kệ đưa cho mọi
người, có thể vào ngày hôm đó nghĩ ra được biện pháp.
Nói
xong liền vất xuống đất một tờ thiếp đỏ rồi sải bước ra đi. Mọi người vội nhặt
lên đem đến hoàng cung bẩm báo Hoàng thượng.
Hán Vũ Đế cầm xem, chỉ thấy bên trên viết rằng:
Trường An gặp nạn, lửa thiêu Đế khuyết, ngày 15 lửa trời,
đỏ rực suốt đêm.
Vũ Đế
kinh hãi liền cho mời Đông Phương Sóc túc trí đa mưu đến. Đông Phương giả vờ
suy nghĩ rồi nói:
Thần nghe nói Hoả thần rất thích ăn bánh
trôi, nàng Nguyên Tiêu trong cung chẳng phải là người thường nấu cho bệ ăn đó
sao? Đêm rằm tháng Giêng bệ hạ bảo nàng Nguyên Tiêu làm bánh trôi, bệ hạ thắp
hương dâng cúng, truyền lệnh cho nhà nhà trong kinh thành đều làm bánh trôi đồng
loạt dâng cúng Hoả thần. Truyền dụ cho thần dân vào đêm đó treo đèn, khắp thành
đốt pháo, nổi lửa, giống như cả thành có lửa, làm như vậy có thể qua mặt được
Thượng Đế. Ngoài ra, thông báo cho dân chúng ngoài thành vào đêm rằm tháng
Giêng vào thành xem hoa đăng, để tiêu tai giải nạn.
Hán Vũ
Đế nghe qua vô cùng vui mừng liền truyền lệnh làm theo lời Đông Phương Sóc. Đến
ngày rằm tháng Giêng, trong thành Trường An treo đèn kết hoa, người người vui
chơi vô cùng náo nhiệt. Cha mẹ nàng Nguyên Tiêu cũng dẫn em gái của nàng vào
thành. Khi họ nhìn thấy trên đèn treo trong cung viết 2 chữ “Nguyên Tiêu” liền
hét lớn: “Nguyên Tiêu! Nguyên Tiêu!”
Nàng Nguyên Tiêu nghe được và cuối cùng đoàn tụ với gia đình.
Cứ như
thế náo nhiệt suốt cả đêm, kinh thành Trường An quả nhiên vô sự. Hán Vũ Đế rất
vui mừng liền hạ lệnh từ đó về sau mỗi năm đến rằm tháng Giêng đều làm bánh
trôi dâng cúng Hoả thần, cả thành treo đèn đốt lửa. Nhân vì bánh trôi do nàng
Nguyên Tiêu làm rất ngon cho nên ngày đó gọi là tết Nguyên tiêu.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- “Nguyên tiêu” 元宵 ở đây chỉ bánh
trôi. “Nguyên tiêu” là một món ăn có nguồn gốc rất lâu đời. Đời Tống trong dân
gian lưu hành một món ăn trong dịp tết Nguyên tiêu. Món ăn này lúc đầu gọi là
“Phù nguyên tử” 浮元子, về sau gọi là “Nguyên tiêu” 元宵.
Những người buôn bán còn gọi món này bằng một cái tên rất đẹp là “Nguyên bảo” 元宝.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 24/02/2013
Nguyên tiêu năm Quý Tị
Trích dịch từ nguyên tác Trung văn
NGUYÊN TIÊU TIẾT
元宵节
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật