Dịch thuật: Đô sát viện triều Minh


ĐÔ SÁT VIỆN TRIỀU MINH

          Đô sát viện 都察院 là cơ cấu giám sát tối cao của triều Minh, lấy Tả Hữu Đô ngự sử, Tả Hữu phó Đô ngự sử làm chính phó trưởng quan, nắm giữ việc giám sát trong ngoài, xử lí việc phạm pháp. Dựa theo 13 tỉnh hành chính khu lúc bấy giờ, chia toàn quốc ra làm 13 đạo giám sát khu, định ra 13 đạo giám sát ngự sử gồm 110 người chia ra giám sát các nơi. Triều Minh còn đặt ra chế độ Ngự sử xuất tuần địa phương tức Ngự sử thay mặt Hoàng đế đi tuần các địa phương, gọi là Tuần án Ngự sử 巡按御史, tục gọi là Bát phủ tuần án 八府巡按. Phẩm trật của họ tuy không cao nhưng quyền lực rất lớn. Ngoài ra, nếu địa phương nào xảy ra sự việc trọng đại, triều đình sẽ phái quan viên có hàm Đô ngự sử đi xử lí, quyền lực tương đối lớn hơn Tuần án Ngự sử. Những người này, nếu kiêm luôn hành chính và dân chính của một tỉnh thì gọi là Tuần phủ 巡抚; nếu kiêm quản quân sự một tỉnh thì gọi là Đề đốc 提督, nếu ai kiêm quản quân sự, hành chính, tài chính nhiều tỉnh thì gọi là Tổng đốc 总督, vẫn lệ thuộc vào Đô sát viện. Tuần phủ, Đề đốc, Tổng đốc lúc bấy giờ vẫn là những chức vụ mang tính sai khiến lâm thời.
          Cơ cấu giám sát ngang hàng với Đô sát viện còn có Lục khoa cấp sự trung 六科给事中, phụ trách việc đối chiếu sổ sách của Lục bộ ở trung ương và các cơ quan khác; vẫn có thể tham dự đình nghị và thẩm tra xử lý các vụ án lớn. Cho nên Cấp sự trung tuy địa vị thấp nhưng quyền lại lớn.
          Ngoài ra, các cơ cấu khác như Cẩm y vệ 锦衣卫, Đông xưởng 东厂, Tây xưởng 西厂 tuy có chức năng giám sát nhất định nhưng thực chất là những  cơ quan có nhiệm vụ đặc biệt, không thể xem là cơ cấu giám sát chính thức.

                             Huỳnh Chương Hưng
                               Quy Nhơn 02/02/2013

Dịch từ nguyên tác Trung văn
MINH TRIỀU ĐÍCH ĐÔ SÁT VIỆN
明朝的都察院
Trong quyển
MINH THANH VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
明清文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm 李少林
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post