Dịch thuật: Nguồn gốc tết Nguyên tiêu (bài 2)


NGUỒN GỐC TẾT NGUYÊN TIÊU
(bài 2)

          Tết Nguyên tiêu 元宵 rằm tháng Giêng còn được gọi là tết Thượng nguyên上元, tết Xuân đăng 春灯, là ngày tết truyền thống dân tục của Hán tộc Trung Quốc. Người xưa gọi đêm là “tiêu” , đêm rằm tháng Giêng lại là đêm trăng tròn đầu tiên của một năm, nên gọi rằm tháng Giêng là Nguyên tiêu. Nguyên tiêu cũng còn được gọi là Tiểu Chinh nguyệt 小正月, Nguyên tịch 元夕 hoặc Đăng tiết 灯节, đây là ngày tết trọng yếu đầu tiên sau tết Xuân âm lịch . Trung Quốc đất rộng lại có lịch sử lâu đời, cho nên về tập tục tết Nguyên tiêu khắp nơi trên cả nước có khác nhau, trong đó tập tục ăn Nguyên tiêu, thưởng thức hoa đăng, múa rồng, múa sư tử … là mấy tập tục dân gian trọng yếu của tết Nguyên tiêu. Nguồn gốc của tết Nguyên tiêu có mấy thuyết sau:

1- Hán Văn Đế kỉ niệm việc bình định được họ Lữ:
          Truyền thuyết kể rằng, tết Nguyên tiêu là do Hán Văn Đế đặt ra nhằm kỉ niệm việc “bình Lữ” 平吕 (bình định được họ Lữ). Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang 刘邦 mất, con của Lữ Hậu là Lưu Doanh 刘盈 lên ngôi tức Hán Huệ Đế. Huệ Đế tính tình nhu nhược, không quyết đoán, đại quyền dần về tay Lữ Hậu. Sau khi Hán Huệ Đế mất, Lữ Hậu nắm giữ triều chính, biến thiên hạ của họ Lưu thành thiên hạ của họ Lữ. Các lão thần trong triều cùng tông thất họ Lưu căm phẫn, nhưng đều sợ sự tàn bạo của Lữ Hậu nên không dám nói.
          Sau khi Lữ Hậu mất, con cháu họ Lữ nơm nớp lo sợ không yên. Vì thế, Thượng tướng quân Lữ Lộc 吕禄đã bí mật tập hợp họ Lữ bàn mưu gây loạn để đoạt lấy giang sơn của họ Lưu.
          Sự việc truyền đến tai một tôn thất họ Lưu là Tề vương Lưu Nang 刘囊. Để bảo vệ giang sơn, Lưu Nang quyết định khởi binh thảo phạt họ Lữ nên đã liên hệ với các vị lão thần khai quốc như Chu Bột 周勃, Trần Bình 陈平 tìm cách trừ Lữ Lộc. “Loạn chư Lữ” cuối cùng được dẹp yên.
          Sau khi bình định được loạn, chúng thần lập người con thứ 2 của Lưu Bang là Lưu Hằng 刘恒 lên ngôi, xưng là Hán Văn Đế. Văn Đế cảm thấy có được thái bình thịnh thế không phải dễ nên đã lấy ngày rằm tháng Giêng bình định “loạn chư Lữ” làm ngày để dân chúng cùng vui, nhà nhà trong kinh thành treo đèn kết hoa  thể hiện sự chúc mừng. Từ đó, ngày rằm tháng Giêng trở thành ngày tết dân gian “Náo Nguyên tiêu” 闹元宵.
          Thời Hán Vũ Đế, hoạt động tế tự “Thái Nhất thần” 太一神 ấn định vào ngày rằm tháng Giêng (Thái Nhất: vị thần chủ tể vũ trụ). Khi Tư Mã Thiên 司马迁 làm ra “Thái sơ lịch” 太初历 đã đem tết Nguyên tiêu xác định thành ngày tết trọng đại.
2- Thuyết “Tam Nguyên” của Đạo giáo:
     Thắp đèn vào đêm Nguyên tiêu là một tập tục bắt nguồn từ thuyết “Tam Nguyên” 三元 của Đạo giáo.
          Thượng nguyên 上元, hàm nghĩa đêm trăng tròn đầu tiên của năm mới. Nguồn gốc của tết Thượng nguyên, theo ghi chép ở Tuế thời tạp kí 岁时杂记, đây là theo lệ của Đạo giáo. Đạo giáo gọi rằm tháng Giêng là Thượng nguyên 上元, rằm tháng Bảy là Trung nguyên 中元, rằm tháng Mười là Hạ nguyên 下元, hợp xưng là “Tam Nguyên”. Những vị thần mà đạo Ngũ đấu mễ 五斗米, một phái Đạo giáo trọng yếu cuối đời Hán tôn sùng là Thiên Quan 天官, Địa Quan 地官, Thuỷ Quan 水官. Thiên Quan tứ phúc, Địa Quan xá tội, Thuỷ Quan giải ách, lấy Tam nguyên phối hợp với Tam Quan, họ cho rằng Thượng nguyên Thiên Quan sinh vào ngày rằm tháng Giêng, Trung nguyên Địa Quan sinh vào ngày rằm tháng Bảy, Hạ nguyên Thuỷ Quan sinh vào ngày rằm tháng Mười. Như vậy, rằm tháng Giêng được gọi là tết Thượng nguyên. Ngô Tự Mục 吴自牧 thời Nam Tống trong Mộng lương lục 梦梁录 nói rằng:
          Chinh nguyệt thập ngũ nhật Nguyên tịch tiết, nãi Thượng nguyên Thiên Quan tứ phúc chi thần.
          正月十五日元夕节, 乃上元天官赐福之辰
          (Tết Nguyên tịch rằm tháng Giêng là ngày của Thượng nguyên Thiên Quan tứ phúc)
          Thiên Quan ban cho phúc, Địa Quan xá cho tội, Thiên Quan hỉ lạc, nên vào tết Thượng nguyên phải thắp đèn.
3- Minh Đế thời Đông Hán thắp đèn kính Phật:
          Tết Nguyên tiêu là ngày tết truyền thống của Trung Quốc, tập tục tết Nguyên Tiêu ngắm đèn bắt đầu có từ thời Minh Đế thời Đông Hán. Minh Đế đề xướng Phật giáo, nghe nói vào ngày rằm tháng Giêng, tăng nhân khi xem xá lợi Phật, có tục thắp đèn kính Phật, nên đã ra lệnh vào đêm hôm đó tại hoàng cung và các chùa phải thắp đèn kính Phật, lệnh cho dân phải treo đèn. Từ đó nghi lễ Phật giáo này dần trở thành ngày tết lớn trong dân gian. Tết này đã trải qua quá trình  từ cung đình ra đến dân gian, từ trung nguyên lan khắp toàn quốc.
4- Bắt nguồn từ “Tết lửa”:
          Đời Hán, dân chúng nơi thôn quê thường cầm lửa ra nơi ruộng đồng để xua đuổi sâu bọ cùng thú dữ, hi vọng giảm được tai hại, cầu mong được mùa. Đến ngày nay, tại một số nơi ở phía tây nam Trung Quốc vẫn còn tập tục vào ngày rằm tháng Giêng mọi người lấy củi hoặc cành cây làm thành bó đuốc, tập họp thành nhóm giơ cao đuốc nhảy múa nơi đầu bờ ruộng hoặc nơi thung lũng. Từ đời Tuỳ, Đường, Tống trở đi càng thịnh hành, người tham gia nhảy múa có đến cả vạn, từ tối cho đến sáng hôm sau, cứ như vậy đến cuối tháng mới thôi. Theo sự biến thiên của xã hội và thời đại, phong tục tập quán tết Nguyên tiêu sớm đã có những biến đổi to lớn, đến ngày nay vẫn là ngày tết truyền thống của dân gian Trung Quốc.

          Thời gian vui chơi tết Nguyên tiêu và những hoạt động vui chơi của ngày tết này được kéo dài và mở rộng tuỳ theo lịch sử. Đời Hán chỉ có 1 ngày, đến đời Đường là 3 ngày, thời Tống dài đến 5 ngày. Đời Minh là từ mồng 8 thắp đèn, mãi đến đêm ngày 17 tháng Giêng mới hạ đèn, kéo dài suốt cả 10 ngày. Cũng như tết xuân, tết Nguyên tiêu ban ngày đông vui náo nhiệt, ban đêm đèn thắp rực rỡ, đặc biệt đèn treo rất tinh xảo, nhiều màu sắc, khiến cho tết Nguyên tiêu trở thành cao trào trong hoạt động vui chơi của mùa Xuân. Đến đời Thanh, lại có thêm múa rồng, múa sư tử, đua thuyền trên cạn, đi cà kheo, múa ương ca, chỉ có điều thời gian rút xuống chỉ còn 4 đến 5 ngày.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 24/02/2013
                                                             Nguyên tiêu năm Quý Tị

Trích dịch từ nguyên tác Trung văn
NGUYÊN TIÊU TIẾT
元宵节
Previous Post Next Post