Dịch thuật: Diễn biến quan xưng Tể tướng ... (kì 4)


DIỄN BIẾN QUAN XƯNG TỂ TƯỚNG
 QUA CÁC TRIỀU ĐẠI

 NAM BẮC TRIỀU

NAM TRIỀU
Tam công, Bát công thời Nam triều là hàm được tôn sủng, không phải là Tể tướng trên thực tế. Lục thượng thư sự 录尚书事 cũng thỉnh thoảng đặt ra không phải là định chế. Nhìn từ pháp luật và chế độ, người mà được đại chính nghị quyết, chỉ huy chính vụ, có quyền “trợ lí vạn cơ” là Thượng thư lệnh, Thượng thư bộc xạ (Thượng thư Tả bộc xạ, Thượng thư Hữu bộc xạ); nhìn từ địa vị, Thượng thư lệnh, Thượng thư bộc xạ từ tam phẩm đầu thời Tống, Tề, đến năm 508 sau khi Từ Miễn 徐勉 cải cách quan chế, đã lần lượt được nâng lên ngang với chính và tùng nhị phẩm. Triều Trần, Thượng thư lệnh được nâng lên nhất phẩm, khiến chức quyền và phẩm vị nhất trí nhau, trở thành đứng đầu bách quan. Nhân đó, Tể tướng thời Nam triều là Thượng thư lệnh, Thượng thư bộc xạ.
Trung thư giám 中书监 và Trung thư lệnh 中书令 thời Nam triều trong nhiều tình huống cũng chỉ là chức vị danh dự, hoàn toàn không có thực quyền, chỉ ở một số ít tình huống hành sử chức Tể tướng, nhưng chưa thành định chế.

BẮC TRIỀU
Năm vương triều thời Bắc triều là Bắc Ngụy, Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Tề, Bắc Chu đều ở vào thời kì từ Đông Tấn đến triều Tùy kiến lập. Trừ Bắc Chu ra, chức xưng Tể tướng về cơ bản chỉ tăng giảm theo chế độ của Đông Tấn.
Bắc Ngụy là chính quyền do tộc Tiên Ti 鲜卑 liên hợp với quý tộc người Hán kiến lập, chính quyền này đã theo chế độ Tam công, Bát công của Đông Tấn. Bởi chính quyền này do dân tộc du mục (tộc Tiên Ti) làm chủ thể kiến lập, mang dấu vết chính thể liên minh bộ lạc xưa cũ cho nên Tam công Bát công của nó tuy là quan hàm danh dự nhưng ở thời kì đầu lại có một số thực quyền tham dự triều chính. Trước khi Hiếu Văn Đế triều Bắc Ngụy mất đã lấy Tam công cùng Thượng thư lệnh, Tả Hữu bộc xạ làm Lục phụ 六辅. Trong đó Tam công là phụ chính đại thần có quyền nghị chính. Nhưng từ pháp luật, từ chế độ quy định người  vừa có quyền nghị chính lại có quyền giám đốc, chỉ huy bách quan chấp hành lại là Thượng thư lệnh, Thượng thư Tả Hữu bộc xạ. Có lúc cũng lấy danh hàm Lục Thượng thư sự trao cho đại thần (chủ yếu là đại thần tông thất). Vì thế, Tể tướng thời Bắc Ngụy là Lục thượng thư sự, Thượng thư lệnh, Thượng thư Tả Hữu bộc xạ, thường lấy Thượng thư lệnh làm Thủ tướng. Còn như trong sử sách có nói thời Bắc Ngụy “Tể tướng nắm giữ triều chính đa phần là Thị trung”, đó là chỉ Tể tướng thường kiêm quan hàm Thị trung 侍中, để dễ tiếp cận Hoàng đế, nghị quyết chính sự, chứ không phải Thị trung là Tể tướng, quan vị cũng thấp hơn Thượng thư bộc xạ.
Đông Ngụy và Tây Ngụy do Bắc Ngụy phân liệt mà thành, Bắc Tề do Đông Ngụy diễn biến mà thành, vì thế chức xưng Tể tướng của 3 vương triều này đại để tương đồng với Bắc Ngụy. Có một số ít quyền thần (như Cao Hoan 高欢, Cao Trừng 高澄, Vũ Văn Thái 宇文泰) cũng lấy danh hàm Thừa tướng, Đại thừa tướng để hành sử tướng quyền.
Bắc Chu thực hành cải cách quan chế, thi hành chế độ Tể tướng khác với 4 vương triều trước, lấy Thái sư 太师, Thái phó 太傅, Thái bảo 太保 làm Tam công, được xem là quan vị danh dự; lấy Đại trủng tể 大冢宰, Đại tư đồ 大司徒 làm Tể tướng, Đại trủng tể là Thủ tướng. Đây là dựa theo Chu lễ 周礼, phục cổ mà định ra, tuy cũng có đặt ra Thượng thư Tả Hữu bộc xạ nhưng chức quyền không lớn.

                                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                                           Quy Nhơn 05/02/2013

Dịch từ nguyên tác Trung văn
LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG QUAN XƯNG ĐÍCH DIỄN BIẾN
历代宰相官称的演变
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post