Dịch thuật: Thuyết khởi nguyên từ điển Trung Quốc


THUYẾT KHỞI NGUYÊN TỪ ĐIỂN TRUNG QUỐC

          Về vấn đề khởi nguyên của từ điển Trung Quốc, giới học giả có nhiều thuyết khác nhau. Có học giả cho rằng Dịch kinh 易经 là bộ từ điển xuất hiện sớm nhất của Trung Quốc; cũng có học giả cho rằng sách giáo khoa mà thời cổ dùng làm giáo trình dạy nhận biết chữ là từ điển sớm nhất của Trung Quốc.
          Lưu Trường Duẫn 刘长允 (1985) đề xuất, Dịch kinh là “bộ từ thư cổ xưa”, trên thực tế nên xem đó là từ điển ngữ văn. Ông cho rằng “Dịch kinh dựa vào thể lệ biên soạn từ thư”, có nét đặc sắc biên soạn của từ thư, “vừa là sách công cụ giải thích ngôn ngữ, lại là sách giáo khoa hướng dẫn mọi người về hoạt động xã hội”; “không giải thích trừu tượng, chỉ dùng phương thức nêu câu mẫu để làm rõ các nét nghĩa của những từ được giải thích”; quan hệ giữa chữ được nêu ở đầu với mục từ không câu nệ một kiểu”. Từ giác độ hình thái văn hiến mà khảo sát, Châu Đức Mĩ 周德美 (1999) cho rằng Chu Dịch 周易 “là từ điển, nhưng không phải là từ điển ngữ văn, mà là từ điển chuyên dùng cho bốc phệ”.
          Có học giả cho rằng, Chu Dịch không phải là từ điển. Nhìn từ “kinh” văn, trong “kinh” có 8 quẻ, 8 quẻ chồng lên nhau hình thành 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 hào, mỗi quẻ mỗi hào đều có lời giải thuyết, tức quái từ và hào từ. Tuy quái từ và hào từ quy tắc sắp xếp có thứ tự, giống như Lưu Trường Duẫn đã nói, có đặc điểm sắp xếp theo thể lệ từ thư, nhưng quái từ và hào từ giải thuyết ngụ ý triết lí của quái tượng và hào tượng; vả lại “tượng” và “lí” đều dùng phương thức tượng trưng để thể hiện, nó không giống như từ điển sử dụng những câu dễ lí giải để tiến hành giải thích tự từ. Quái từ và hào từ đều dùng phương thức tỉ dụ, suy lí để giải thích quái tượng và hào tượng. Nếu không có sự tiến hành giải thích đối với quái từ, hào từ thì người thường khó lí giải ngụ ý của nó. Hàm ý của quái từ và hào từ cực kì phong phú, sâu sắc, mọi người có thể linh hoạt mở rộng phát huy. Vì thế, nhìn từ giác độ từ điển, bộ phận văn “kinh” văn của Dịch không phải là từ điển.
          Thế thì, bộ phận “truyện” văn có phải là từ điển không? Dịch truyện 易传 có 7 loại, tức “văn ngôn” 文言, “thoán truyện” 彖传 thượng hạ, “tượng truyện” 象传 thượng hạ, “hệ từ truyện” 系辞传thượng hạ, “thuyết quái truyện” 说卦传, “tự quái truyện” 序卦传 và “tạp quái truyện” 杂卦传 tổng cộng 10 thiên. Do bởi 10 thiên này giải thích đại ý của “kinh” văn, giống như “vũ dực” 羽翼 (cánh chim) của “kinh” văn, nên được gọi là “thập dực” 十翼. “Văn ngôn” có 2 tiết, tiết đầu là “Càn văn ngôn” 乾文言 (văn ngôn của quẻ Càn), giải thuyết quẻ Càn; tiết sau là “Khôn văn ngôn” 坤文言 (văn ngôn của quẻ Khôn), giải thuyết quẻ Khôn. Lí Đỉnh Tộ 李鼎祚 đời Đường trong Chu Dịch tập giải 周易集解 đã dẫn lời của Diêu Tín 姚信:
          “Càn” “Khôn” vi môn hộ, văn thuyết “Càn” “Khôn”, lục thập nhị quái giai phỏng yên.
” “为门户, 文说” “”, 六十二卦皆放焉.
          (“Càn” và “Khôn” là cửa, lời văn nói về quẻ “Càn” và quẻ “Khôn”, 62 quẻ còn lại đều mô phỏng theo đó)
          Đây chính là nói, “văn ngôn” chỉ là văn sức, giải thuyết nội dung quái từ của 2 quẻ “Càn” và “Khôn”, nói rõ ý nghĩa tượng trưng của nó.
          “Thoán truyện” theo thượng hạ kinh mà phân thành thượng hạ 2 thiên, tổng cộng 64 tiết, lần lượt giải thích tên quẻ của 64 quẻ, quái từ cùng hàm nghĩa chủ yếu của mỗi quẻ. “Tượng truyện” cũng theo thượng hạ kinh mà phân thành  thượng hạ 2 thiên, theo quái và hào giải thích tượng quái của các quẻ cùng hào tượng của các hào. “Hệ từ truyện” tương đối dài, phân thành thượng hạ 2 thiên, tiến hành phân tích giải thích tương đối toàn diện đối với nội dung các phương diện trong “kinh” văn của Chu Dịch. “Thuyết quái truyện” chủ yếu là giải thích đặc điểm việc lấy tượng của 8 quẻ cùng ý nghĩa tượng trưng của quái tượng. “Tự quái truyện” chủ yếu giải thuyết thứ tự sắp xếp 64 quẻ, luận bàn ý nghĩa nối tiếp nhau của các quẻ. “Tạp quái truyện” đem 64 quẻ phân thành 32 tổ, từng cặp đối với nhau, giải thích mối quan hệ biện chứng giữa quẻ với quẻ, cùng quái chỉ từ trong mối quan hệ “đan xen”.
          “Dịch truyện” là sáng tác tập thể trải qua nhiều đời, không phải dựa theo thể lệ biên soạn từ điển thống nhất mà thành, vì thế thể lệ các thiên của “thập dực” bất nhất, đối với việc giải thích từ ngữ, thuyết minh từ cú, luận đoán phân tích vấn đề đều xuất hiện sự giao thoa. Như “văn ngôn” chỉ giải thích 2 quẻ là “Càn” và “Khôn”, 62 quẻ còn lại không giải thích, “hệ từ truyện” thì giống Dịch nghĩa thông luận. Tác giả của “thập dực” từ giác độ tuyển chọn của mỗi người, đối với quái hào từ, quái hào tượng tiến hành giải thích phân tích cụ thể hoặc chung chung. Từ đời Hán trở về sau, “Dịch truyền” và “kinh” văn được gộp lại, cả 2 sóng đôi nhau hợp xưng là Chu Dịch.
          Nhìn từ giác độ biên soạn từ điển, chưa thể nói Chu Dịch là bộ từ điển cổ xưa của Trung Quốc. Chu Dịch có phải đã phát huy sự gợi mở nhất định và tác dụng làm mẫu đối với sự manh nha từ điển ở Trung Quốc, và từ điển xuất hiện sau này cùng với nó có phải có mối quan hệ thừa kế nhất định hay không thì còn phải đợi sự khảo chứng thêm của các học giả.
                                                                                 (còn tiếp)

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 12/01/2013
Previous Post Next Post