TẬP TỤC BÁI ĐƯỜNG
Sau khi
chú rể rước cô dâu về nhà, nghi thức quan trọng nhất đó là “bái đường” 拜堂. Bởi vì, chỉ có kinh qua nghi thức này mới được xã hội
công nhận là vợ chồng, hôn nhân mới có thể thành lập.
“Bái đường”
còn được gọi là “ bái thiên địa” 拜天地, nhưng nội dung của
bái đường không chỉ là bái thiên địa mà còn bái bài vị tổ tông. Ngày xưa có gia
miếu phải đến gia miếu bái liệt tổ liệt tông, đây là nghi thức rất quan trọng.
Bởi cô dâu là người ngoài tộc được gã về trở thành thành viên của gia tộc nhà
trai, phải bái cáo tổ tông, cầu mong tổ tông thừa nhận. Đây là sự khởi đầu thể
hiện cụ thể hàm nghĩa “hoà hợp hai họ, trên để thờ phụng tông miếu, dưới để nối
tiếp dòng họ” của hôn nhân. Sau khi bái tổ tông là bái phụ mẫu, cầu mong phụ mẫu
thừa nhận. Tiếp đó, phu thê giao bái, biểu thị từ nay về sau luôn kính yêu lẫn
nhau.
Một số
nơi ngoài bái thiên địa tổ tông ra còn có “bái hoa chúc” 拜花烛, “bái kính đài” 拜镜台,
nhưng đây chỉ là hiện tượng không phổ biến trong dân tục Trung Quốc. Thời thượng
cổ, cô dâu khi bái đường chỉ bái cha mẹ chồng và các bậc trưởng bối của nhà
trai. Bắt đầu từ thời Đường lại thêm nội dung bái bạn bè và tân khách tham gia
hôn lễ. Ngoài ra, còn bái bậc tôn trưởng trong tộc và tập tục phân biệt lớn nhỏ,
đây là hình ảnh thu nhỏ các loại luân lí chế ước phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Thời
xưa khi làm lễ bái đường phải thắp hương đốt đèn, trên bàn bày gà, cá, thịt
kính cáo tổ tông. Cô dâu lần lượt hướng đến tổ tông, trưởng bối, thân thích quỳ
lạy đỉnh lễ. Sau đó phu thê đối mặt nhau quỳ bái gọi đó là “kiến diện lễ” 见面礼. Lúc này thân thích trưởng bối tặng đôi vợ chồng mới
phong bao. Những nhà giàu có hoặc những nhà có học thức, khi làm lễ bái đường
còn có hai hàng “lễ sinh”. Chú rể cô dâu ở chính giữa nhà theo khẩu lệnh của “lễ
sinh” thực hiện 4 vái 4 lạy. Sau khi bái, “lễ sinh” đọc tế văn chúc cáo thiên địa
cùng tổ tông, đồng thời cử “đại nhạc” “tiểu nhạc”.
Nghi thức
bái đường của tộc người Dao 瑶 ở Quảng Tây 广西 mất rất nhiều thời
gian. Nghi thức được cử hành trong nhà, xếp mấy chiếc bàn lại thành một bàn
dài, bên trên bày rượu và thức ăn. Chiêng trống nổi lên, pháo nổ vang, nghi thức
tuyên cáo bái đường bắt đầu. Nghi thức do cậu hoặc bác chủ trì, nhất bái
tổ phụ tổ mẫu, nhị bái phụ thân mẫu thân, tam bái thúc bá huynh đệ tỉ muội. Khi
chú rể cô dâu hành lễ, căn cứ vào lớn nhỏ mà lần lượt tiến hành. Động tác phải
chậm rãi, mỗi lần phải tiến hành 12 lần quỳ lạy, cùng với 2 lần bưng rượu mời
khách. Trong đó động tác của chú rể đặc biệt nhiều: khom lưng, quỳ xuống, khấu
đầu mới được xem là 1 bái. Cô dâu không phải vái, khi chú rể quỳ xuống, cô dâu
chỉ buông thõng tay quỳ xuống lễ một lần. Khi bái kiến, những người nhận lễ bái
đều nói những lời tốt đẹp và tặng quà cho đôi vợ chồng mới biểu thị sự chúc mừng.
Người
Khách gia 客家ở Quảng Đông 广东, không ít người
sinh sống ở các nước khu vực Đông Nam Á, sau khi làm ăn phát tài luôn muốn cưới
vợ ở quê nhà. Sau khi việc hôn nhân bàn định xong, vì đường xa nên thường không
kịp làm lễ bái đường thành thân. Để không trễ giờ tốt, tập quán nơi đó là trước
tiên chọn một con gà trống mạnh khoẻ, trước đó vài ngày nhốt trong một chiếc lồng
mới, không cho gần với gà mái, đồng thời cho ăn những thức ăn sạch. Đến
lúc làm lễ bái đường, gà trống sẽ đại diện chú rể cùng cô dâu làm lễ. Sau khi lễ
xong, cô dâu chính thức là vợ của của chú rể.
Lễ bái
đường của tộc người Hán trong cả nước đại để tương đồng, chỉ là phạm vi bái lớn
nhỏ khác nhau mà thôi. Sau giải phóng, lễ kết hôn đã không còn nghi thức bái đường,
nhưng vẫn bảo lưu việc chú rể cô dâu giao bái và tục khom người chào tân khách.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 28/01/2013
Dịch từ nguyên tác Trung văn
TÂN PHỤ BÁI ĐƯỜNG
新妇拜堂
Trong quyển
BÁT TỰ HÔN NHÂN HỌC
八字婚姻学
Tác giả: Vương Trạch Thụ 王泽树
Thanh Hải nhân dân xuất bản xã, 2005.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật