Dịch thuật: Tái thú


TÁI THÚ

          Tái thú là một loại hình thức hôn nhân người đàn ông kết hôn lại sau khi vợ mất hoặc li hôn. Sau khi vợ mất mà tái thú dân gian gọi là “tục huyền” 续弦 hoặc “điền phòng” 填房.
          Trước khi xuất hiện chế độ một vợ một chồng không có khái niệm “tái thú”, chỉ sau khi xuất hiện chế độ một vợ một chồng, khái niệm này mới hình thành.
          Nhìn từ những ghi chép trong các sách xưa: Trung Quốc cổ đại đối với việc tái thú sau khi người vợ qua đời có những hạn chế. Quan niệm truyền thống cho rằng, người vợ sau khi qua đời chỉ là mất đi cuộc sống chung chồng vợ, còn quan hệ vợ chồng tuyệt đối không mất, về phương diện linh hồn vẫn là vợ chồng. Do đó lễ chế tập tục có khuynh hướng không tái thú. Trong Công Dương truyện – Trang Công thập cửu niên 公羊传 - 庄公十九年 có ghi:
Chư hầu bất tái thú
诸侯不再娶
(Chư hầu không tái thú)
          Trong Bạch Hổ thông – Giá thú 白虎通 - 嫁娶 cũng có ghi:
Nhân quân vô tái thú chi nghĩa
人君无再娶之义
(Đế vương không tái thú)
          Đương nhiên không tái thú không phải là không thể, những nhà hào phú đa phần là năm thê bảy thiếp, căn bản không tồn tại vấn đề không tái thú. Nhưng người vợ hôn phối sau không thể chiếm danh phận của nguyên phối phu nhân. Ví dụ, nguyên thê của chư hầu gọi là “Nguyên phi” 元妃, sau khi bà ta mất, những người phụ nữ khác bổ sung vào chỉ có thể gọi là “kế thất” 继室. Còn trong dân gian nói chung, người vợ được tái thú gọi là “điền phòng” 填房, “tục huyền” 续弦, “tiếp cước phu nhân” 接脚夫人. Ngoài danh phận ra, chỉ có nguyên phối phu nhân mới có quyền được hợp táng cùng mộ với chồng, đó là tượng trưng cho cuộc sống chung ở cõi âm, vì thế rất được mọi người coi trọng. Cho nên, phụ nữ nếu không vì bất đắc dĩ sẽ không muốn làm “điền phòng”. Từ một mức độ nào đó, tập tục hôn nhân kiểu cũ này đã hạn chế hiện thực tái thú.
          Tập tục của tuyệt đại đa số dân tộc thiểu số ở Trung Quốc đối với việc tái thú của nam giới không có nhiều hạn chế, về cơ bản cho phép sự tồn tại của hiện tượng này. Nam giới tái thú chủ yếu có mấy loại như sau:
          - Sau khi người vợ qua đời sẽ lấy chị hoặc em gái của người vợ đã mất làm thê.
          - Anh hoặc em trai qua đời sẽ lấy vợ của họ làm thê.
          - Chọn người hôn phối tổ chức cưới lần hai.
          Hôn lễ tái thú không được coi trọng giống như hôn lễ lần đầu, và cũng không được hoàn chỉnh. Tập tục truyền thống cho rằng: bản thân tái thú chính là tiêu chí của bất hạnh, vì thế cho dù đối phương là người con gái lần đầu kết hôn, hôn lễ cũng không hoàn toàn náo nhiệt và hoàn bị như hôn lễ lần đầu với nguyên phối phu nhân.

                                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                                             Quy Nhơn 15/01/2013

Dịch từ nguyên tác Trung văn
TÁI THÚ
再娶
Trong quyển
BÁT TỰ HÔN NHÂN HỌC
八字婚姻学
Tác giả: Vương Trạch Thụ 王泽树
Thanh Hải nhân dân xuất bản xã, 2005.
Previous Post Next Post