HUYẾT
THỐNG DỊ TỘC
CỦA
VƯƠNG THẤT TRIỀU ĐƯỜNG
Sự
dung hợp dân tộc đại quy mô trong một thời gian dài đã khiến cho thành phần dân
tộc và văn hoá của khu vực phương bắc Trung Quốc vốn là nơi Hán tộc tụ cư đã đi
đến phức tạp hoá. Mặt khác, nhìn từ phạm vi rộng lớn hơn, dân tộc và văn hoá
nguyên vốn đa dạng đã đi đến đơn giản hoá, tức sự “đồng hoá” dân tộc. Các dân tộc
thiểu số tây vực tiến quân vào trung nguyên đã dần hoà nhập với Hán tộc và
trong quá trình tiếp nhận dị tộc, Hán tộc cũng đã dần có một số tố chất của các
dân tộc này. Vì thế, để tăng cường tính quyền uy và sức hiệu triệu của mình,
giai cấp thống trị từ thời Bắc triều đến Tuỳ, Đường đều tự xưng là người Hán,
nhưng rõ ràng không phải là Hán tộc theo đúng ý nghĩa vốn có. Đối với giai cấp
thống trị nhà Đường mà nói, đây vừa là hiện thực xã hội gặp phải trước khi kiến
lập chính quyền, lại là đặc tính dân tộc tự thân vốn có.
Trong
lịch sử xã hội phong kiến Trung Quốc, vương triều Đường họ Lí đương nhiên
được xem là chính quyền Hán tộc trung nguyên điển hình, nhưng trên thực tế cũng
giống như nhà Tuỳ, giai cấp thống trị nhà Đường tự thân có “nguồn gốc xuất phát
từ di địch”, về điểm này tiền nhân đã chỉ ra từ lâu. Giai cấp thống trị nhà Đường
xuất phát từ tập đoàn quân sự Quan Lũng 关陇 (1) phương bắc, lúc phát tích đầu
tiên ở Tây Nguỵ thời Bắc triều, Lí Hổ 李虎, tổ phụ của Lí Uyên 李渊, vị hoàng đế khai quốc nhà Đường
chính là một trong Tây Nguỵ bát trụ quốc 西魏八柱国 (2), đồng thời được Vũ Văn Thái 宇文泰 ban cho họ Tiên Ti 鲜卑 là Đại Dã 大野. Giai cấp thống trị nhà Đường tự
xưng là người Hán, kì thực rất khả nghi. Triết học gia đời Tống là Chu Hi 朱熹 từng nói:
Đường nguyên lưu
xuất vu di địch
唐源流出于夷狄
(Nhà Đường gốc xuất phát từ di địch)
Trần Dần Khác 陈寅恪 trong Lí Đường thị tộc chi suy trắc 李唐氏族之推测 cũng đã chỉ ra rằng:
Lí Đường nhất tộc chi sở dĩ quật khởi, cái
thủ tái ngoại dã man tinh hãn chi huyết, chú nhập trung nguyên văn hoá đồi phế
chi khu, cựu nhiễm kí trừ, tân cơ trùng khải, khuếch đại khôi trương, toại năng
biệt sáng không tiền chi vĩ nghiệp.
李唐一族之所以掘起, 盖取塞外野蛮精悍之血, 注入中原文化颓废之躯, 旧冉既除, 新机重启, 扩大恢张, 遂能别创空前之伟业.
(Tộc
nhà Đường họ Lí sở dĩ quật khởi là do bởi đã lấy dòng máu ngỗ ngược nhạy bén
ngoài biên tái tưới lên thân xác văn hoá trung nguyên bạc nhược, vấy nhiễm cũ
được loại trừ, cơ hội mới lại trổi dậy, khuếch đại khôi trương, sáng lập nên
công nghiệp vĩ đại mà trước giờ chưa từng có)
Những
lời này đã được nhiều người thời nay tiếp nhận. Nhìn từ hiện thực lúc bấy giờ,
mặc dù giới thống trị nhà Đường tự xưng là người Hán, nhưng trong hạt nhân của tôn thất vẫn có những
tình huồng phong tục người Hồ không có cách gì sửa đổi được. Con trưởng của Lí
Thế Dân 李世民
là Lí Thừa Càn 李承乾
đã bị phế bỏ ngôi vị thái tử chính là do bởi ông ta đắm chìm trong Hồ hoá mà
không thể thoát ra được. Thi nhân Lí Bạch 李白 được xem là hậu duệ dòng nhánh
của tôn thất nhà Đường, tướng mạo là:
Mâu tử quýnh
nhiên, sỉ như ngạ hổ (3)
眸子迥然, 哆如饿虎
(Ánh mắt rực sáng có thần, miệng
há to như hổ đói)
đó là hình tượng một người Hồ
tây vực điển hình. Mã Thừa Quân 马承钧 khi viết Đường đại
Hoa bắc Phiên Hồ khảo 唐代华北蕃胡考 đầu tiên đề xướng thuyết Lí Bạch
“phi Hán nhân”; Trần Dần Khác khi viết Lí
Thái Bạch thị tộc chi nghi vấn 李太白氏族之疑问 cũng
cho rằng Lí Bạch “vốn là người Hồ tây vực”; Linh Mộc Tu Thứ 铃木修次 người Nhật Bản trong Đường đại thi nhân luận 唐代诗人论 càng hoài nghi gia thế của Lí Bạch
có huyết thống Iran hoặc Thổ Nhĩ Kì. Có thể thấy, tuy không thể xác quyết vương
thất triều Đường xuất phát từ tộc nào, nhưng chí ít việc huyết thống dị tộc hỗn tạp
là điều không cần phải nghi ngờ.
Từ
thời Bắc triều đến thời Tuỳ, sự dung hợp dân tộc đại quy mô đương nhiên đã khiến
cho xã hội trung nguyên dung nhập huyết thống các dân tộc và các thành phần văn
hoá, nhưng nhìn từ hình thức dung hợp, trên thực tế là một loại dung hợp bị động
mang tính đối kháng lấy chiến tranh làm tiêu chí, nhưng đến thời Đường, tình
hình đã phát sinh sự biến đổi trọng yếu. Sự dung hợp dân tộc thời Đường có thể
nói là đã phát triển đến một giai đoạn mới trên cơ sở đời trước. Từ giai cấp thống
trị mà nói, không chỉ tiêu tan ý thức lấy Hán tộc làm chủ thể đối với “di địch” dị tộc, mà còn biểu hiện
tình thế thông thoáng hơn, biến thế bị động trước đó thành chủ động, chủ động
tiếp nạp dị tộc, mở rộng sự dung nạp. Phạm vi dung hợp dân tộc thời Đường rộng
lớn hơn nhiều, trừ khu vực trung nguyên phương bắc truyền thống ra, đã tiến một
bước mở rộng đến nam bắc Thiên sơn 天山, đến khu vực Trung Á, Nam Á cùng Đông Nam Á. Sau khi nhà Đường
lập quốc, “bách tính được yên ổn, tứ di đều quy phục”, giai cấp thống trị có ý
thức tiếp nhận đại quy mô các bộ tộc đã phụ thuộc hoặc dời vào trong nội địa
như Đột Quyết 突厥,
Cao Lệ 高丽,
Thiết lặc 铁勒,
đồng thời sắp xếp thoả đáng cho họ hoặc đãi ngộ hậu hĩ, thậm chí còn trao cho
quan chức. Năm Trinh Quán 贞观 thứ 4 (năm 630), triều đình đã sắp xếp cho mấy chục vạn người
thuộc các bộ tộc Đột Quyết ở vùng đất phương bắc, trao quan chức “từ ngũ phẩm
trở lên hơn trăm người”, “nhập cư Trường An đến mấy ngàn nhà”. Như vậy đối với sự
tiếp nhận đại quy mô các dân tộc thiểu số, không chỉ khiến cho văn hoá các dân
tộc nhất thời tụ tập, mà còn thay đổi kết cấu chính quyền Hán tộc truyền thống.
Trong các văn thần võ tướng thời Đường, người xuất thân từ Hồ tộc cực kì phổ biến,
Tể tướng xuất thân từ người Hồ về số lượng đạt đến 1/10. Nguyên lão trọng thần
của Đường Thái Tông là Trưởng Tôn Vô Kị 长孙无忌 nguyên vốn họ Thác Bạt 拓拔 thuộc hoàng tộc Bắc Nguỵ. Tướng
lĩnh trấn thủ một vùng xuất thân từ người Hồ số lượng cũng rất nhiều, như An
Lộc Sơn 安禄山,
Tiết độ sứ 3 quận Bình Lư 平卢, Phạm Dương 范阳, Hà Đông 河东 gây ra loạn An Sử 安史 và Ca Thư Hàn 哥舒翰, giữ chức Phó nguyên soái nhà Đường trong cuộc dẹp trừ loạn
An Sử đều là người Đột Quyết. Trong các buổi yến tiệc của hoàng đế triều Đường,
Khả hãn Đột Quyết múa kiếm, tù trưởng Nam Việt ca hát là hiện tượng thường thấy,
đó gọi là “Hồ Hán nhất gia”. Quy mô và mức độ dung hợp dân tộc không chỉ trước
đây không có mà sau này cũng không có.
(còn tiếp)
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- TẬP ĐOÀN QUÂN SỰ QUAN LŨNG:
trong cuộc chiến tranh đoạt giữa Đông Nguỵ và Tây Nguỵ, một số cường hào địa chủ
ở Quan Lũng 关陇
và Hà Đông 河东
đã quy phụ Vũ Văn Thái 宇文泰. Để thống nhất võ tướng của 6 trấn phương bắc với lực lượng
cường hào địa chủ, Vũ Văn Thái đã tổ chức thành Quan Lũng quân sự quý tộc tập
đoàn, lấy bát trụ quốc làm nòng cốt, lấy Đại tướng quân, Khai phủ làm thành
viên chủ yếu, lấy hệ thống binh phủ làm cơ sở.
Tập
đoàn này là tập đoàn Hồ Hán kết hợp được kiến lập từ lực lượng vũ trang. Thời
Tây Nguỵ, Bắc Chu, Tuỳ và Sơ Đường, họ chiếm địa vị thống trị, đỉnh thịnh là thời
kì Bắc Chu và Tuỳ. Đến thời Võ Tắc Thiên 武则天 cơ bản kết thúc.
Quan
Lũng tập đoàn cũng còn gọi là Quan Lũng lục trấn tập đoàn, Lục trấn Hồ Hán Quan
Lũng tập đoàn.
(2)- BÁT TRỤ QUỐC: tức Bát trụ
quốc gia 八柱国家
gồm:
-
Vũ Văn Thái 宇文泰 - Nguyên Hân 元欣
-
Lí Hổ 李虎 - Lí Bật 李弼
-
Triệu Quý 赵贵 - Vu Cẩn 于谨
-
Độc Cô Tín 独孤信 - Hầu Mạc Trần Sùng 侯莫陈崇
Trong
đó Vũ Văn Thái thống lĩnh chư quân.
(3)- Hai câu này trong Lí Hàn Lâm tập tự 李翰林集序. Về tác giả của Lí
Hàn Lâm tập tự, có thuyết cho là của Giang Vạn Lí 江万里 thời Nam Tống, có thuyết cho là
của Nguỵ Hạo 魏颢
thời Đường.
Chữ
“quýnh” 迥
trong nguyên tác viết với bộ 辶 (sước). Trong các tư liệu khác viết là 炯với bộ 火 (hoả).
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 2/1/2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật