Dịch thuật: Diễn biến quan xưng Tể tướng ... (kì 2)


DIỄN BIẾN QUAN XƯNG TỂ TƯỚNG
 QUA CÁC TRIỀU ĐẠI

 TẦN, HÁN, TAM QUỐC

          TRIỀU TẦN
          Sau khi Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 thống nhất Trung Quốc, định ra quan chế trong cả nước, đồng thời thiết lập chức “Thừa tướng” 丞相 để nắm giữ muôn việc, tức Tể tướng. Có Tả thừa tướng 左丞相 và Hữu thừa tướng 右丞相.
          Triều Tần còn thiết lập Ngự sử đại phu 御史大夫, tức Phó tể tướng, nắm giữ việc duy trì trật tự bách quan, đồng thời giúp Tể tướng xử lí chính sự.
          Thừa tướng, Ngự sử đại phu và Thái uý 太尉 (nắm giữ binh mã) hợp xưng là tam công. Điều này đã đặt nền móng  cho chế độ Tể tướng của các triều đại sau này.
          TRIỀU HÁN
          Tây Hán
          Triều Hán theo chế độ triều Tần, sau khi lập quốc, thiết lập chức Thừa tướng, phụ trách công việc của một Tể tướng. Sau 11 năm,  đổi gọi là Tướng quốc. Thời Lữ Hậu 吕后chấp chính, lại đổi gọi là Thừa tướng, lập Tả thừa tướng, Hữu thừa tướng mỗi chức 1 người. Thời Văn Đế 文帝, khôi phục lại chế độ cũ, chỉ lập 1 Thừa tướng. Thời Ai Đế 哀帝, đổi gọi là Đại tư đồ 大司徒. Thời Bình Đế 平帝, Đại tư đồ (Vương Mãng 王莽) đổi gọi là Tể hành 宰衡.
          Triều Tây Hán còn thiết lập Ngự sử đại phu làm Phó Tể tướng. Thời Thành Đế 成帝 đổi gọi là Đại tư không 大司空, đồng thời đưa địa vị Đại tư không ngang hàng với Thừa tướng và Đại tư mã (Thái uý). Thời Ai Đế có dạo khôi phục tên cũ, nhưng chẳng bao lâu lại đổi gọi là Đại tư không.
          Đại tư đồ, Đại tư mã, Đại tư không triều Tây Hán gọi chung là tam công, về danh nghĩa đều là chức Tể tướng. Nhưng, Đại tư mã không thường được thiết lập, về cơ bản lấy Đại tư đồ là Chính tể tướng, Đại tư không làm Phó tể tướng, cùng xử lí việc triều chính.
          Đông Hán
          Đầu thời Đông Hán, Quang Vũ Đế 光武帝 tiếp thu bài học từ việc Vương Mãng độc quyền nắm giữ quân sự dẫn đến việc soán ngôi, nên đã phân tán quyền lực, lấy Đại tư mã, Đại tư đồ, Đại tư không cùng làm Tể tướng, “phân chức trao việc”, mỗi vị nắm một bộ phận quyền lực.
 - Đại tư mã nắm giữ binh sự tứ phương kiêm quản tam khanh là Thái thường 太常, Quang Lộc 光禄, Vệ uý 卫尉.
- Đại tư đồ nắm giữ dân sự kiêm quản tam khanh là Thái bộc 太仆, Đình uý 廷尉, Đại hồng lô大鸿胪 cùng chủ quan quận quốc địa phương.
- Đại tư không nắm giữ thuỷ lợi, kiến trúc kiêm quản tam khanh là Chính tông 正宗, Đại tư nông 大司农, Thiếu phủ 少府.
Những việc trọng đại do tam công thương nghị quyết định, sử gọi là chế độ “Tam công đỉnh lập” 三公鼎立 (Tam công chia 3 chân vạc), có thể khiến tam công kiềm chế lẫn nhau, để phòng ngừa độc chiếm đại quyền.
Về thứ vị của tam công, Đại tư mã đứng đầu, sử gọi là “Thượng tư” 上司; kế tiếp là Đại tư đồ, cuối cùng là Đại tư không. Về chức việc nắm giữ, Đại tư đồ nắm giữ dân chính, quản lí bách quan, quyền lực lớn nhất, có thể xem là Chính tể tướng; Quyền lực của Đại tư không là nhỏ nhất, có thể xem là Phó tướng. Riêng Đại tư mã vẫn nắm giữ binh quyền là chính.
Đại tư mã triều Đông Hán về sau khôi phục lại theo chức danh của triều Tây Hán gọi là Thái uý. Đại tư đồ đổi gọi là Tư đồ. Về sau khi Đổng Trác 董卓曹操 chuyên quyền lại đổi gọi là Tướng quốc, Thừa tướng. Đại tư không khi Tào Tháo chuyên quyền lại đổi gọi là Ngự sử đại phu.

TAM QUỐC
Nguỵ
Thời kì đầu (Văn Đế 文帝, Minh Đế 明帝), lấy tam công là  Tư đồ, Thái uý, Tư không làm Tể tướng, trong đó đứng đầu là Tư đồ, tổng quản quốc chính. Thời kì sau (Tề vương 齐王, Cao Quý Hương Công 高贵乡公, Nguyên Đế 元帝) do bởi chức quyền của Thượng thư đài 尚书台 được mở rộng, nắm giữ quốc chính, nên Thượng thư lệnh 尚书令, Lục thượng thư sự 录尚书事 trên thực tế trở thành Tể tướng. Tam công chuyển hoá thành chức hàm vinh dự. Trong thời gian này, Tư Mã Ý 司马懿 từng lấy chức hàm Thừa tướng để thực thi quyền Tể tướng.
Thục
Thời kì đầu lấy Thừa tướng là Tể tướng. Sau khi Chư Cát Lượng 诸葛亮 qua đời, lấy Đại tư mã, Đại tướng quân làm Tể tướng, cũng lấy Thượng thư lệnh làm Tể tướng trong thực tế.
Ngô  
Từ lúc lập quốc cho đến lúc diệt vong, về cơ bản đều lấy Thừa tướng làm Tể tướng, có một dạo thiết lập Tả thừa tướng, Hữu thừa tướng.
Thời Tam quốc do bởi giữa 3 nước chiến tranh liên miên, chính cục của nội bộ các nước cũng luôn biến động, quân sự trở thành việc lớn hàng đầu, chức Tể tướng cũng thường lấy danh hàm Tướng quân, Đại tướng quân, Đại tư mã, Lục thượng thư sự để hành sử tướng quyền, nhưng người đó không nhất định phải dẫn binh đánh trận, mà chỉ là lập quyền uy mà thôi.
         
                                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                                            Quy Nhơn 05/01/2013

Dịch từ nguyên tác Trung văn
LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG QUAN XƯNG ĐÍCH DIỄN BIẾN
历代宰相官称的演变
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post