Dịch thuật: Nhất Quỳ dĩ túc


NHẤT QUỲ DĨ TÚC
一夔已足
MỘT ÔNG QUỲ LÀ ĐỦ

Giải thích:  Quỳ là tên một con thú, trong thành ngữ là tên người. Chỉ cần một người có tài năng là có thể làm tốt công việc, không cần phải nhiều người.
Xuất xứ: Chiến quốc . Lã Bất Vi 吕不韦: Lã Thị Xuân Thu – Sát truyền 吕氏春秋 - 察传.

          Truyền thuyết kể rằng, vào thời Hoàng Đế 黄帝, trên một ngọn núi ở đông hải xuất hiện một quái thú. Hình dạng của nó giống trâu, trên đầu không có sừng, chỉ có một chân nhưng đi nhanh như bay; cặp mắt phát ra luồng sáng, ban ngày như mặt trời, ban đêm như mặt trăng; tiếng kêu như sấm, khiến mọi người vô cùng sợ hãi, gọi quái thú đó là “Quỳ”, cho đó là con vật bất tường.
          Về sau, quái thú đó bị các dũng sĩ bắt được, đem dâng lên Hoàng Đế. Hoàng Đế lập tức ra lệnh giết chết, lấy da làm thành một chiếc trống lớn. Do bởi trống rất lớn nên âm thanh của nó có thể vang xa đến ngoài 500 dặm.
          Đến thời Đường Nghiêu 唐尧, trong dân gian xuất hiện một vị nhạc sư rất nổi tiếng tên là Quỳ . Ông Quỳ này tinh thông âm luật, đặc biệt có tài về đánh chiếc khánh. Khánh là một loại nhạc khí hình dạng giống thước cuộn được làm bằng ngọc hoặc đá. Chỉ cần ông Quỳ đánh lên, muôn thú sẽ theo tiết tấu đó mà nhảy múa.
          Sau khi vua Thuấn kế vị, cảm thấy tác dụng của âm nhạc rất lớn muốn bổ nhiệm một vị nhạc quan, nên đã chọn ông Quỳ. Ông Quỳ ra sức phát huy tài năng âm nhạc của mình.
          Vua Thuấn rất yêu quý tài năng của ông Quỳ, quyết định phái ông đi khắp nơi để chỉnh đốn âm luật, truyền bá âm nhạc. Có người lo chỉ với một mình ông Quỳ khó mà hoàn thành nhiệm vụ nặng nề, nên đã kiến nghị với vua Thuấn nên tìm thêm vài vị nhạc sư nữa. Vua Thuấn nghe qua lắc đầu nói rằng:
          Cái gốc của âm nhạc, quý ở chỗ hoà. Người tinh thông âm nhạc như ông Quỳ, một mình là đủ.
          Quả nhiên thông qua âm nhạc, ông Quỳ đã đem văn hoá trung nguyên truyền bá khắp nơi.
          Ở nước Lỗ cuối thời Xuân Thu, không ít người đã lẫn lộn ông giữa Quỳ đảm nhiệm chức nhạc quan thời vua Thuấn trị vì thiên hạ với quái thú Quỳ thời Hoàng Đế, cho rằng vị nhạc quan này chỉ có một chân. Lỗ Ai Công không rõ sự việc bèn đi hỏi Khổng Tử:
          Ta nghe nói nhạc quan Quỳ chỉ có một chân, chuyện đó như thế nào?
          Khổng Tử đáp rằng:
          Quỳ một chân là có, nhưng đó là quái thú bị bắt được thời Hoàng Đế. Còn nhạc quan Quỳ là người, làm sao chỉ có một chân? Vua Thuấn từng nói “Quỳ giả nhất nhi túc” 夔者一而足, ý nghĩa của câu này là tinh thông âm luật như ông Quỳ có một người là đủ, không phải nói ông Quỳ chỉ có một chân.
          Mọi người cho rằng cách giải thích của Khổng Tử là hợp lí. Và để tránh hiểu lầm, cách nói “Quỳ nhất túc” 夔一足 có lúc được nói là “nhất Quỳ túc” 一夔足. Về sau, mọi người tiến thêm một bước nói thành thành ngữ “Nhất Quỳ dĩ túc” 一夔已足.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 23/12/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
NHẤT QUỲ DĨ TÚC
一夔已足
Trong quyển
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.
Previous Post Next Post