LÍ
HỒNG CHƯƠNG VỐN KHÔNG PHẢI HỌ LÍ
Lí
Hồng Chương 李鸿章
là một nhân vật hiển hách trong lịch sử cận đại Trung Quốc. Trong những năm động
loạn cuối triều Thanh, Lí Hồng Chương đảm nhiệm chức vụ trọng yếu, một mình nắm
giữ đại quyền. Ông từng lập ra nhóm Đoàn luyện 团练, tổ chức Hoài quân 淮军, trấn áp phong trào Thái bình
thiên quốc 太平天国,
chủ trì phong trào Dương vụ 洋务, lập ra nhiều xí nghiệp kiểu mới, biên chế và huấn luyện
qua hải quân, lục quân Trung Quốc; ông từng chủ trì việc ngoại giao của chính
phủ triều Thanh, cùng với liệt cường phương tây kí kết điều ước bán nước. Tên của
ông ta người trong nước đã biết từ lâu, nhưng nhân vật hiển hách này vốn không
phải họ Lí, mà là họ Hứa 许, đây là điều ít người biết đến.
Tổ
tiên của Lí Hồng Chương vốn họ Hứa, người huyện Hồ Khẩu 湖口 tỉnh Giang Tây 江西, là cháu bên ngoại của họ Lí ở
Hợp Phì 合肥.
Do bởi nhà họ Lí không có con trai nên đã nhận người cháu ngoại họ Hứa này làm
con thừa kế. Cho nên, người cháu này đã đổi sang họ Lí trở thành người nối tiếp
dòng họ Lí ở Hợp Phì, con cháu của ông ta cũng trở thành hậu duệ của nhà họ Lí.
Do vậy, theo quy định tổ truyền của họ Lí ở Hợp Phì là “hai họ Hứa, Lí không được thông hôn”.
Gia
tộc họ Lí vốn xuất thân là nông dân, mãi đến đời phụ thân của Lí Hồng Chương là
Lí Văn An 李文安
mới bước vào con đường sĩ hoạn. Năm Đạo Quang
道光 thứ 18, Lí Văn An đậu Tiến sĩ,
bắt đầu làm Chủ sự 主事, một chức quan nhỏ, sau dần từng bước lên đến Lang trung 郎中, cuối cùng là Ngự sử 御史. Lí Văn An là một vị quan thanh
liêm, được mọi người truyền tụng.
Lí
Văn An tự là Ngọc Tuyền 玉泉, hiệu Ngu Thuyên 愚荃. 6 người con của ông khi đặt tên tự đều có chữ Thuyên 荃:
-
Con trưởng là Hàn Chương 瀚章, tự Tiểu Thuyên 筱荃.
-
Con thứ hai là Hồng Chương 鸿章, tự Thiếu Thuyên 少荃.
-
Con thứ ba là Hạc Chương 鹤章, tự Quý Thuyên 季荃.
-
Con thứ tư là Uyên Chương 鵷章, tự Hoà Thuyên 和荃.
-
Con thứ năm là Phụng Chương 凤章, tự Trĩ Thuyên 稚荃.
-
Con thứ sáu là Chiêu Khánh 昭庆, tự Ấu Thuyên 幼荃.
Lí
Hồng Chương là thứ hai nên còn có xưng hiệu là “Lí nhị tiên sinh”.
Nhà họ Lí sau khi phát triển, rất chú ý đến việc tị huý văn tự. Con cháu của 6 anh
em Lí Hồng Chương, khi viết thư qua lại có quy định, phàm gặp từ “thỉnh an” 请安, thì chữ “an” phải đổi dùng chữ
“tuy” 绥.
Đây chính là tị huý tên của Lí Văn An. Anh em Lí Hồng Chương một thời hiển
hách, vương công đại thần, môn sinh liêu thuộc, bạn bè thân hữu cũng phải tuân
thủ nghiêm túc. Khi viết thư cho Lí Hồng Chương hoặc anh em của ông, gặp chữ
“an” cũng phải đổi thành chữ “tuy”, như “đài an” 台安, phải viết thành “đài tuy” 台绥; “huân an” 勋安 phải viết thành “huân tuy” 勋绥. Cách dùng này hiện nay vẫn còn
sử dụng trong thư từ giao tiếp, chỉ có điều có thể mọi người không biết đó là
do tị huý tên phụ thân của Lí Hồng Chương.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 30/12/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
LÍ HỒNG CHƯƠNG NGUYÊN BẢN BẤT
TÍNH LÍ
李鸿章原本不姓李
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên (张壮年)
Trương Dĩnh Chấn (张颖震)
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã,
tháng 9-2005
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật