Dịch thuật: Bất tri nhân gian hữu tu sỉ sự


BẤT TRI NHÂN GIAN HỮU TU SỈ  SỰ
不知人间有羞耻事
KHÔNG BIẾT Ở NHÂN GIAN
 CÓ NHỮNG VIỆC ĐÁNG HỔ THẸN

Giải thích: trách mắng một ai đó làm những việc vô sỉ.
Xuất xứ: Tống . Âu Dương Tu 欧阳修: Âu Dương Văn Trung Công toàn tập 欧阳文忠公全集.

          Âu Dương Tu 欧阳修, văn học gia thời Bắc Tống nhân đỗ đạt được làm quan tại triều đình. Lúc bấy giờ, mâu thuẫn trong và ngoài nước đã trở nên gay gắt, các cuộc khởi nghĩa nông dân không ngừng nổ ra, Tây Hạ 西夏 ở phía bắc lại xâm phạm. Một số đại thần do Phạm Trọng Yêm 范仲淹 đứng đầu đã chủ trương cải cách chế độ chính trị quan liêu, tích cực chống lại kẻ địch bên ngoài, nhưng gặp phải sự phản đối của phe Tể tướng Lữ Di Giản 吕夷简. Phạm Trọng Yêm bị vu hại, bị biếm đi Nhiêu Châu 饶州 (nay là Bà Dương 鄱阳 Giang Tây 江西).
          Âu Dương Tu cùng một số đại thần dâng thư lên hoàng đế, xưng tụng Phạm Trọng Yêm là người chính trực dám nói, làm quan thanh liêm, xin giữ ông ta ở lại kinh thành. Nhưng tay gián quan là Cao Nhược Nột 高若讷 không có lương tâm, nói rằng Phạm Trọng Yêm đáng bị biếm. Âu Dương Tu lập tức viết thư cho Cao Nhược Nột, trách mắng ông ta. Trong thư, Âu Dương Tu viết rằng:
          Trước đây tôi nghe người ta nói ông là một người quân tử chính trực có học vấn, nhưng tôi lại hoài nghi. Cái gọi là chính trực đó là không thể co mình lại; có học vấn đó là có thể phân biệt thị phi. Ông thân là gián quan, đối với việc Phạm Trọng Yêm bị biếm lại không thể nói những lời công chính, tôi thấy ông không phải là bậc quân tử. Phạm Trọng Yêm cương chính hiếu học, bác cổ thông kim, trong triều ngoài nội ai ai cũng đều công nhận. Ông ấy chỉ vì đắc tội với Tể tướng. Ông thì sợ Tể tướng, ham tiếc chức vị của bản thân, vì hám lợi mà không dám nói những lời công chính. Ông làm như thế, còn mặt mũi nào đi gặp các vị đại thần? còn có tư cách gì vào triều xưng là gián quan? Tôi xem ra ông là người không biết ở nhân gian có những việc đáng hổ thẹn!
          Cao Nhược Nột và Lữ Di Giản đã dùng thủ đoạn báo thù, trục xuất Âu Dương Tu ra khỏi kinh thành, giáng chức xuống làm huyện lệnh ở Di Lăng 夷陵 (nay là Nghi Xương 宜昌 Hồ Bắc 湖北). Mãi đến mấy năm sau, khi triều đình trọng dụng lại Phạm Trọng Yêm, Âu Dương Tu mới được về lại kinh thành.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 29/12/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
BẤT TRI NHÂN GIAN HỮU TU SỈ SỰ
不知人间有羞耻事
Trong quyển
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.
Previous Post Next Post